Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 14/4/2010 14:59'(GMT+7)

Nhiều tín hiệu tích cực

Ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD năm 2010

Ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD năm 2010

Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP của toàn thế giới trong năm 2010 sẽ tăng khoảng 2,2%, trong đó Mỹ tăng khoảng 2%. Nhờ vậy, sức mua của các thị trường như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản sẽ được cải thiện góp phần đẩy sức cầu tăng theo. Những tín hiệu lạc quan đó từ các thị trường xuất khẩu chủ lực khiến nhiều người đánh giá năm nay sẽ tiếp tục là một năm thành công của ngành dệt may Việt Nam.

Đơn hàng dồn dập

Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may có đơn hàng dồn dập đổ về. Khảo sát tại một số doanh nghiệp tiêu biểu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp này đều có đơn hàng đến hết quý I và có không ít doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất đến hết quý II năm nay. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp dệt may lớn cho thấy, đơn hàng cho năm 2010 lớn hơn rất nhiều so với năm trước nên nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc khi nhận đơn hàng để đạt hiệu quả cao.

Trước động thái tích cực này, Bộ Công thương đã giao chỉ tiêu cho ngành dệt may tăng khoảng 12% so với năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10-10,5 tỉ USD. Tuy đơn hàng chưa nhiều như thời điểm trước suy giảm kinh tế, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất lạc quan khi không lo thiếu việc cho người lao động.

Có được kết quả này là do các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nước ta đã tích cực tìm các thị trường mới. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, nhiều nhà sản xuất rất năng động, đã vươn ra những thị trường ngách như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Châu Phi, Đông Âu. Đến nay doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã có thể xuất khẩu một số loại nguyên phụ liệu thay vì hoàn toàn nhập khẩu như trước đây. Các dòng sản phẩm mới như vải, xơ polyester, phụ liệu, sợi... được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông.

Bên cạnh việc xuất khẩu những mặt hàng may mặc thông thường, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng xuất khẩu sản phẩm may mới, có tính truyền thống như lụa tơ tằm vào những thị trường khó tính, kể cả Trung Quốc.

Chủ động ứng phó với khó khăn

Mặc dù ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng khả quan, ổn định nhưng thực chất ngành vẫn chưa phát triển một cách bền vững và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là vấn đề nguồn lao động ổn định. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2010, Luật Bảo vệ môi trường người tiêu dùng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, trong đó vấn đề kỹ thuật mới đối với nhập khẩu hàng dệt may là rào cản không nhỏ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Theo đó, những lô hàng nhập khẩu vào Mỹ phải có giấy an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSA) kiểm nghiệm của bên thứ 3 xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả thiệt hại, nếu có, cho người tiêu dùng… Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải mất thêm kinh phí thực hiện xác nhận này. Thêm vào đó là giá nguyên phụ liệu đang bắt đầu tăng, gây áp lực lên giá thành sản phẩm…

Để khắc phục những khó khăn này, Bộ Công thương đang triển khai đề án xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng dệt may đã cũ. Năm 2010, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng nhằm tạo đột phá về năng suất, công nghệ trong sản xuất. Ngành cũng sẽ tập trung liên kết những doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, tổ chức lại việc cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào ngành để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng đến việc xây dựng liên kết với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ. Đồng thời, ngành dệt may sẽ thực hiện tái cấu trúc sản xuất ngành may, di dời các xưởng sản xuất về các thị tứ và vùng nông thôn tiện đường giao thông. Những cơ sở tại thành phố chỉ tập trung sản xuất hàng cao cấp và phát triển kinh doanh nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí tăng nhanh.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu khoảng 10,5 tỷ USD trong năm 2010, ngành dệt may sẽ tập trung vào các giải pháp như tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí đồng thời nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp ngành dệt may đã và đang chuẩn bị tích cực cho thời kỳ đầu tư phát triển hướng về mục tiêu xuất khẩu 16-18 tỷ USD năm 2015 với sản phẩm có hàm lượng giá trị nội địa cao hơn, có tính thời trang hơn và có giá trị gia tăng cao hơn.

Hoàng Hùng - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất