Thứ Tư, 27/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 30/12/2010 10:54'(GMT+7)

Nhiều quyết sách vĩ mô áp dụng từ 1/1/2011

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

1. Doanh nghiệp được tự in hóa đơn đỏ

Nghị định 51 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế cho Nghị định 89 (ban hành năm 2002) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2011. Nghị định này được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc.

Để đảm bảo tiết kiệm, doanh nghiệp có thể sử dụng lại số hóa đơn cũ đã in trong vòng 4 - 6 tháng đầu năm 2011 nhưng phải đăng ký với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp không muốn sử dụng hóa đơn cũ thì làm thủ tục xin hủy hóa đơn.
 
Điểm quan trọng nhất của nghị định này là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn khi cơ quan thuế không còn bán hóa đơn và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành. Theo đó, những thắc mắc của doanh nghiệp về thủ tục mua hóa đơn, tình trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế cũng sẽ được xóa bỏ.
 
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau; trong đó, nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử, tự in hóa đơn nếu đủ điều kiện... Còn trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.
 
2. Lương tối thiểu tăng cao nhất thêm 370.000 đồng/tháng
 
Mức lương tối thiểu vùng trong năm 2011 đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn mức lương năm 2010 từ 100.000 - 370.000 đồng/tháng.
 
Theo Nghị định 108/2010/NĐ - CP, mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp trong nước hoạt động tại những vùng khác nhau được quy định cụ thể như sau: Vùng 1 (gồm các quận của Hà Nội, TPHCM): 1.350.000 đồng/tháng (hiện tại là 980.000 đồng/tháng); Vùng 2: 1.200.000 đồng/tháng (hiện tại 880.000 đồng/tháng); vùng 3: 1.050.000 đồng/tháng (hiện tại 810.000 đồng/tháng); vùng 4: 830.000 đồng/tháng (hiện tại 730.000 đồng/tháng).
 
Tại Nghị định 107/2010/ND - CP, Chính phủ cũng đã quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp FDI. Theo đó, lương tối thiểu tại các doanh nghiệp cũng được tính theo vùng: Vùng 1: 1.550.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.340.000 đồng/tháng); vùng 2: 1.350.000 đồng/tháng (hiện tại 1.190.000 đồng/tháng); vùng 3: 1.170.000 đồng/tháng (hiện tại 1.040.000 đồng/tháng); vùng 4: 1.100.000 đồng/tháng (hiện tại 1.000.000 đồng/tháng).
 
Hiện cả nước có khoảng 10 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó khoảng 1,5 triệu người làm việc tại doanh nghiệp FDI.
 
3. Giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 1 - 3%
 
Từ 1/1/2011, theo biểu thuế nhập khẩu mới do Bộ Tài chính ban hành cùng Thông tư số 184/2010/TT-BTC, ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống có mức thuế suất nhập khẩu giảm từ 1 - 3% so với hiện nay.
 
Theo đó, xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (thuộc nhóm 8703) có dung tích xi lanh dưới 1.8L và từ 1.8 đến 2.5L sẽ có mức thuế 82%, thay cho mức 83% hiện nay.
 
Các loại xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên áp dụng mức thuế suất 77%, thay cho mức 80% hiện hành. Đối với dòng xe 4 bánh chủ động (2 cầu), thuế suất áp dụng từ ngày 1/1/2011 là 72%, thay cho mức 77% hiện hành.
 
Tất cả các loại xe ô tô chuyên dụng, như xe cứu thương, xe tang lễ, xe chở phạm nhân, bất kể dùng động cơ xăng, diezel và bất kể dung tích xi-lanh, đều áp mức thuế suất nhập khẩu là 15%, thay cho mức 10% hiện tại.
 
Đối với xe đã qua sử dụng, ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) thuộc nhóm 8702 và 8703 áp dụng mức thuế nhập khẩu tuyệt đối quy định tại Quyết định số 69/2006/QĐ-TTg ngày 28/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành mức thuế tuyệt đối thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
 
4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động VND
 
Từ ngày 1/1/2011, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng, không còn bị hạn chế theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh.
 
Quy định mở này là một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải được bình đẳng như các ngân hàng thương mại nội địa trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng và bảo lãnh.
 
Cũng từ 1/1/2011, Luật Ngân hàng sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực.
 
Tính đến 31/10/2010, Việt Nam có 71 tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài và 48 văn phòng đại diện của các TCTD nước ngoài đang hoạt động. Tổng tài sản của khối này đạt trên 420 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8% so với thời điểm 31/12/2009, chiếm 11,25% tổng tài sản của toàn hệ thống.
 
Nguồn vốn huy động đạt gần 364 nghìn tỷ đồng (tăng 33,8%); dư nợ cho vay khách hàng 10 tháng đầu năm đạt trên 230 nghìn tỷ (tăng 26%), chiếm 10,77% so với toàn hệ thống. Nhìn chung, các TCTD nước ngoài, đặc biệt là khối ngân hàng 100% vốn và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có chính sách tín dụng thận trọng. Cơ cấu tín dụng tập trung đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, trong khi cho vay kinh doanh bất động sản và kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng thấp.
 
5. Doanh nghiệp viễn thông tự chủ ban hành giá cước cố định nội hạt
 
Từ 1/1/2011, giá cước điện thoại cố định nội hạt sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự căn cứ vào hoạt động kinh doanh của mình để ban hành bảng cước. Mức cước dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại các điểm giao dịch công cộng, dịch vụ dành cho các khách hàng lớn, đại lý... sẽ do các doanh nghiệp tự quy định mức cước nội hạt nhưng không vượt quá 50% so với gói cước cơ bản.
 
Quy định này, áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ điện thoại cố định. Đối với VNPT, đơn vị đang chiếm thị phần khống chế với khoảng 70% thị phần điện thoại cố định sẽ phải báo cáo phương án giá trước mỗi lần điều chỉnh giá bán.
 
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2009, cả nước đã có trên 20 triệu thuê bao cố định. Trong đó có khoảng 6 triệu thuê bao là điện thoại cố định không dây. Hiện nay, Việt Nam có 7 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định gồm VNPT, Viettel, EVN Telecom, Saigon Postel, FPT Telecom, VTC và CMC Telecom vừa được cấp giấy phép.
 
6. Tăng thuế xuất khẩu vàng lên 10%
 
Theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, Bộ Tài chính quy định: Các loại vàng nguyên liệu thuộc nhóm 8718; các loại vàng trang sức khác có hàm lượng cao; vàng miếng vàng thỏi, vàng bột có hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất 10% so với mức 0% hiện hành. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011.
 
Việc đánh thuế đối với vàng trang sức, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ hạn chế được hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để lách quy định xin giấy phép xuất khẩu vàng trang sức. Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vàng có hàm lượng từ 99,99% khi xuất khẩu phải xin giấy phép; ngược lại, vàng trang sức có hàm lượng dưới mức này thì không phải xin phép.
 
7. Xăng, túi nilon… phải chịu thuế môi trường
 
Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 8 nhóm các mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng dầu, than đá, túi nilon, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản… Đây là những mặt hàng khi sử dụng sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái.
 
Cụ thể, tại biểu khung thuế, mức thuế của túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 30.000 - 50.000 đồng/kg. Mức thuế của xăng là từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Riêng xăng Ethanol không phải chịu thuế và xăng dầu bán cho phương tiện vận tải trên các tuyến đường quốc tế sẽ được hoàn thuế.
 
Với mặt hàng xăng dầu, việc thu phí như hiện nay sẽ không còn, thay vào đó là đánh thuế môi trường. Tuy nhiên, việc đánh thuế môi trường sẽ được tính ngang bằng mức thuế hiện hành, do đó không có tác động đến giá xăng dầu. Các sản phẩm khác phải chịu thêm thuế môi trường nên nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng hoá.
 
8. Khung giá đất của Hà Nội và TPHCM cao nhất 81 triệu đồng/m2
 
Khung giá đất trên địa bàn Hà Nội năm 2011 được điều chỉnh tại các trục đường chính hướng tâm theo phương án giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra. Chỉ một số tuyến đường phố sẽ cao hơn năm 2010, một số tuyến đường khác sẽ giữ nguyên, không điều chỉnh.
 
Khung giá tối thiểu là hơn 2,3 triệu đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông); tối đa vẫn là 81 triệu đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm). Như vậy, khung giá đất tối đa và tối thiểu trong các quận nội thành Hà nội năm 2011 vẫn như năm 2010.
 
Điều này cũng xảy ra tương tư tại TP HCM. Khung giá tối thiểu được áp dụng đối với đất đô thị là 1,2 triệu đồng/m2 và mức trần không vượt quá 81 triệu đồng mỗi m2, nghĩa là bằng với khung giá đất năm 2010…/.

(Theo: Dân Trí)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất