Thứ Tư, 27/11/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 26/11/2009 21:21'(GMT+7)

Nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thi hành án hình sự

Qua thảo luận vẫn nổi lên một số ý kiến khác nhau so với dự thảo Luật như phạm vi điều chỉnh, xác định hình thức tử hình. Một trong những vấn đề lớn được tập trung thảo luận là có nên đưa các biện pháp hình sự tư pháp (trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc…) vào dự thảo Luật hay không?

Làm rõ tình trạng pháp lý của các đối tượng

Theo ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) thì không nên đưa các biện pháp hình sự tư pháp vào dự luật bởi chế độ pháp lý của 2 loại đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Người chịu các biện pháp hình sự tư pháp này chưa bị tuyên là phạm tội mà chỉ bị điều chỉnh bởi các quyết định hành chính khác như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc chứ không phải bản án hình sự có hiệu lực của tòa án.

Tuy nhiên, các ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế), ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng) lại đồng tình với quy định nên đưa các biện pháp hình sự tư pháp này vào trong luật, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay đang rất phức tạp.

Công an xã phường có nên là cơ quan thi hành án?

Về quy định, trại tạm giam, nhà tạm giữ của công an xã phường, công an xuất nhập cảnh được xác định là cơ quan thi hành án hình sự, nhiều ĐB cho rằng, quy định như vậy sẽ làm phát sinh nhiều chi phí và dư luận xã hội sẽ hiểu là nếu một người bị tạm giữ có nghĩa là người đó đã phạm tội. Cùng quan điểm này, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng không nên quy định nhà tạm giữ, công an xã phường, công an xuất nhập cảnh là cơ quan thi hành án hình sự bởi điều này dễ gây hiểu lầm đó là "nhà tù”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Trần Đình Long (Đăk Lăk) phân tích, việc giao cho công an xã phường, công an xuất nhập cảnh nhà tạm giữ là nơi thi hành án hình sự là không nên, vì tình trạng pháp lý, chế độ cải tạo, sinh hoạt của các loại hình này rất khác nhau.

Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Thiếu tướng Trần Văn Độ ( ĐB tỉnh An Giang) kiến nghị việc đưa quy định này vào nếu không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thể gây nghi ngờ tính nghiêm minh, hiệu quả của bản án trong nhân dân.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Toàn lại tán thành việc coi xã phường, nhà tạm giữ là cơ quan thi hành án hình sự vì phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về việc xác định các hình thức tử hình, đa số các đại biểu đều cho rằng nên áp dụng hình thức tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc.

Một số đại biểu khác lại kiến nghị dự thảo nên đưa vào các hình thức khác đảm bảo tính nhân đạo hơn, vẫn có tác dụng răn đe cao. ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề xuất, nên bỏ hình thức xử bắn mà thay vào đó là để người tử tù tự dùng thuốc độc, nếu họ không muốn thì mới cưỡng chế. “Làm như vậy vừa văn minh, vừa tạo ra tâm lý không nặng nề cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ”, ĐB Khánh nói.

Trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến các vị đại biểu để nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp vào đầu năm 2010.

TH (theo Lê Sơn- chinhphu.vn)

 
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất