Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 22/2/2012 21:39'(GMT+7)

Nhiều thành tựu y học nổi bật của Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế

Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới nhưng với chi phí rẻ hơn 1/10. Một ca ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức đầu năm 2012. Ảnh: Chinhphu.vn

Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới nhưng với chi phí rẻ hơn 1/10. Một ca ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức đầu năm 2012. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ngang tầm với y học của khu vực và thế giới. Ngành y tế Việt Nam ngày càng được quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các chính sách y tế dành cho người nghèo và cận nghèo được triển khai hiệu quả. Mạng lưới y tế xã, thôn bản là mô hình được nhiều nước học tập.

Việt Nam cũng là một trong bốn nước có nền y học cổ truyền lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản.

Hai mươi sáu công trình vừa được công nhận là thành tựu y, dược nổi bật thuộc 11 lĩnh vực: ghép tạng, can thiệp tim mạch/ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương/chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vaccine/sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ.

Trong lĩnh vực ghép tạng, từ ca ghép thận đầu tiên được Học viện Quân y (Bệnh viện 103) thực hiện cách đây 20 năm (năm 1992) đến nay đã thực hiện thành công 94 ca ghép thận, 1 ca ghép gan và 1 ca ghép tim từ người cho chết não. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thực hiện thành công lấy tạng từ người chết não ghép cho gần 10 bệnh nhân (ghép thận, ghép gan, ghép tim thành công). Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên do đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam thực hiện với chi phí chỉ bằng 1/10 chi phí so với giá thu phí ở nước ngoài.

Ở lĩnh vực can thiệp tim mạch, ung bướu, Viện Tim mạch Quốc gia đã thực hiện gần 44.000 lượt thủ thuật thông tim thăm dò huyết động và can thiệp tim mạch; đào tạo cho 30 lượt học viên quốc tế. Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công trên 14.000 ca thông tim can thiệp. Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp lòng mạch điều trị bệnh lý mạch máu não và tủy, đặc biệt là những kỹ thuật điều trị cấp cứu trong đột quỵ, tắc nghẽn mạch não cấp, tiến hành đào tạo cho gần 330 lượt học viên quốc tế. Bệnh viện Nhân dân Gia Định chỉ trong 2 năm đã thực hiện thành công trên 1.500 lượt thủ thuật can thiệp mạch, đặc biệt là can thiệp mạch vành cấp cứu. Bên cạnh đó có ứng dụng kỹ thuật PET/CT mô phỏng xạ trị điều biến liều trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai.

Những năm gần đây phẫu thuật nội soi được các bác sỹ của Việt Nam ứng dụng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh, ở một số lĩnh vực thậm chí đi đầu trong khu vực như nội soi ổ bụng, xương khớp, lồng ngực. Nổi bật có Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã thực hiện được gần 2.200 ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp an toàn không để lại sẹo, Bệnh viện cũng đã tiến hành đào tạo cho hơn 120 phẫu thuật viên quốc tế.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật nội soi trên 40 loại bệnh, mỗi năm tiến hành gần 3.000 trường hợp. Đây cũng là trung tâm hàng đầu trên thế giới về mổ u nang ống mật chủ và thoát vị cơ hoành bẩm sinh; đã đào tạo 28 phẫu thuật viên quốc tế, có 40 công trình được báo cáo tại các Hội nghị quốc tế và 16 công trình được xuất bản trên các tạp chí phẫu thuật nội soi uy tín của châu Âu và Hoa Kỳ.

Đối với lĩnh vực can thiệp chấn thương, chỉnh hình, nổi bật có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu, tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác; ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong khâu nối chi đứt lìa, tổn thương mạch, thần kinh ngoại biên, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, tái tạo các khuyết hổng da, mô mềm, xương; phẫu thuật tạo hình, tái tạo một phần chi thể của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc nổi bật có công trình ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại) điều trị các bệnh máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; Cụm công trình ứng dụng tế bào gốc (tủy xương, máu ngoại vị, máu cuống rốn) tạo máu trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Các công trình thuộc lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cũng được vinh danh. Trong đó có cụm công trình: ứng dụng kỹ thuật giảm thiểu phôi, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chuyển phôi giai đoạn muộn, đông phôi và trữ phôi, chọc hút tinh trùng từ mào tinh, hỗ trợ phôi thoát mào, chẩn đoán di truyền phôi tiền làm tổ… tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương; cụm công trình: ứng dụng hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser, chuyển phôi dưới siêu âm, nuôi cấy phôi 5 ngày, chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ, ứng dụng nuôi cấy trứng non trong môi trường chuyên biệt để thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

Đối với lĩnh vực nhãn khoa, ứng dụng kỹ thuật ghép giác mạc lớp trong điều trị bệnh lý giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương, ứng dụng Femtosecond Laser trong phẫu thuật nhãn khoa (phẫu thuật ghép giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính võng mạc…) của Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, việc thành lập Ngân hàng giác mạc hiện đại, thực hiện “quyền được nhìn thấy”, đẩy mạnh công tác phòng chống mù lòa cho cộng đồng là những thành tựu nổi bật.

Y học cổ truyền là một trong những niềm tự hào của nền y học Việt Nam. Nổi bật có công trình kết hợp thuốc y học cổ truyền với khâu triệt mạch trĩ dưới hưỡng dẫn của siêu âm Doppler của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; Công trình ứng dụng kỹ thuật điện châm, thủy châm trong điều trị giảm đau sau phẫu thuật, ung thư vòm họng giai đoạn cuối… của Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Trong lĩnh vực sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế, ngành y tế cũng đạt được một số thành tựu lớn. Đó là công trình nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 của Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1: tạo ra chủng virus sản xuất vaccine rg-H5N1 bằng kỹ thuật di truyền ngược; xây dựng được quy trình sản xuất vaccine A/H5N1 và cúm A/H1N1 đại dịch và cúm mùa trên tế bào thận khi tiên phát; công trình thiết lập công nghệ sản xuất vaccine cúm A/H1N1/09 theo tiêu chuẩn WHO-GMP ở Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC); công trình công nghệ sản xuất vaccine sởi theo tiêu chuẩn WHO-GMP ở Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC).

Lĩnh vực dược cũng tập trung nhiều công trình nổi bật, trong đó có công nghệ chế bào mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất như công nghệ đông khô, công nghệ sinh khối tế bào, công nghệ chiết xuất siêu tới hạn.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thiên Dước với công trình cây thuốc Trinh nữ hoàng cung được nghiên cứu chứng minh tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư và hiện đại hóa dạng thuốc viên Crila để lưu hành đạt doanh thu 12 tỷ đồng/năm.

Công ty Dược liệu Trung ương I với cụm công trình: Sản phẩm Fluoraphin (5FU) điều trị ung thư, 10-12 triệu viên/năm, đạt doanh thu 10 tỷ đồng/năm, sản phẩm Artemissunat bán tổng hợp từ Artemisinin đã xuất khẩu đạt doanh thu trung bình 1,2 – 1,5 triệu USD, sản phẩm Glucosamin điều trị thoái hóa khớp, loãng xương với số lượng trên 15 triệu viên/năm.

Về chuyển giao công nghệ, đã đưa trình độ khoa học và công nghệ y, dược nước ta gần theo kịp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, trong đó có một số kỹ thuật ngang hàng với các nước tiên tiến. Ngày càng nhiều sản phẩm khoa học được ứng dụng thực tế, giảm giá thành điều trị, thuốc và thiết bị sản xuất trong nước có giá thành thấp hơn so với nước ngoài hoặc giá nhập khẩu; giảm chi phí nhờ sản phẩm sản xuất trong nước

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất