Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 23/3/2011 14:57'(GMT+7)

Nhiều mô hình kinh tế mới của thanh niên Khmer đạt hiệu quả cao

 Đến với xã Long Phú, thuộc huyện Long Phú, nơi có gần 70% dân số là đồng bào Khmer, đồng chí Kim Thanh Trúc, Phó Bí Thư xã Đoàn phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, trong xã xuất hiện rất nhiều mô hình kinh tế mới, trong đó nổi bật lên là những mô hình đạt hiệu quả cao của đoàn viên Khmer, những mô hình này đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền bởi tính thực tế, dễ làm và dễ nhân rộng, một cuộc sống mới đầy hứa hẹn mở ra cho nhiều đoàn viên thanh niên địa phương khi những mô hình được nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã.
Tham quan mô hình đan giỏ bẹ của đoàn viên Khmer Kim Thị Ngọc Mai tại ấp Nước Mặn 2 đang thu hút và tạo việc làm cho hàng chục lao động, chúng ta mới thấy được sự nhanh nhạy và tinh thần không ngừng học hỏi của người đoàn viên Khmer sinh năm 1982 này. Chị cho biết: Học nghề đan giỏ bẹ khi còn đi làm ở Tp. Hồ Chí Minh, nhận thấy nghề đan giỏ bẹ cũng dễ học, dễ làm lại có thu nhập ổn định nên chị quyết định về quê mở cơ sở làm nghề. Ban đầu chỉ về đan bỏ mối cho những cửa hàng tạp hóa trong vùng, khi nhu cầu tiêu thụ tăng dần chị bắt đầu chú ý đến việc truyền lại kỹ năng cho những người xung quanh, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trong xã. Theo chị, cơ hội phát triển nghề đan giỏ bằng dây mủ (nhựa) ở địa bàn xã là rất lớn. Dần dần nghề đan giỏ bẹ đã tạo thêm việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ gia đình trong xã, nhất là hộ đoàn viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sắp tới, mô hình đan giỏ bẹ của chị sẽ được xã Đoàn Long Phú nhân rộng ra thêm ở 3 ấp là Kinh Ngay, Tân Lập, Sóc Mới, tiến đến thành lập Tổ hợp tác đan giỏ bẹ Long Phú. Đến nay, cơ sở của chị có gần 40 thành viên của hơn 20 hộ tham gia sản xuất thường xuyên; trong đó, có hơn 10 lao động lành nghề. Hiện thu nhập trung bình một lao động mới tham gia vào nghề đan giỏ cũng có hơn 500.000 đồng/tháng, còn với những lao động lành nghề thì thu nhập cao hơn, nhiều người thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng. Chị Lê Thị Hà, một lao động lành nghề cho biết: Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chị nhận hàng về nhà đan, ngoài công việc chính là bán cá giống, mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được gần 800.000 đồng.
Không giống như chị Mai, 2 vợ chồng đoàn viên Nguyễn Thị Xương ở ấp Bưng Thum lại vươn lên làm giàu nhờ mô hình VAC gần như khép kín. Sau 5 năm lập gia đình, đến nay vợ chồng chị đã phát triển gia sản của mình với: 200 con gà đang đạt trọng lượng 0,5 kg, 2 con heo nái, 6 con heo lứa, 4 con bò, 1 ao cá chưa thu hoạch chừng vài tấn, 7 công ruộng ( mỗi công 1.000m2). Riêng diện tích bờ bao xung quanh ruộng, chồng chị Xương đã trồng được 4 công mía đường, mỗi ngày đảm bảo thu nhập trên trăm ngàn đồng từ bán mía. Hiện anh chị đã trồng mở rộng thêm 4 công nữa trên đất ruộng. Theo chị Xương: Trung bình, mỗi năm từ mô hình VAC này, 2 vợ chồng đảm bảo được thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Có được sự thành công như thế này, ngoài sự giúp dỡ của cha mẹ thì 2 vợ chồng chị luôn nỗ lực không ngừng để đảm bảo thu nhập.
Ngoài 2 gương mặt điển hình cho phong trào đoàn viên thanh niên Khmer sản xuất giỏi như chị Mai, vợ chồng chị Xương, thì trên địa bàn xã Long Phú còn rất nhiều mô hình sản xuất hay cần nhân rộng trong thời gian tới. Theo anh, trong thời gian tới, xã Đoàn sẽ tiếp tục tập huấn và đưa các đoàn viên trong xã tham quan học hỏi những mô hình sản xuất có hiệu quả, dồng thời, phối hợp với Trung tâm dạy nghề để mở các lớp dạy nghề cho các đoàn viên trong xã, đặc biệt là đoàn viên Khmer có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển.
Không chỉ ở Long Phú, tại Sóc Trăng cũng còn nhiều mô hình của các đoàn viên thanh niên Khmer sản xuất có hiệu quả như mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới của nhiều hộ thanh niên ở Mỹ Tú, Châu Thành, mô hình chăn nuôi trang trại gia súc, gia cầm, nuôi tôm, cá ở Trần Đề, Long Phú, Châu Thành... có hiệu quả cao, có mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm... điều đó chứng tỏ sự nhạy bén của những đoàn viên, thanh niên Sóc Trăng trong thời hội nhập mà trong số đó không ít là những thanh niên Khmer đang không ngừng phấn đấu vươn lên, làm giàu cho bản thân, giúp ích cho cộng đồng.../.
Chanh Đa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất