Thứ Sáu, 6/12/2024
Dân số và phát triển
Thứ Hai, 9/3/2020 10:10'(GMT+7)

Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển đến năm 2030

Trong những năm qua, công tác dân số đã đạt được những thành tựu to lớn. Tính đến năm 2019, dân số trung bình của cả nước là hơn 96 triệu người. Tổng tỷ suất sinh đạt 2.09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%.

Cả nước có 723.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên… góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo các chuyên gia, để đạt được những thành tựu quan trọng kể trên, ngoài nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trong ngành Dân số phải kể đến một phần đóng góp to lớn của các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong việc cung cấp bằng chứng khoa học, đề xuất giải pháp cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành chương trình dân số của Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân số hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức như: Mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền, nơi có mức sinh cao có xu hướng tăng lên, ngược lại, nơi có mức sinh thấp lại có chiều hướng tiếp tục giảm sinh; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao tại nhiều địa phương và có xu hướng lan rộng.

Cùng với đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới khiến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ứng phó với già hóa dân số gặp nhiều khó khăn…

Tất cả những vấn đề trên đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà khoa học phải tiếp tục tìm ra những giải pháp, bằng chứng để có thể đưa ra các chủ trương, biện pháp để quản lý và thực hiện tốt công tác dân số nhất là trong bối cảnh chuyển trọng tâm dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển.

Các chuyên gia nhận định, việc nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong tình hình mới. Do đó, cần tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dân số, đảm bảo công tác dân số được quan tâm một cách toàn diện nhất.

Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch "Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển đến năm 2030". Đây được coi là nền móng quan trọng để thực hiện các công trình nghiên cứu chuyên sâu toàn diện các vấn đề về công tác dân số, từ đó góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW cũng như trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Để làm được điều này, Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về Dân số và Phát triển thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về Dân số và Phát triển cho cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh Y tế - Dân số. Bên cạnh đó, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu về Dân số và Phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu về Dân số và Phát triển…

Ngoài ra, tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Dân số và Phát triển. Tiến hành nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số và quan hệ, tác động của dân số với phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng về các mặt: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hài hoà, hợp lý; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao chất lượng dân số…

Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước về Dân số và Phát triển. Tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa Dân số và Phát triển phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quản lý điều hành công tác dân số. Phát triển công nghệ y - sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực và thế giới; dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Từng đề cập đến vấn đề này trong một hội thảo khoa học nghiên cứu về Dân số và Phát triển được tổ chức cách đây không lâu, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc chuyển trọng tâm dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển thực chất là giải quyết mối quan hệ nhân quả, tương hỗ hai chiều giữa một bên là dân số và bên kia là sự phát phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay là cần nghiên cứu những vấn đề gì để làm sáng tỏ Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Công tác dân số trong tình hình mới và góp phần đưa Nghị quyết này vào cuộc sống. Từ đó, khuyến nghị các địa phương cần nghiên cứu sâu hơn đặc điểm dân số vùng miền để có thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đặt ra.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, do trình độ phát triển và thực trạng dân số ở các vùng, khác địa phương rất khác nhau nên các địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW (6 tiêu chí: Mức sinh; tỷ số giới tính khi sinh; cơ cấu dân số vàng; già hóa dân số; phân bổ và nâng cao chất lượng dân số) sao cho hợp lý và hiệu quả.

Các đề tài nghiên cứu cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể về công tác dân số tại từng địa phương, tránh làm ồ ạt, đại trà hoặc giống nhau giữa các tỉnh, sẽ khó thu được kết quả tốt nhất cho các địa phương. Chẳng hạn, ở những địa phương có mức sinh cao, xu hướng tiếp tục tăng sinh, các đề tài nghiên cứu phải "đánh trúng" vào khía cạnh này, đề xuất giải pháp đưa mức sinh về mức sinh thay thế, từ đó mới đem lại hiệu quả thực tiễn cao.

Cùng với đó, ngoài việc tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cụ thể của từng địa phương, chúng ta cũng không thể bỏ qua những công trình nghiên cứu cơ bản về các vấn đề liên quan đến dân số để đảm bảo công tác dân số được quan tâm một cách toàn diện nhất./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất