Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 29/4/2012 15:59'(GMT+7)

Nhiều hoạt động mừng ngày Chiến thắng 30/4

Hầm ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt trong khu di tích Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Hầm ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt trong khu di tích Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Khánh thành giai đoạn I di tích Khu ủy Sài Gòn – Gia Định

Sáng 28/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ khánh thành giai đoạn I khu di tích Khu ủy Sài Gòn – Gia Định trong thời kháng chiến chống Mỹ.

Cuối năm 1968, do địch đánh phá ác liệt nên Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chuyển căn cứ đến xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Tại đây, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định được nhân dân Bến Tre che chở, đùm bọc và đã cùng với lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu hàng trăm trận càn quét ác liệt của địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ và lãnh đạo Khu ủy để các đồng chí Khu ủy tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở nội ô Sài Gòn và các vùng phụ cận.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định di tích có ý nghĩa to lớn, là biểu tượng cách mạng, là tấm lòng của nhân dân Bến Tre đối với Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh.

Gặp mặt các cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự “Trại Đa-vit”

Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam - Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự “Trại Đa-Vit” đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, nhân dịp Đảng, Nhà Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, các cán bộ, chiến sỹ “Trại Đa-vít” năm xưa đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng gian nguy, kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm đấu tranh giữa sào huyệt của địch, bảo đảm thực thi Hiệp định Paris về Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam nước ta.

Đại tá Nguyễn Văn Khả, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự “Trại Đa-vít” cho biết, Trại Đa-vít vốn là doanh trại của một đơn vị chuyên môn thuộc không quân Mỹ. Người Mỹ đặt tên này để tưởng niệm người lính Mỹ đầu tiên chết trận tại miền Nam Việt Nam. Việc lấy một trại lính làm trụ sở hai phái đoàn quân sự của ta đã thể hiện rõ ý đồ của đối phương muốn cô lập, không để người dân Sài Gòn tiếp xúc với phái đoàn ta.

Tuy nhiên, trong suốt 823 ngày đêm đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt của địch, từ tháng 1/1973 đến ngày 30/4/1975, hai Đoàn đại biểu quân sự của ta đã kiên cường bám trụ tại Trại Đa-vít quyết liệt, liên tục tấn công địch; luôn tỉnh táo, khôn khéo, sáng tạo, buộc đối phương phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Triển lãm ảnh nghệ thuật "Bình Dương trên đường phát triển”

Tại Bình Dương, ngày 28/4, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa- thể thao và du lịch tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Bình Dương trên đường phát triển”. Triển lãm do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ.

Hơn 30 hội viên, thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Bình Dương tham gia sáng tác và gửi 501 tác phẩn ảnh dự thi với nội dung phong phú, đa dạng về công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ.

Theo ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban giám khảo, cuộc thi ảnh này cho thấy nhiếp ảnh Bình Dương đã có sự tiến bộ, phát triển hơn năm trước; tác phẩm dự thi có chuyển biến hơn về chất lượng bao gồm đề tài, sắc ảnh, góc nhìn…

Trước đó, ngày 27/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã họp mặt kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế lao động 1/5 và 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham gia buổi họp mặt có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng và lãnh đạo tỉnh, huyện thị xã.

Bà Rịa-Vũng Tàu kỷ niệm 37 năm giải phóng

Cũng trong ngày 27/4, tại trường mầm non Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012) và 37 năm giải phóng Bà Rịa (27/4/1975 – 27/4/2012).

Các đại biểu và đông đảo nhân dân trên địa bàn đã cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của quân và dân ta trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Phát huy truyền thống đó, sau khi hoà bình lập lại, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nỗ lực tái thiết và xây dựng tỉnh ngày một phát triển. Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành trung tâm công nghiệp điện, dầu khí, cảng với tốc độ phát triển, đóng góp cho ngân sách nằm trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước.

Nhân dịp này, thị xã Bà Rịa đã khánh thành và đưa vào sử dụng 4 công trình gồm trường mầm non Kim Dinh và 3 tuyến đường với tổng kinh phí gần 127 tỷ đồng.

Sóc Trăng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh

Ngày 27/4, tỉnh Sóc Trăng đã làm lễ tổng kết cuộc thi tìm hiểu “Tỉnh Sóc Trăng – 20 năm xây dựng và phát triển”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 37 năm Giải phóng miền Nam và 20 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng.

Tổng kết cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được gần 17 ngàn bài dự thi của các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong tỉnh. Các bài dự thi được đầu tư công phu, trình bày đẹp đã phản ánh được hầu hết những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương trong 20 năm qua./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất