Thực tế cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tình hình kinh tế -xã hội của Lào Cai có nhiều khởi sắc và chuyển biến rõ rệt. GDP bình quân hàng năm đạt trên 13%; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 6,57%/năm. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, đời sống của nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới.
Chú trọng đầu tư nguồn lực cho chương trình “Tam nông” luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, địa phương đã tích cực huy động và ưu tiên mọi nguồn vốn cho chương trình này. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh: Giai đoạn 2004-2008, tổng nguồn vốn Lào Cai huy động đầu tư vào phát triển tam nông chỉ đạt khoảng 8.592 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2009-2013, nguồn vốn huy động đầu tư vào tam nông của Lào Cai đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đạt 17.678 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ ngân sách là 10.163 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngânsách là 7.514 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2009 đến 2013 tỉnh Lào Cai đã huy động nhiều hơn giai đoạn trước 9 chương trình đầu tư vào lĩnh vực “tam nông”, tổng nguồn vốn giai đoạn này tăng gấp 2,06 lần.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác quy hoạch ngành được chú trọng. Đến nay, Lào Cai đã xây dựng hoàn thiện Quy hoạch tổng thể nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Công tác thực hiện quy hoạch bước đầu đã đem lại hiệu quả, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp giai đoạn trước đã dần hình thành đước các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung có quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đặc biệt, việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được ưu tiên. Đến nay, cơ bản các hộ nông dân đã sử dụng các giống mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Đã bắt đầu xuất hiện những vùng chuyên canh rau an toàn, hoa, thuỷ sản và các cây trồng đặc sản của địa phương: vùng nguyên liệu cây ăn quả nhiệt đới chuối cấy mô với diện tích 1.200 ha, dứa trái vụ với diện tích 900 ha ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát. Sản xuất được mùa liên tục, tổng sản lượng lương thực năm 2012 đạt 259,8 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn so với năm 2008. Giá trị sản xuất đạt 40,6 triệu đồng/ha trong năm 2012, tăng 22,6 triệu đồng/ha so với năm 2008, chăn nuôi, lĩnh vực thủy sản tăng trưởng ổn định, công tác phát triển và bảo vệ rừng được đảm bảo.
Lào Cai là tỉnh có tỷ lệ nông dân cao, chiếm trên 77% dân số toàn tỉnh. Để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, Lào Cai đã tập trung nhiều nguồn lực, ban hành các chính sách hỗ trợ để nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Thời gian qua, người nông dân tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, nhất là các hộ nghèo, bà con tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Điển hình như chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tín dụng, việc làm. Qua đó, đời sống người nông dân được cải thiện rõ nét, thu nhập đã tăng từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 9,4 triệu đồng/người/năm (năm 2012). An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hàng năm giảm 7%.
Với sự sáng tạo từ cơ sở, Lào Cai đã tạo nhiều chuyển biến trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đó là việc thành lập mô hình Ban tuyên vận ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Sau khi được thành lập, Ban tuyên vận nơi đây đã phát huy tốt vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, địa phương đã huy động được gần 2 triệu ngày công lao động, hiến trên 270.000m2 đất, tu sửa làm mới trên 3.000 km đường giao thông, ủng hộ máy móc, thiết bị làm được giao thông… với tổng giá trị đạt trên 298 tỷ đồng. Đánh giá hiệu quả đạt được của mô hình và yêu cầu thực tiễn, từ tháng 4-2013, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình tuyên vận, nâng tổng số đơn vị thực hiện mô hình tuyên vận trong toàn tỉnh lên 76 xã, phường, thị trấn.
Với những nỗ lực đầu tư cho nông thôn, đến nay cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có 83,5% số xã có đường được rải nhựa; 95% thôn, bản có đường giao thông liên thôn; hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 92% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, với 89% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế xã, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 82%; số phòng học được kiên cố đạt 61,6%.
Những thành quả nêu trên đối với một tỉnh miền núi, biên giới như Lào Cai là rất đáng khích lệ. Mặc dù vậy, thách thức trong phát triển tam nông của Lào Cai vẫn rất lớn. Bởi Lào Cai có tới 70% dân số làm nông nghiệp hoặc sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi nguồn lực để đầu tư cho các khu vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp còn thiếu tính bền vững, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn yếu, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phân dân cư khu vực nông thôn còn thấp, số hộ nghèo còn khá nhiều.
Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thời gian tới tỉnh Lào Cai vẫn xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, để tạo đột phá cho “Tam nông”, thời gian tới, Lào Cai sẽ phải tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường thâm canh, tăng vụ nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương. Thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, tập trung làm tốt hơn công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho nông dân, chú trọng công tác y tế, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động văn hóa, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, nhất là các công trình dân sinh thiết yếu và nâng cao tính bền vững của các công trình./.
Bài, ảnh: Nguyên Sa (Lào Cai)