Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Hai, 24/2/2020 16:25'(GMT+7)

Công tác DS-KHHGĐ của Yên Bái những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Một buổi tuyên truyền về CSSKSS vị thành niên cho học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Một buổi tuyên truyền về CSSKSS vị thành niên cho học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Đặc thù của một tỉnh miền núi đặt ra cho công tác dân số của tỉnh Yên Bái những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu công tác dân số trong tình hình mới. Tuy nhiên, Yên Bái đã và đang có nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển, triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Kết quả thể hiện ở nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt gần 70%; hoàn thành mục tiêu giảm sinh hàng năm từ 0,1%o - 0,2%o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2019 dự ước là 10,5 %o.

Ông Lê Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Tỉnh Yên Bái đạt mức sinh thay thế năm 2012 với tổng tỷ suất sinh là 2,08 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế cho đến nay. Đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2 điểm phần trăm hàng năm, dự ước năm 2019 là 112,4 bé trai/100 bé gái.

Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Theo đó, chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số về thể chất, tinh thần từng bước được nâng lên, tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh còn gặp những khó khăn và thách thức, đó là phân bố dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Mức sống của người dân còn thấp so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện thông tin, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu còn thấp, phong tục tập quán đa dạng, còn tồn tại nhiều thói quen không tốt cho sức khỏe. Mức sinh còn chênh lệnh khá lớn giữa các vùng; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn còn khá phổ biến. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại và diễn ra tại vùng cao, vùng đồng bào thiểu số.

Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao. Chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các xã vùng cao, vùng sâu, nhất là nguồn lực đầu tư huy động từ ngân sách địa phương và xã hội hóa công tác dân số còn hạn chế...

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được Nghị quyết đưa ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện 6 vấn đề dân số.

Tỉnh Yên Bái giai đoạn trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung chủ yếu vào nội dung KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay chuyển hướng theo Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới với nhiệm vụ duy trì vững chắc mức sinh thay thế tại vùng thấp, tiếp tục giảm sinh tại vùng cao, vùng khó khăn; khống chế và kiểm soát tốc độ tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số.

Ông Lê Quang Lộc khẳng định: Đối với công tác dân số hiện nay là chuyển trọng tâm chứ không phải là "từ bỏ KHHGĐ", nghĩa là vẫn phải tiếp tục thực hiện KHHGĐ để duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ) nhưng theo phương thức mới đó là việc truyền thông, cung cấp phương tiện, dịch vụ phải khác nhau giữa các vùng. Đồng thời, Yên Bái thực hiện các nội dung mà chính sách dân số mới đưa ra là kiểm soát được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển để nâng cao chất lượng dân số.

Để thực hiện mục tiêu là chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế tại vùng thấp, tiếp tục giảm sinh tại vùng cao, vùng khó khăn; kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; từng bước nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Lê Quang Lộc cũng cho hay, Yên Bái đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp.

Theo đó, các giải pháp cụ thể là: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các văn bản đã ban hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; nâng cao nhận thức của những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở về nhiệm vụ công tác dân số trong giai đoạn hiện nay; củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số tuyến xã, thôn bản đảm bảo triển khai hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách dân số nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong nhân dân; triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh miền núi, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Huy động bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương, địa phương, đảm bảo việc chi trả đúng chế độ cho đối tượng được hưởng chính sách dân số theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP.

Để nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ Yên Bái đã tham mưu cho Sở Y tế trình HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và triển khai thực hiện các hoạt động bước đầu đạt hiệu quả như: Đề án "Một số chính sách hỗ trợ DS-KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch 08/KH-UBND ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh thực hiện Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; các kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

 M.Thúy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất