Tuy nhiên, công tác dân số của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mức sinh không đồng đều giữa các vùng; tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, kinh phí Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số bị cắt giảm nhiều gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu. So với thời điểm năm 2018, tình hình thực hiện các chỉ tiêu là không đạt kế hoạch.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, công tác dân số trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Năm nay là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế; tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 – 2019 là 1,44%/năm; tỷ suất chết trẻ em, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, công tác tổ chức bộ máy ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc tổ chức sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện.
Đề cập rõ hơn về thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số) cho biết, hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở địa phương đã có nhiều thay đổi.
Theo đó, hiện nay đã có tỉnh Tây Ninh thực hiện chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế; tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án để chuyển Chi cục thành Phòng, còn lại không có chủ trương sáp nhập. Hai tỉnh Bình Thuận và Phú Yên đã xây dựng Đề án để chuyển đổi, tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh và Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ nên 2 tỉnh này đã dừng không xây dựng Đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.
Hiện nay, Sơn La là 1/63 tỉnh/thành phố mà Chi cục DS-KHHGĐ có con dấu nhưng không có tài khoản để hoạt động. 4 tỉnh khác là Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình và Vĩnh Phúc, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số chỉ có dưới 10 biên chế gây nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tại cấp huyện, hiện có 45 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 16 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án sáp nhập; 2 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập (TPHCM và Phú Thọ). Cấp xã, hầu hết các tỉnh, viên chức dân số xã thuộc Trạm Y tế xã quản lý trực thuộc Trung tâm Y tế. Riêng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số, theo báo cáo, hiện nay tổng số cộng tác viên dân số trên cả nước là 163.686 người, giảm 11.161 người so với năm 2018. Trong đó, khoảng 65% số cộng tác viên dân số hiện tại là kiêm nhiệm, đa số là các cán bộ y tế thôn bản và cán bộ phụ nữ.
Trước thực trạng việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, các cơ quan chuyên môn có nhiều biến động, thiếu sự đồng bộ ở các địa phương, ngày 8/5/2018, Bộ Y tế đã có văn bản Số 2509/BYT-TCDS gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố về việc ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị, trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác dân số ở địa phương đến khi có quy định mới để không ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, công chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tiếp đó, ngày 5/12/2018, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5954/BNV-TCBC gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thực hiện việc sáp nhập cơ cấu tổ chức tuyến huyện, thậm chí cả tuyến tỉnh như việc chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành một Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế. Điều này chưa đúng với tinh thần của các văn bản trên.
Chẳng hạn trường hợp của tỉnh Tây Ninh. Theo ông Đặng Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tây Ninh, hiện nay, đơn vị này có tổng biên chế 9 người, trong đó 1 Chi cục trưởng; 2 Phó Chi cục trưởng; 2 Phó Trưởng phòng; 1 kế toán; 2 chuyên viên và 1 lái xe.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Tây Ninh đã chủ động tham mưu triển khai các hoạt động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Song, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 2414 về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó có việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp. Sau đó, ngày 23/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Tây Ninh. Theo đó, trong số các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh này có Phòng DS-KHHGĐ. Hay nói cách khác, Chi cục DS-KHHGĐ chuyển thành một Phòng thuộc Sở Y tế.
Theo các chuyên gia, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.Tại tuyến huyện, thời gian qua, việc sáp nhập đã gây xáo trộn trong bộ máy làm công tác dân số. Chia sẻ tại Hội thảo, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, 6 lãnh đạo Trung tâm Dân số của tỉnh này đã chủ động xin nghỉ việc để chuyển sang công tác khác.
Không những thế, qua quá trình thực địa giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác dân số, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kiên Giang vô cùng trăn trở khi có những địa phương đã thể hiện sự xao nhãng, lơ là đối với công tác dân số. Đơn cử, có những xã vài tháng liền không nhập dữ liệu dân số vào kho dữ liệu cơ sở. Đây là rào cản rất lớn trong việc thống kê, đánh giá các chỉ tiêu, kế hoạch trong công tác dân số của tỉnh này.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Dân số cho biết, việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế là tất yếu, nằm trong tiến trình cải cách hành chính công của cả nước. Tuy nhiên, cách thức, lộ trình ra sao, phải đảm bảo tinh thần bảo toàn được tài sản, nhân lực, cơ sở dữ liệu của công tác dân số.
Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, trước mắt, các địa phương cần chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nội tại của cơ sở mình trước. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số giao cho Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục làm đầu mối tiếp nhận ý kiến, phản ánh về những khó khăn của các địa phương để trình lãnh đạo Tổng cục nắm tình hình và tìm các giải pháp một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cũng đề nghị các tỉnh ổn định tâm lý cán bộ, tập trung triển khai, đẩy mạnh thực hiện các mô hình, dự án, đề án về công tác DS-KHHGĐ trong thời gian từ nay đến hết năm 2019 để đạt được các chỉ tiêu được giao./.
M. Thùy