Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo
công bố điểm sàn vào sáng 12/7,
nhiều trường đại học đã lập tức công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Theo đó, Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo mức điểm nhận đăng ký xét
tuyển đại học hệ chính quy năm 2017 của 18 điểm. Mức điểm được làm tròn
đến 0,25 điểm với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển
thẳng. Trường cũng yêu cầu điểm tối thiểu của mỗi môn, bài thi trong tổ
hợp xét tuyển phải lớn hơn một điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 21
điểm. Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, dự kiến
ngày 13/7, trường sẽ công bố chính thức. Tuy nhiên, mức điểm này vẫn
chưa chắc chắn, dao động từ 20 trở lên. Trường sẽ có mức điểm nhận hồ sơ
khác nhau cho từng ngành, một số ngành có thể chỉ nhận hồ sơ của những
thí sinh đạt từ 23 điểm trở lên.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đã công bố ngưỡng bảo đảm chất
lượng đầu vào với số điểm khác nhau ở từng ngành, chương trình đào tạo.
Theo đó, điểm xét tuyển dao động từ 18 điểm đến 22,5 điểm tùy từng
ngành. Ngành có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất là Công nghệ kỹ thuật ô tô
(22,5 điểm).
Một số ngành áp dụng nhân hệ số 2 với môn chính như ngành Thiết kế
thời trang (nhân hệ số 2 môn vẽ), điểm xét tuyển là 22 điểm; ngành Ngôn
ngữ Anh (nhân hệ số 2 môn tiếng Anh), điểm xét tuyển là 28 điểm; ngành
Sư phạm tiếng Anh (nhân hệ số 2 môn tiếng Anh), điểm xét tuyển là 30
điểm.
Hệ chất lượng cao trường này lấy điểm "sàn" thấp hơn 1-2 điểm ở từng
ngành so với hệ đại trà. Năm nay trường có 2.510 chỉ tiêu hệ đại trà và
2.265 chỉ tiêu hệ chất lượng cao.
Đại học Ngoại thương cho biết, cơ sở tại Hà Nội và TPHCM nhận hồ sơ
khối A00 mức 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5 điểm. Riêng D02 của
tiếng Nga là 20,5 điểm. Cơ sở tại Quảng Ninh nhận hồ sơ từ 18 điểm.
Lãnh đạo Phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, năm nay trường
sẽ dự kiến lấy ngưỡng chất lượng đầu vào đối với 2 cơ sở Bắc Ninh và Phú
Yên theo mức điểm sàn của Bộ. Còn đối với cơ sở Hà Nội sẽ lấy ngưỡng
điểm trên mức điểm sàn của Bộ khoảng 2 điểm đối với tất cả các ngành.
Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) lấy ngưỡng xét tuyển của tất cả 25
mã ngành là 18 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2016. Đại diện nhà trường
khuyến nghị, mức điểm đăng ký vào trường an toàn nhất là 20.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa cho biết ngưỡng điểm xét tuyển đầu
vào cho 3 ngành “hot” của trường là Y, Răng hàm mặt và Dược tối thiểu
là 21 điểm.
Năm 2017 là năm đầu tiên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh
trên cả nước với chỉ tiêu 1.200 thí sinh (giảm 60 chỉ tiêu so với năm
ngoái), tuy nhiên số lượng hồ sơ nộp vào trường lên tới hơn 16.000 thí
sinh cho nguyện vọng 1.
Nhiều trường cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo như Đại học Thủy lợi, Đại học Kinh tế-Tài chính
TPHCM, Đại học Công nghệ TPHCM, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đại học
Thành Tây…
Tuy nhiên, đây chỉ là mức điểm điều kiện tối thiểu để thí sinh nộp hồ
sơ vào trường. Điểm chuẩn vào trường thường sẽ cao hơn so với điểm nhận
hồ sơ, nhất là ở những trường nhóm trên, mức chênh sẽ lớn hơn. Vì thế,
thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn vào trường những năm gần đây để có thể
đưa ra quyết định phù hợp.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 15/7, thí sinh sẽ có quyền
điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học đã đăng ký trước
đó. Đây là cơ hội để thí sinh cân nhắc chọn trường thêm một lần nữa,
sau khi đã biết điểm thi của mình và điểm nhận hồ sơ của các trường đại
học./.
Theo chinhphu.vn