Tiến sỹ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Trường và 2 Phân hiệu của trường tại Gia Lai, Ninh Thuận sẽ miễn lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh 4 tỉnh miền Trung gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển thời gian qua.
Cùng với đó, trường miễn lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển online. Đối với hai Phân hiệu của trường tại Ninh Thuận và Gia Lai, thí sinh có hộ khẩu thường trú trong vùng tuyển (các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên) cũng sẽ được miễn lệ phí đăng ký xét tuyển.
Từ ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã miễn lệ phí xét tuyển cho các thí sinh ở khu vực 1 và khu vực 2 nông thôn, vùng bị hạn hán, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, hơn nữa thí sinh ở khu vực 1 và khu vực 2 nông thôn điều kiện đi lại khó khăn, phải di chuyển khá xa để nộp hồ sơ và chuyển lệ phí đăng ký xét tuyển vào ngân hàng. Do vậy, trường quyết định miễn lệ phí xét tuyển cho thí sinh ở những khu vực này.
Ngày 3/8, vượt qua vòng sơ tuyển, 2.363 thí sinh đã tham gia kỳ kiểm tra năng lực của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ thi diễn ra nghiêm túc và đúng quy chế, chiều cùng ngày trường đã tiến hành chấm bài kiểm tra năng lực. Dự kiến vào ngày 5/8 tới (muộn nhất là ngày 6/8), trường sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Theo quy định của trường, sau khi công bố kết quả trúng tuyển, chậm nhất ngày 10/8 tới các thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho nhà trường (theo đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trường).
Thí sinh không nộp đúng thời hạn quy định thì coi như từ chối nhập học. Khi đó, căn cứ tình hình thực tế, nhà trường có thể sẽ tiếp tục gọi các thí sinh khác trong danh sách đã tham gia kiểm tra năng lực theo nguyên tắc lấy từ điểm cao xuống thấp, cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh được phép thực hiện Đề án tuyển sinh riêng với 2 giai đoạn xét tuyển.
Cụ thể, giai đoạn 1 trường thực hiện sơ tuyển căn cứ vào điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 của thí sinh (chiếm 60% tổng điểm xét tuyển) và điểm học bạ của thí sinh trong 3 năm học Trung học phổ thông (chiếm 20% tổng điểm xét tuyển). Các thi sinh đủ điều kiện ở giai đoạn 1 theo quy định của trường sẽ tiếp tục tham gia kỳ kiểm tra năng lực./.
TTX