(TCTG) - Một sự thật đáng lo ngại không thể không báo động khẩn thiết: Tình trạng bạo hành mỗi ngày một tăng trong gia đình. Hành vi xấu này có khuynh hướng phổ biến và trầm trọng, nhất là ở các vùng dân trí thấp, những người đàn ông thất học hoặc ít học, không có kiến thức về pháp luật, Tuy nhiên, ở những đối tượng hoặc những khu vực không nằm trong diện kể trên thì không phải là bạo hành trong gia đình được triệt tiêu, mà diễn ra ở khá nhiều màu vẻ.
Nghìn lẻ một biểu hiện
Nói đến bạo hành gia đình (BHGĐ) đương nhiên ai cũng phải hiểu đó là những hành vi thô bạo của người chủ trong gia đình - thường là chồng - đối với thành viên khác phụ thuộc vào hành vi khống chế của họ - thường là vợ, con - và chủ yếu là người ta muốn nói đến hành động vũ phu hoặc những lời chửi bới mắng nhiếc mang tính đàn áp của người chồng. Ở những người đàn ông ít học, họ cho rằng trong nhà họ có quyền hành tối cao nên những người khác phải vâng lời. Nếu cãi lại ý họ, họ có quyền trấn áp bằng lời lẽ (mắng nhiếc, chửi bới), hoặc bằng hành động (đánh đập). Những người chồng làm ra kinh tế nuôi vợ con tự cho mình quyền khống chế tuyệt đối thê nhi, tuy đáng lên án nhưng phần nào có thể hiểu được đã đành. Vô lí và nực cười hơn, ngay cả những “đức lang quân” vô tích sự - nghĩa là chẳng kiếm nổi ra tiền nuôi vợ con mà còn sống dựa dẫm vào họ, trở nên loại “ăn tàn phá hại” - cũng hống hách chỉ vì mình đang là chồng, là cha trong gia đình.
Những trường hợp như câu chuỵên có thật sau đây không đến nỗi quá hiếm hoi, nhất là ở các vùng nông thôn hẻo lánh xa thành phố. Chị V sống ở phố huyện một tỉnh lẻ miền núi. Chẳng hiểu số phận rủi ro nghiệt ngã thế nào mà chị từ bỏ tất thảy các chàng trai thuộc hạng “đáng mặt anh hào” để lấy C - một người đàn ông mắc đủ mọi tất xấu: Cờ bạc , rượu chè. Chị là một người phụ nữ có nhan sắc, lại tảo tần làm ăn. Cái quầy ăn uống của chị ở phố huyện hoàn toàn có thể khiến chị ung dung nếu như không có anh chồng cờ bạc. Chị nai lưng ra kiếm tiền, mua sắm được thứ gì là người chồng lại đem đi bán hoặc gá vào các sới bạc. Mỗi lần thua, y lại mò vào các quán hàng của vợ nốc cả chục chai bia. Say, y quay sang chửi vợ: “Cái đồ đàn bà mà không biết đi cầu khấn cho chồng làm ăn vào cầu là đồ bỏ đi”. Chị V cảm thấy quá vô lí bèn nói lại: “Anh đánh thua là tại anh, ai bảo cứ cay cú rồi sa lầy, không rút chân ra được, càng chơi càng thua!” Nghe vậy, sẵn hơi men trong người, y lập tức nổi giận lôi đình rồi túm mớ tóc dài của vợ và cuộc “thượng cẳng chân, hạ chẳng tay” bắt đầu. Ai cũng thương V nhưng không dám vào can vì có người từng làm vậy bị y đánh thương tích. C đã bị chính quyền gọi lên cảnh cáo vì thói đánh vợ và gây mất trật tự công cộng. Hỏi vì sao hành động như vậy, y thản nhiên đáp: “Tôi là chồng, bị vợ cãi lại thì phải dạy đến nơi đến chốn. Tôi đánh vợ chứ có đánh người ngoài đâu mà bảo tôi phạm tội”.
BHGĐ như trường hợp trên thì quá rõ, chẳng còn gì để nói. Lại có ông chồng là trí thức hẳn hoi - giảng viên một trường đại học - tuy không vung tay hoặc cầm gậy đánh vợ với nghĩa đen nhưng luôn nhiếc móc vợ mỗi khi không vừa ý: “Cô thử nghĩ lại xem, nếu không gặp tôi, đời cô sẽ ra sao? Một người như tôi mà hạ cố lấy cô, một nhân viên tạp vụ suốt ngày quét nhà, cọ toa lét, rồi bao cho cô đi học, nay được như thế này khác gì móc cô từ dưới cống lên, cho tắm rửa, mặc quần áo mới...” Những lần như thế, chị chỉ biết khóc một mình, không thể thổ lộ với ai vì đó là sự thực. Chỉ có điều ngày ấy, chính người chồng kia đã săn đón, năn nỉ yêu cô và nguyện làm tất cả để lấy được cô chứ cô có mặn mà gì, vì khi ấy cô mới có hai mươi tuổi, chưa nghĩ đến lấy chồng. Còn bây giờ anh ta đã công thành danh toại, được nhiều người nhờ vả nên đã quên kỉ niệm vừa mới lùi vào quá khứ chưa lâu.
Lại có một gã chồng nọ ở cơ quan đang được sếp để ý, hứa hẹn cất nhắc trong tương lai. Nhưng gã mắc thói trăng hoa, chán người vợ ngang tuổi của mình, luôn tìm đến các cô gái trẻ. Mấy lần bị vợ bắt quả tang, phản ứng, hắn mượn hơi men để trấn áp vợ. Nhưng sợ hàng xóm biết, để giữ “thể diện”, mỗi lần đánh vợ, gã đóng cửa thật chặt, bật ti vi hoặc dàn máy thật to để chẳng ai phát hiện ra. Tất nhiên, không dại gì người vợ đi tố cáo.
Vẽ đường cho hươu chạy:
Thói xấu của những người chồng kém nhận thức dẫn đến BHGĐ đương nhiên là bị dư luận và xã hội lên án. Nhưng liệu dẫn tới những hành vi xấu ấy có nguyên nhân của những nạn nhân, những người vợ tội nghiệp đáng thương? Câu chuyện của chị V bán quán ở phố huyện đã nói ở trên cho thấy khi mới làm vợ, chị đã quá cưng chiều chồng để anh ta thoả sức chơi bời trong khi chị nai lưng ra làm ăn nuôi con. Mỗi lần cần tiền, chỉ cần anh ta yêu cầu là chị đáp ứng ngay, không cần biết anh ta mang đi đâu, làm gì. Giá như biết chồng đánh bạc, ngay những ngày đầu chị đã can ngăn, không đưa tiền và khéo léo bàn với công an, chính quyền tìm cách răn đe thì đâu đến nỗi như vậy.
Rất nhiều người vợ đã quá nhu nhược, tự xác định thân phận, vai vế của mình để luôn e sợ dù anh ta làm bất cứ việc gì. Tế nhị, dịu hiền, yêu chồng dĩ nhiên là những đặc điểm tốt đẹp từng có ở những người vợ Việt Nam. Song, chị em cần biết phát huy đúng chỗ kẻo lại “vẽ đường cho hươu chạy” khi mà bất cứ điều hay dở gì đều tuân thủ ý chồng. Điều đó ắt dẫn đến việc vuốt ve tính hiếu thắng, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền là những nét tính cách thuộc bản chất của đàn ông, Không ít chị em còn có ý nghĩ rất sai lầm: Nếu tố cáo hành vi của chồng thì “xấu chàng hổ ai”. Lại có tâm lí: các chị sợ khi biết mình bị chồng đánh chửi thì dư luận sẽ đặt câu hỏi: chắc phải thế nào thì mới bị chồng nó làm vậy chứ cứ hiền dịu, thảo hiền thì đâu có chuyện? Vấn đề là các chị phải tự hiểu và cho mọi người hiểu: Những người đàn ông đã gây nên BHGĐ là những người ích kỉ, bất chấp mọi luân lí, lẽ phải, cố tình chà đạp lên nhân phẩm vợ, để thoả cái máu gia trưởng của mình. Vậy thì các chị có giữ gìn chu đáo đến đâu thì cái máu ấy vẫn nổi lên để kiếm cớ thực thi bạo hành.
Tốt nhất là mình phải tự cứu mình bằng cách chớ bao giờ “vẽ đường cho hươu chạy”, và khi sự việc đã xảy ra thì chớ nghĩ có trời cứu thay vì tự bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm của mình, Khi ấy, pháp luật, dư luận xã hội luôn đứng về phía các chị em./.
Hoài Ninh - Quang Duy