Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 8/4/2010 9:4'(GMT+7)

2010 - năm bản lề thực hiện tự do hóa thương mại ASEAN

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ liên kết, hợp tác phát triển trong cộng đồng ASEAN trên các lĩnh vực về kinh tế và khẳng định năm 2010 được coi là năm bản lề để tiếp tục thực hiện tự do hóa thương mại.

Kể từ khi thông qua Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) vào năm 2007, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thực hiện AEC. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 1 năm 2010, các nước ASEAN-6 đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với 99,65% số dòng thuế; ASEAN 4 (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đã đưa 98,86% số dòng thuế tham gia Chương trình Ưu đãi Thuế quan có Hiệu lực chung để xây dựng Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (CEPT-AFTA) về mức 0-5%. Đây là một kết quả nổi bật, một cột mốc quan trọng của ASEAN.

Ngày 01 tháng 01 năm 2010 đồng thời là thời điểm hoàn thành thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN- Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc và là ngày các Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Úc – Niu Dilân và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 9/10 nước thành viên ASEAN (trừ Philippines) đã hoàn thành gói 7 về cam kết dịch vụ theo Hiệp định khung về Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS), bao trùm hơn 65 phân ngành dịch vụ.
 
Trong quan hệ hợp tác về đầu tư, ASEAN tiếp tục duy trì được mức tăng FDI nội khối ổn định. Năm 2008, FDI nội khối đạt 10,8 tỉ USD, chiếm 18,2% tổng mức FDI (59,7 tỉ USD). Giai đoạn 2006-2008, tổng mức FDI vào ASEAN tăng 8,6% trong đó dòng FDI nội khối tăng 42,6% so với cùng kỳ.
 
Trong lĩnh vực tài chính, việc nới rộng biên độ hoán đổi lên 120 tỉ USD theo Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai đã được thực hiện vào ngày 24 tháng 3 năm 2010. Việc thiết lập Quỹ bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) sẽ sớm được đưa vào thực hiện, giúp tăng cường tính thanh khoản của đồng tiền nội tệ và phát triển thị trường trái phiếu khu vực.

Trong hợp tác về du lịch, ASEAN đã thiết lập Thỏa thuận công nhận lẫn nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của hướng dẫn viên du lịch trong khu vực. Bộ tiêu chuẩn chung về năng lực của nhân viên ngành du lịch đã được thiết lập.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ASEAN đã thiết lập Khung khổ hợp tác thống nhất về an ninh lương thực, và xây dựng Chương trình Hành động Chiến lược trung hạn về An toàn thực phẩm ASEAN.

Trong lĩnh vực năng lượng, Hiệp định An ninh Dầu khí ASEAN đã được thông qua nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả trong những trường hợp khẩn cấp về năng lượng.
 
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Hiệp định Đa phương ASEAN về Dịch vụ Hàng không và Hiệp định Đa phương ASEAN về tự do hóa hoàn toàn Dịch vụ Vận tải Hàng không đã được ký kết, góp phần tạo ra một thị trường hàng không thống nhất trong ASEAN. Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải liên quốc gia sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho môi trường vận tải và logistics.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, song ASEAN vẫn cần phải khắc phục việc một số nước còn chậm phê chuẩn các hiệp định, cam kết đã ký và chuyển các cam kết khu vực thành nội luật để đưa vào thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, Hội đồng AEC đề nghị Lãnh đạo cấp cao ASEAN chỉ đạo và can thiệp giải quyết 2 vấn đề sau: Một là yêu cầu các nước thành viên phê chuẩn, đưa vào thực hiện đúng thời hạn và thực hiện đúng những cam kết đã ký; hai là yêu cầu các nước thành viên tăng cường cơ chế giám sát thực hiện các biện pháp đã được thống nhất và qui định trong AEC Blueprint.

Cũng tại cuộc họp lần này, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng xem xét dự thảo Tuyên bố về Hồi phục và Phát triển bền vững do Việt Nam khởi xướng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16. Bản Tuyên bố tái khẳng định quyết tâm của ASEAN khắc phục tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế của ASEAN.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu cho biết: “Tại cuộc họp hôm nay, chúng tôi đã bàn rất nhiều vấn đề cơ bản. Chúng tôi đã đề cập việc làm thế nào để thực thi có hiệu quả các cam kết như cơ chế hải quan một cửa, số lượng các phương tiện giao thông được phép quá cảnh, tiến trình thông quan hàng hóa…. Ngoài ra các Bộ trưởng cũng đề xuất một số sáng kiến nhằm thực hiện kế hoạch tổng thể tăng cường kết nối ASEAN”.

Sau khi rà soát lại việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các quan chức đã xác định 12 lĩnh vực trọng tâm sẽ được thực hiện từ nay tới cuối năm 2010 của Hội đồng AEC bao gồm:
 
1, Thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) bao gồm lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa ASEAN, tiêu chuẩn chất lượng và thỏa thuận công nhận lẫn nhau;
 
2, Hoàn thành gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định Khung về Thương mại dịch vụ ASEAN; triển khai chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ;
 
3, Thực hiện Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA);
 
4, Thực hiện Sáng kiến Đa phương hóa Chiang mai trong lĩnh vực hợp tác tài chính;
5, Thực hiện cơ chế Bảo lãnh tín dụng và đầu tư theo Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á; 
 
6, Hoàn thành thực hiện hội nhập nhanh những ngành ưu tiên;
 
7, Thúc đẩy thực hiện chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng;
 
8, Thực hiện hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
 
9, Phát triển cơ sở hạ tầng; 
 
10, Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;
 
11, Thu hẹp khoảng cách phát triển;
 
12, Thúc đẩy hợp tác với các đối tác đối thoại.

Hải Yến - VnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất