"Không có một bộ máy tổ chức tốt, chúng ta không thể quản lý, điều hành được công việc, công việc không thể thông suốt từ Trung ương cho tới địa phương. Một loạt các Đề án, các sự kiện lớn chúng ta phải hoàn thành trong năm 2020", ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
ĐỔI MỚI TƯ DUY VỀ DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, hiện tại công tác dân số có những cơ hội, vận mệnh mới. Đó là Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Đây là những văn bản rất quan trọng, định hướng cho công tác dân số trong thời gian tới.
Theo báo cáo, hiện nay quy mô dân số nước ta là 96,2 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,56%. Mức sinh thay thế vẫn được duy trì trên toàn quốc. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%. Tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống còn 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Cả nước có 723.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên… Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, công tác dân số cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Theo người đứng đầu ngành Dân số, thách thức lớn nhất là việc đổi mới tư duy, nhận thức về trọng tâm chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay. Đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển và "đặt dân số trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh", tức là nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa Dân số và Phát triển.
"Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy dân số chỉ là giảm sinh, là kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, gần 60 năm qua đã "ăn sâu" trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý. Khi chưa thông suốt được về tư duy, nhận thức sẽ khó có sự thay đổi về hành động, về lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý cũng như sự quan tâm và đầu tư thích đáng", Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết.
Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề mới nảy sinh như: Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng; già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới; bài toán tận dụng cơ cấu dân số vàng…
ỔN ĐỊNH BỘ MÁY TỔ CHỨC LÀM DÂN SỐ
Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên, theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, thách thức hiện hữu nhất đang tác động trực tiếp tới công tác dân số là hệ thống tổ chức bị xáo trộn khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế đa chức năng. Việc thay đổi tổ chức bộ máy không chỉ tại tuyến huyện, cá biệt một số tỉnh, thành phố còn xây dựng đề án giải thể Chi cục Dân số để chuyển thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế, có tỉnh thì không còn nhân sự, không tài khoản, không tiền và chuyển hết về Sở Y tế. Những điều này đã tạo ra những xung động rất lớn về tâm tư tình cảm, ý thức, thái độ và trách nhiệm trong công việc của đội ngũ những người làm công tác dân số cả nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số cơ sở.
Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: "Không có một bộ máy tổ chức tốt, chúng ta không thể quản lý, điều hành được công việc, công việc không thể thông suốt từ Trung ương cho tới địa phương. Một loạt các Đề án, các sự kiện lớn chúng ta phải hoàn thành trong năm 2020".
Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy làm công tác dân số, tại Hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Chính phủ hoàn thiện, kiện toàn về tổ chức, bộ máy làm công tác dân số; quy định chức năng, nhiệm vụ về dân số đối với Trung tâm Y tế đa chức năng tuyến huyện. Đồng thời, tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối về Dân số và Phát triển để điều phối liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dân số cần phối hợp chặt chẽ và tích cực hỗ trợ địa phương hơn nữa trong việc ổn định tổ chức bộ máy để bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn khác của Tổng cục, của ngành Dân số. Ngoài ra, trong năm 2020, Tổng cục Dân số cần chú trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật về dân số, đặc biệt là Luật Dân số. Hoàn thiện và trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 17/2013/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số. Đồng thời, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án như Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp đến năm 2030; Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030; xây dựng Thông tư của Bộ Y tế về chính sách đãi ngộ đối với cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố…
NỖ LỰC HOÀN THÀNH CÁC NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN
Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, năm 2020, công tác dân số cần nỗ lực tập trung vào mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Về công tác truyền thông, cần tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số ở các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội; sản xuất, nhân bản và cung cấp sản phẩm truyền thông đến với người dân.
Đối với công tác chuyên môn, Tổng cục Dân số cần hướng dẫn, đôn đốc theo dõi các địa phương, đơn vị thực hiện mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số. Trong đó, tập trung hướng dẫn các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ chuyên môn nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên phạm vi toàn quốc theo hướng giảm sinh ở nơi có mức sinh cao; sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì mức sinh ở nơi đã đạt mức sinh thay thế.
Ở các tỉnh/thành phố có mức sinh cao, cần tập trung đầu tư hoàn thành chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai, ưu tiên đảm bảo thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và các chi phí dịch vụ kèm theo; tận dụng lợi thế của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng kế hoạch, đầu tư có trọng điểm tổ chức Chiến dịch tại những nơi khó tiếp cận dịch vụ, khó hoàn thành chỉ tiêu.
Ở các tỉnh/thành phố có mức sinh thấp và có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế cần đáp ứng dịch vụ tránh thai miễn phí cho đối tượng chính sách của chương trình. Mở rộng triển khai tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai/dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng có khả năng chi trả; đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và mở rộng nội dung các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…
Về việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch triển khai giai đoạn I (2016-2020) thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái.
Duy trì Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa bàn đã triển khai năm 2019; xây dựng và thí điểm các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tiếp tục thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên toàn quốc…
Một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong năm 2020 là tăng cường việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện việc vi phạm về tuyên truyền phổ biến các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi và siêu âm chọn giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố. Kiểm tra chuyên đề đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại các tỉnh, thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ là việc của ngành Y tế, Dân số mà của toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là các Đề án cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW. Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống./.
Theo giadinh.net