Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 3/10/2014 15:40'(GMT+7)

Tăng cường mô hình “ba trách nhiệm” trong giáo dục đạo đức cho sinh viên thời kỳ hội nhập

Ảnh Minh họa

Ảnh Minh họa


Từ nhận thức đến hành động

Hiện nay, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, hệ thống giáo dục của tỉnh Quảng Ninh từng bước được hoàn thiện và phát triển với nhiều loại hình trường lớp, từ mầm non đến đại học, trong đó có 07 trường đại học, cao đẳng (01 trường đại học, 06 trường cao đẳng). Số lượng và chất lượng sinh viên các trường ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của giáo dục đạo đức và sự phối hợp đồng bộ của mô hình “ba trách nhiệm”: nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến giáo dục các giá trị đạo đức cho sinh viên. Công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, lien tục, đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi, phát huy được sức mạnh tổng hợp và huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Những năm qua, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức với nhiều nội dung và hình thức phong phú thông qua các giờ học chính khoá, các hoạt động ngoại khoá, các hoạt động tình nguyện, nhân đạo từ thiện... Công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho sinh viên đã được quan tâm; cán bộ, giáo viên và sinh viên nhận thức rõ mục tiêu của giáo dục đạo đức; nội dung, hình thức quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho sinh viên được vận dụng phù hợp với điều kiện của mỗi trường và thực tiễn địa phương.

Phần lớn sinh viên các trường đại học, cao đẳng của tỉnh có đạo đức tốt, có ý thức tu dưõng đạo đức, chăm chỉ học tập trở thành những công dân có ích, sống có hoài bão và lý tưởng; đó là lối sống có mục đích, có lý tưởng tốt đẹp phù hợp với xu thế chung của toàn xã hội. Theo kết quả khảo sát điều tra, đa số sinh viên có ý thức tích cực, chủ động trong học tập, trong nghiên cứu khoa học vì ngày mai lập nghiệp. Ngoài giờ học trên lớp, có 20,7% sinh viên dành từ 10 - 14 giờ/tuần cho việc tự học; 23,7% sinh viên dành trên 15 giờ/tuần cho việc tự học; 44,4% sinh viên có thời gian tự học trung bình trong ngày là 02 giờ. Tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học các cấp ngày càng cao hơn;  từ năm 2008 -  2013, đã có 2.448 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học với 2.072 đề tài. Năm học 2012- 2013, có 95% sinh viên có đạo đức tốt, khá; chỉ còn 0,5% sinh viên xếp loại yếu (giảm  0,81% so năm học 2011- 2012). Số sinh viên có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng cao (chiếm 68%); từ năm 2008 - 2013, số sinh viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngày càng tăng (năm 2008 là 115 sinh viên, đến năm 2013 là 1.035 sinh viên)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng của tỉnh còn bộc lộ một số  hạn chế nhất định; sự phối hợp thực hiện mô hình “ba trách nhiệm”: nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức cho sinh viên có những mặt chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục đạo đức cho sinh viên, đào tạo, rèn luyện họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" là biện pháp pháp hết sức cần thiết.

Tăng cường sự kết hợp, nâng cao hiệu quả mô hình

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên, trước mắt cần giải quyết tốt một số điểm sau đây:

Thứ nhất, giữa gia đình, nhà trường, xã hội phải có sự thống nhất về quan điểm, chủ trương, mục đích trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Có như vậy thì chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đạo đức mới không ngừng được nâng cao. Gia đình và xã hội phải có những hiểu biết nhất định về các yêu cầu của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên và phải thường xuyên quan tâm đến công tác này.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt. Thực tiễn công tác giáo dục và đào tạo những năm qua cho phép chúng ta khẳng định rằng ở đâu và lúc nào Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường quan tâm đến công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức, lối sống, đến quyền lợi chính đáng của sinh viên, thường xuyên phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho sinh viên, thì ở đó, lúc đó sinh viên ít vi phạm kỷ luật, định hướng chính trị được giữ vững, phong trào học tập, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, mọi hoạt động sẽ đi vào nề nếp ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển của nhà trường. Mọi sự hạ thấp hay buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể khác như Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng trong giáo dục, xa rời mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo đã được đề ra.

Hiện nay ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Quảng Ninh, ngoài phòng đào tạo, phòng quản lý học sinh, sinh viên, ban quản lý ký túc xá… là những đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp quản lý sinh viên, cần thành lập thêm “Tổ công tác sinh viên ngoại trú” như là khâu trung gian giữa nhà trường với chính quyền, khu dân cư có sinh viên ngoại trú, tổ này sẽ giúp cho đảng ủy, ban giám hiệu nắm được tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên ngoài giờ lên lớp.

Ngoài sự kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội, ngay bản thân các phòng, khoa, bộ môn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, các giảng viên cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, các trường cao đẳng, đại học của tỉnh cần tập trung phát huy tốt mô hình “ba trách nhiệm”:

Một là: Trách nhiệm gia đình, môi trường giáo dục đầu tiên và rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, lối sống có văn hóa cho sinh viên. Để công tác giáo dục có hiệu quả, các bậc phụ huynh cần được trang bị những kiến thức về giáo dục, phải có phương pháp giáo dục phù hợp, phải có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng cần tôn trọng nhân cách của con cái. Cha mẹ phải gần gũi, quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con em để có những biện pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành động của con em mình. Gia đình phải thường xuyên liên lạc với nhà trường vừa để nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của con em mình. Từ đó mà có những biện pháp phối hợp với nhà trường trong hoạt động giáo dục đạo đức cho sinh viên.

Hai là: Trách nhiệm của nhà trường, giữ một vị trí chủ đạo trong việc bồi dưỡng năng lực, xây dựng phẩm chất đạo đức cho sinh viên. Công tác giáo dục của nhà trường tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau: (1) Thiết lập lại kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường, bắt đầu từ việc xây dựng nền nếp trong học tập, sinh hoạt của sinh viên thông qua nội quy, quy chế; kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm quy chế thi cử. Phòng công tác chính trị, ban quản lý ký túc xá cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở hoặc xử lý các sai phạm của sinh viên nội trú. (2) Xây dựng website của trường, thường xuyên cập nhật các thông tin về những hoạt động của trường cũng như kết quả học tập rèn luyện của sinh viên để phụ huynh kịp thời nắm rõ tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên; mở một số hộp thư điện tử để thu nhận những đóng góp ý kiến của sinh viên, phụ huynh để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp. (3) Kết hợp giữa học chính khóa với hoạt động ngoại khóa, lồng ghép việc giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật trong các môn học, khuyến khích, biểu dương sinh viên làm việc tốt hoặc có nghĩa cử cao đẹp. Liên kết tổ chức các cuộc hội thảo về nâng cao chất lượng giảng dạy môn đạo đức học, các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữa các trường đại học, cao đẳng cùng khối hay cùng ngành để rút kinh nghiệm trong giảng dạy. (4) Xây dựng đội ngũ các nhà sư phạm vừa có năng lực vừa có phẩm chất trong sáng, mẫu mực, yêu nghề, yêu thương học trò và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Kiên quyết xử lý buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác giảng dạy đối với những giáo viên dính vào tiêu cực nhằm làm lành mạnh môi trường giáo dục. Mỗi thầy, cô giáo cũng phải là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. (5) Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong trường: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Công đoàn và các tổ chức khác trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Chú ý thực hiện những giải pháp có tính định hướng như: công tác tập hợp sinh viên; tập hợp đối tượng cần được giáo dục; đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đạo đức đảm bảo tính khách quan, khoa học, phù hợp và mang tính khả thi cao; với hình thức giáo dục phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đảm bảo tính sâu rộng, đều khắp.

Ba là: Trách nhiệm của toàn xã hội: Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh; tăng cường công tác học sinh, sinh viên ngoại trú để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia tích cực vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nơi dân cư. Nhà trường và các lực lượng công an, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội địa phương cần phối hợp chặt chẽ để quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên ngoại trú. các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức chủ động phối hợp với  nhà trường để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp đang được đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội ngay sau khi tốt nghiệp.

Như vậy, mô hình “ba trách nhiệm”, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức cho sinh viên là một biện pháp hết sức căn bản, là một nguyên tắc cơ bản của giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa, tạo mọi thuận lợi cho việc giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh chống lại những tư tưởng bảo thủ, những phong tục tập quán lạc hậu ngăn cản sự phát triển của xã hội, góp phần mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại trong đó có những giá trị đạo đức mang tính phổ quát toàn nhân loại. Công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên là của toàn xã hội, nhưng nhà trường giữ vai trò định hướng, tổ chức, kiểm tra, đánh giá. Gia đình phối hợp với nhà trường để tạo điều kiện cũng như giám sát các em ngoài thời gian học tập trên lớp, xã hội cùng với nhà trường và gia đình thành một quá trình thống nhất liên tục và hoàn chỉnh. Đây được coi là biện pháp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay.

Nguyễn Tiến Độ
Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Quảng Ninh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất