Sáng nay, với tình trạng sức khỏe ổn định, bà Trần Ngọc Sương đã có mặt tại tòa án. Trước đó, 110 người ở Nông trường Sông Hậu đã ký đơn xin ở tù thay vị nữ giám đốc từng nhận danh hiệu Người phụ nữ ấn tượng châu Á này.
Sau 2 lần hoãn xử, ngày 19/11, TAND TP Cần Thơ đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ "lập quỹ trái phép" xảy ra tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) theo đơn kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc Sương (nguyên giám đốc) cùng các thuộc cấp gồm: Trương Hồng Nhung (nguyên phó giám đốc), Đặng Thế Quốc Hưng, (nguyên kế toán) và Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ).
Trước đó, ngày 15/8, tòa án huyện Cờ Đỏ đã tuyên phạt bà Sương 8 năm tù, bà Nhung 6 năm, ông Hưng 4 năm và ông Sơn 3 năm cùng về tội "lập quỹ trái phép".
Không đồng tình với mức án tòa sơ thẩm đã tuyên, 110 nông trường viên đã ký vào một lá đơn “xin được ở tù thay” cho nguyên giám đốc Sương, gửi đến Thường trực - Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ, Chánh án, Viện trưởng VKS TP.
Trong đơn, những người nhận có mặt từ những năm NTSH thành lập cho đến nay (ít nhất cũng gần 30 năm) cho rằng, mức án 8 năm tù và phải đền bù thiệt hại với số tiền hơn 4 tỷ đồng đối với bà Sương là quá khắt khe. "Một vị giám đốc suốt đời chỉ biết hy sinh lặn lội khắp nơi để tìm giống cây tốt, kỹ thuật chế biến, tìm kiếm khách hàng để có đầu vào và đầu ra nhằm mang lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho bà con nông dân chúng tôi", lá đơn nêu.
Những nông trường viên trên cũng bày tỏ sự biết ơn cha con bà Sương. "Chúng tôi xin được ở tù thay cho cô Ba Sương nếu tòa quyết đưa cô vào tù. Mỗi người xin ở tù thay cho cô Sương một tháng vì tội của cô là tội chỉ lo cho mọi người chứ không có động cơ vụ lợi cho cá nhân…”, các nông trường viên đề xuất.
Bản thân bị cáo Trần Ngọc Sương cũng làm đơn kháng cáo cho rằng mức án trên là thiếu công bằng, không đúng pháp luật và phiên tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Việc buộc bị cáo bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng là suy diễn không đúng pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo.
Theo cáo buộc của tòa cấp sơ thẩm, trong quá trình giữ chức vụ giám đốc NTSH từ năm 2001 đến năm 2007, bị cáo Trần Ngọc Sương đã móc nối với cấp dưới gồm tự ý thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số khoản thu từ: bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn, chi tiếp khách... Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại NTSH đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn đề nghị VKS cùng cấp khởi tố vụ án, điều tra làm rõ hành vi “tham ô tài sản” đối với bị cáo Sương trong việc chi tùy tiện hơn 1,1 tỷ đồng.
VnExpress