Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/4/2010 9:37'(GMT+7)

Công bố Báo cáo thường niên kinh tế VN 2010: Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học đến từ các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu, các doanh nghiệp và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 với chủ đề “Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững là một trong những đơn đặt hàng của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 gồm 8 chương và hai phụ lục, được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2009, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết tháng 3- 2010.


TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm VEPR  trình bày Báo cáo tóm tắt.

Trong Chương mở đầu “Kinh tế thế giới năm 2009: Qua đáy và phục hồi”, TS Lê Hồng Giang tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong năm 2009, cung cấp một cái nhìn tổng thể với một hệ thống các số liệu thống kê và nhận định cơ bản về khuynh hướng của nền kinh tế thế giới.

Tiếp theo, trong Chương 2 về “Kinh tế Việt Nam năm 2009”, TS Phạm Văn Hà đưa ra đánh giá toàn cảnh về về kinh tế Việt Nam trong năm qua, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế, ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán…

Chương 3 “Đánh giá chính sách hỗ trợ lãi suất năm 2009”, các tác giả phát triển các mô hình lý thuyết để đánh giá chính sách hỗ trợ lãi suất trong năm 2009, sử dụng các phương pháp định lượng để xác định ảnh hưởng đến nền kinh tế, ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô.

Chương 4, TS Nguyễn Thu Hằng và nhóm tác giả tập trung nghiên cứu diễn biến của tỷ giá đồng Việt Nam trong thời gian qua, xác định vị trí của tỷ giá thực và thảo luận về những diễn biến có thể, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về chính sách tỷ giá trong thời gian tới.

Trong Chương 5, với nhan đề "Vai trò của cấu trúc kinh tế trong tăng trưởng", TS Nguyễn Thị Minh thực hiện các phân tích thống kê, so sánh với thế giới về động trình của cấu trúc kinh tế, sau đó sử dụng các mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của dịch chuyển cơ cấu lên tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn gần đây.

TS Từ Thúy Anh và TS Tô Minh Thu trong Chương 6 "Thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập Đông Á" nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình hội nhập lên phúc lợi kinh tế và vị thế cạnh tranh của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi ý chính sách trong lĩnh vực thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.

Chương 7 "Đánh giá vai trò của Khu công nghiệp trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam", các tác giả Đinh Tuấn Minh và Jago Penrose đánh giá về những đóng góp của các Khu công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khả năng đáp ứng các mục tiêu của chính sách công nghiệp.

Chương 8 "Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2010 và khuyến nghị chính sách", các tác giả đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2009, hiệu quả của các công cụ chính sách kinh tế thực hiện trong năm đồng thời dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2010.

Nhận xét về Báo cáo, TS Lê Đăng Doanh- Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Vũ Viết Ngoạn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đều thống nhất cho rằng, các chuỗi báo cáo trong tám chủ đề lớn được viết tốt, số liệu, thông tin phong phú, cập nhật. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao phương pháp tiếp cận của các tác giả và nhận định, Báo cáo có nhiều nhận xét giá trị, dám đề cập đến những vấn đề gai góc…

Tuy nhiên, Báo cáo kinh tế Việt Nam 2010 có một số điểm chưa được hoàn thiện như: không có một chủ đề nào về các vấn đề xã hội; giữa các chuyên đề lớn cần có sự tương hợp, gắn kết, thống nhất; phạm vi đề cập hơi rộng về mặt thời gian, cần gọn hơn, tập trung vào năm 2010; nhiều nhận xét, kiến nghị có phần võ đoán. Và các chuyên gia lưu ý các tác giả cần chuyển tải các nhận xét, khuyến nghị bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với đời sống hơn.


Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện.
Công trình là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm qua, thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn ở mức chuyên sâu và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, Báo cáo được kỳ vọng là một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Năm 2009, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”, lần đầu tiên công bố, Báo cáo đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nhà xuất bản Tri thức ngay trong năm đó đã xuất bản thành sách.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất