Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 3/9/2011 15:45'(GMT+7)

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Trồng hoa quanh ruộng lúa để phòng sâu bệnh

Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm đầu tiên vào vụ Đông xuân 2009 – 2010 tại huyện vùng ngập lũ Cai Lậy (Tiền Giang), đến nay mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” do IRRI tài trợ đã được tỉnh Tiền Giang triển khai trên diện rộng ở các vùng: ngập lũ, vùng nhiễm mặn, nội đồng Dự án Ngọt hóa Gò Công... mang lại hiệu quả canh tác bền vững không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn trở thành công cụ hiệu quả phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa.

Nông dân hưởng lợi gọi tắt mô hình là trồng hoa quanh ruộng lúa dẫn dụ thiên địch có lợi để đối phó rầy nâu. Các loài hoa hoa hoang dại có màu sắc sặc sỡ mọc trong tự nhiên tại địa phương được chọn, chủ yếu thuộc họ cúc như cúc mặt trời....thường trồng trước khi xuống giống khoảng 1 tuần. Tham gia mô hình, nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật, lồng ghép với các giải pháp khoa học khác như: dùng giống lúa xác nhận chất lượng cao phù hợp với đặc thù từng vùng hoặc tiểu vùng sinh thái, sử dụng công cụ sạ hàng, IPM, ba giảm ba tăng, một phải năm giảm; chú ý cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch để nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa...

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Hè thu 2011, toàn tỉnh triển khai 7 mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi rus trên lúa” tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông. Mỗi mô hình có diện tích khoảng 20 ha, tổng cộng 140 ha. Qua khảo sát trong các vụ sản xuất liên tiếp từ Đông xuân 2009 – 2010 đến nay, bình quân mỗi ha trong mô hình cho nông dân nguồn lợi nhuận cao hơn cộng đồng không áp dụng mô hình trên từ 1,6 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất lại an toàn cho người và môi trường. Từ thắng lợi trên, địa phương có kế hoạch nhân rộng lên 10 mô hình vào năm 2012 và 40 – 50 mô hình vào năm 2015 trong nỗ lực mở rộng diện sản xuất lúa chất lượng cao gắn với sử dụng công nghệ sinh thái hiệu quả làm vũ khí đối phó với rầy nâu và bệnh virus trên lúa do rầy nâu lan truyền.

* Trồng ớt xuất khẩu cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha

Tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu tập trung trong vùng nội đồng ngọt hóa Gò Công, chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Gạo, với diện tích xuống giống trên 2.000 ha/năm.

Nhờ đầu ra ổn định, được thị trường các nước Hàn Quốc, Malaixia, Trung Quốc tiêu thụ mạnh, nên lợi nhuận của nông dân đạt khá cao. Hiện nông dân trồng ớt ở các huyện phía đông tỉnh như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công rất phấn khởi vì ớt trúng mùa, trúng giá. Hiện thương lái thu mua ớt tại ruộng giá 25.000- 30.000 đồng/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay. Với mức giá trên, sau khi trừ đi chi phí, nông dân trồng ớt thu lãi trên 100 triệu đồng/ha. Vụ ớt chính vụ năm nay, nhờ chọn giống ớt chất lượng cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác, nên nông dân trồng ớt trúng mùa, năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha, tăng 500 kg/ha so với vụ mùa trước.

Ớt đang trở thành cây rau màu chủ lực, giúp cho nhiều nông dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công vươn lên khá giàu. Ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích bà con chọn giống tốt, chất lượng và năng suất cao, tiến tới hình thành những vùng chuyên canh trồng ớt hàng hóa xuất khẩu../.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất