Thứ Năm, 10/10/2024
Dân số và phát triển
Thứ Tư, 18/3/2020 14:34'(GMT+7)

Nhiều mô hình, đề án được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thực hiện tầm soát sớm trước khi kết hôn, khi mang thai và khi trẻ chào đời để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: TL

Thực hiện tầm soát sớm trước khi kết hôn, khi mang thai và khi trẻ chào đời để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: TL

Năm 2019, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh tập trung vào 2 hoạt động chính là siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh.

Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện sàng lọc trước sinh 29.900 ca, sàng lọc sơ sinh 6.870 ca, 99% số mẫu máu đạt, có 96 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD được chuyển đến cơ sở y tế để xác định chẩn đoán bằng xét nghiệm định lượng men G6PD và mở sổ theo dõi quá trình điều trị bệnh và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời, để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Chị N.T.T (huyện Quan Sơn) cho biết, năm 2018, khi mang thai, chị đã được các y, bác sĩ đề cập đến những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Khi bé được sinh ra, các y, bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc sau 24 giờ sinh nên phát hiện bị thiếu men G6PD. Nhờ phát hiện sớm, bác sĩ đã hướng dẫn gia đình các phương pháp chăm sóc, có chế độ ăn uống hợp lý, uống vitamin D để bổ sung men đầy đủ cho bé nên giờ đây bé đã phát triển hoàn toàn bình thường.

Với Đề án Nâng cao chất lượng dân số vùng các dân tộc ít người tại cộng đồng được triển khai tại 48 xã thuộc 11 huyện miền núi đã tổ chức các hoạt động nói chuyện chuyên đề, hội nghị cung cấp thông tin, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết, phát thanh, truyền hình, cấp phát sản phẩm truyền thông đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân tại địa bàn. Qua đó triển khai đề án, để cung cấp các thông tin về các chính sách DS-KHHGĐ trong tình hình mới, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết về bình đẳng giới, về sàng lọc trước sinh và sơ sinh..., góp phần làm thay đổi hành vi, tập quán sử dụng các dịch vụ về DS-KHHGĐ, tăng cường thực hiện các chính sách dân số, góp phần thành công cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin đề án cho 50 đại biểu là cán bộ DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện và thành viên ban chỉ đạo; thành lập và hướng dẫn sinh hoạt cho 48 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên (VTN/TN); tổ chức 192 cuộc nói chuyện chuyên đề/48 xã về công tác dân số trong tình hình mới cho 9.600 lượt người là nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản mới nhận nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ của 11 huyện triển khai mô hình.

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng dân số vùng các dân tộc ít người tại cộng đồng, huyện đã tổ chức thành lập 4 câu lạc bộ "Sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết", tổ chức các buổi sinh hoạt tại 4 câu lạc bộ, với sự tham gia của hàng trăm hội viên.

Thông qua mỗi buổi sinh hoạt, đã truyền tải cho các hội viên nắm được các kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các bệnh được sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách làm mẹ an toàn; tổ chức nói chuyện chuyên đề trao đổi và cung cấp các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng mới kết hôn... tại 4 xã có triển khai mô hình. Những việc làm này đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ sinh trên địa bàn huyện Mường Lát, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt trên 95%, hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai thực hiện thường xuyên ở 100% xã, thị trấn, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều giảm so với cùng kỳ năm trước...

Để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của VTN/TN trong việc tự bảo vệ nâng cao sức khỏe bản thân, ngành Dân số tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho VTN/TN. Đề án được triển khai trên địa bàn 94 trường THCS và THPT của 15 đơn vị là TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn và các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Yên Định và Hà Trung.

Chi cục Dân số đã nhân bản được 15.645 tờ rơi và xây dựng 4 cụm pano tại Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương và Đông Sơn. Tổ chức được 282 cuộc sinh hoạt ngoại khóa tại các trường cho hơn 20.000 học sinh THCS, THPT với nội dung về: Cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN/TN, tâm sinh lý tuổi vị thành niên, tình bạn khác giới, tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai phù hợp lứa tuổi VTN/TN.

Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì ở 4 huyện (Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Thiệu Hóa) và 31 xã, tiếp tục duy trì hoạt động tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, phát thanh, truyền hình tại các xã triển khai mô hình cho các cặp nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn về lợi ích của tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân góp phần duy trì hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc. Mô hình can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) được triển khai tại 138 xã/11 huyện miền núi... Ngoài ra, Đề án Nâng cao chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển triển khai ở 30 xã/6 huyện, thành phố biển, ven biển: Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn đã tổ chức tư vấn cho 600 người, xét nghiệm viêm gan B cho 1.740 đối tượng là nam, nữ thanh niên có nguy cơ cao...

Đạt được kết quả trên, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai thực hiện các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số. Nhờ vậy, người dân đã được tiếp cận với các chính sách dân số thuận lợi với nội dung và hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, 100% số xã, phường, thị trấn được cung cấp thông tin về dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21; chỉ tiêu giảm sinh đạt kế hoạch Trung ương giao 0,1%o; tỷ suất tăng dân số tự nhiên 8%o; 35% số bà mẹ mang thai và 61% số trẻ em sinh ra được sàng lọc; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 75,3%... Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền đã huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn trước kia khá phổ biến trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao./.

T. Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất