Chỉ còn vài ngày nữa là thế giới bước sang năm 2013, điểm lại dấu ấn của năm 2012, bất kỳ ai cũng đều cảm nhận được đây là một năm in đậm nét của các cuộc bầu cử khi mà chỉ trong một năm, người dân ở khắp các khu vực thế giới đều mong ngóng và hồi hộp chứng kiến tới hơn 10 cuộc bầu cử lớn nhỏ bởi chúng đều diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế thế giới trong ba năm qua vẫn chưa tìm thấy ánh sáng khởi sắc
Mỗi cuộc bầu cử đều mang lại cho người dân các nước quyền hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn sau những chuyển động chính trị mà họ chính là những người chèo lái chuyển động ấy tới đích. Nhìn lại một năm đã qua và cùng suy ngẫm những thông điệp từ các cuộc bầu cử trên khắp thế giới.
Hai cuộc bầu cử cuối cùng ngày 16 và 19-12-2012 tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã khép lại một năm 2012 sôi động bởi các chiến dịch tranh cử trên phạm vi toàn cầu từ châu Phi tới châu Mỹ, từ châu Âu tới châu Á. Những nhà lãnh đạo mới liệu có làm thay đổi đời sống quốc tế hay thì còn phải chờ thêm thời gian, nhưng chính từ các tiến trình bầu cử cùng với kết quả của chúng, tương lai cũng đã phần nào được hé mở.
Lẽ đương nhiên, mỗi cuộc bầu cử đều có những nét riêng biệt, những nhu cầu đặc thù. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là tất cả các nước diễn ra bầu cử năm nay đều phải đối mặt với những vấn đề không khác nhau là bao: tình trạng kinh tế khó khăn trong nước và những áp lực từ bên ngoài. Chính vì thế, chúng cũng còn có những đặc điểm tương đồng.
Trước hết, tình trạng kinh tế ảm đạm đã tác động rất lớn tới kết quả của các cuộc bầu cử. Nói cách khác, phục hồi kinh tế (trước hết là thúc đẩy tăng trưởng để tạo công ăn việc làm, chống lạm phát v.v.) trở thành tiêu chí hàng đầu để cử tri đánh giá các chương trình tranh cử của các ứng cử viên. Thành công trong việc phục hồi kinh tế trong thời gian điều hành đất nước trong giai đoạn 2000-2011cũng như lời hứa “sẽ đưa nước Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới” đã giúp cho ông Putin quay trở lại cương vị tổng thống với số phiếu ủng hộ áp đảo (gần 65%). Còn với lời hứa sẽ tập trung vào các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thay cho chính sách khắc khổ đang thực hiện, đặc biệt là cam kết sẽ tăng thuế tới 75% vào những người thu nhập cao (từ 1 triệu euro), đã giúp cho ông Francois Hollande đánh bại ứng cử viên – đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy. Việc ông Obama giành được tỷ lệ thắng áp đảo (332/206 phiếu đại cử tri) được giải thích là do ông có một chương trình hành động cụ thể và thực tế hơn hẳn đối thủ M. Romney. Điều này càng được minh chứng rõ nét trong kết quả tương tự ở các cuộc bầu cử tại Venezuela, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v.
Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế như hiện nay, kết quả bầu cử cho thấy các cử tri có thiên hướng hoặc lựa chọn sự ổn định (như trường hợp ở Nga, Trung Quốc hay Mỹ) hoặc một sự thay đổi có tính trái chiều với hiện tại (như ở Pháp, Ấn Độ). Bất luận thế nào thì những sự lựa chọn này, trước hết, đều là do dưới sức ép của các mục tiêu tăng trưởng.
Thứ hai, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa thì những vấn đề đối ngoại cũng có những tác động chẳng kém các vấn đề đối nội lên các ứng cử viên. Với tư cách là một siêu cường, ứng cử viên tổng thống Obama đương nhiên là người chịu áp lực nhiều nhất từ các vấn đề quốc tế như tình hình Syria, Iran v.v., đặc biệt là sự lớn mạnh của Trung Quốc. Cho dù cử tri Hy Lạp rất bất bình với chính sách thắt lưng buộc bụng mà theo họ là do chính phủ phải “nghe lời” dưới sức ép của EU, nhưng cũng chính vì ý thức được tầm quan trọng vô cùng lớn của mối quan hệ với EU mà cuối cùng họ đã phải chấp nhận lựa chọn ông Antonis Samaras (người ủng hộ chính sách tiếp tục thắt chặt chi tiêu). Những tranh chấp biển, đảo ngày một căng thẳng với các nước láng giềng đã khiến cử tri Nhật Bản cũng như Hàn Quốc quyết định chọn ông Shinzo Abe và bà Park Geun Hye, những ứng cử viên được cho là theo đuổi chính sách cứng rắn, cho dù những cam kết phục hồi kinh tế chưa thực sự rõ ràng.
Thứ ba, tiến trình bầu cử ở hầu hết các nước đều diễn ra hết sức gay cấn. Tiêu biểu nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (điều tương tự cũng diễn ra ở Pháp, Hàn Quốc), hai ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thay nhau dẫn điểm đến tận phút chót. Điều này phản ánh tâm trạng bối rối của cử tri trong quá trình lựa chọn, đồng thời cũng cho thấy sự khó khăn của các ứng cử viên trong việc đưa ra được một chương trình hành động có tính thuyết phục nhằm khắc phục khủng hoảng kinh tế. Hình ảnh ông Putin rơi lệ sau khi kết quả bầu cử được công bố (mặc dầu ông có ưu thế vượt trội so với các ứng cử viên khác), cho thấy sự căng thẳng đến nhường nào của quá trình bầu cử.
Thứ ba, dù bầu cử diễn ra ở những nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc v.v. hay các nước nhỏ như Ai Cập, Hy Lạp nhưng kết quả của chúng đều sẽ có những tác động không nhỏ tới đời sống quốc tế trong một vài năm tới. Vai trò của các nhà lãnh đạo mới ở các cường quốc thì đã quá rõ ràng. Ý nghĩa của cuộc bầu cử ở Hy Lạp đã vượt ra khỏi phạm vi nước này bởi nó sẽ liên quan rất nhiều tới tương lai của vấn đề nợ công, tới mô hình quản lý của toàn khối EU. Cuộc bầu cử ở Ai Cập sẽ có những ảnh hưởng tất yếu đến thế giới Hồi giáo.
Bức tranh bầu cử 2012 sẽ trở nên hoàn thiện và sinh động hơn bởi một số gam màu đặc biệt. Ở đây, tác giả chỉ xin đưa ra 3 điểm nhấn tiêu biểu sau:
Đầu tiên phải kể đến sự thắng cử của những lực lượng Hồi giáo sau “Mùa xuân Ả rập”. Tại Ai Cập, việc ông Morsi thắng cử được coi là đặc biệt không chỉ đơn thuần vì đây là chiến thắng của một ứng cử viên dân sự sau một thời gian dài chính quyền nằm trong tay các nhà quân sự mà là chiến thắng của tổ chức “Các anh em Hồi giáo” (một tổ chức xã hội chưa bao giờ có được tiếng nói mạnh trên chính trường Ai Cập cũng như các nước Ả rập khác). Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nằm ở chỗ, liệu chiến thắng này có mở đường cho một xu hướng Hồi giáo hóa ở khu vực nóng bỏng Bắc Phi – Trung Đông. Biểu hiện đầu tiên của nó chính là việc bản Hiến pháp mới của chính quyền Morsi chắc chắn sẽ được thông qua sau hai lần phải trưng cầu dân ý (kết quả trung bình vừa được công bố sau 2 lần là hơn 60%).
Điểm nhấn thứ hai là chi phí cao tới mức “quá khủng” của nhiều cuộc bầu cử lần này. Chiến dịch bầu cử tại Mỹ đã đạt con số kỷ lục 6 tỷ USD (tổng chi phí 5,2 tỷ USD năm 2008 đã từng được cho là cao nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ). Sự chi tiêu có phần thái quá này có thể bị coi là nghịch lý trong bối cảnh khủng hoảng, nhưng mặt khác cũng cho thấy quyết tâm tìm kiếm những con người thực sự đủ năng lực lãnh đạo giúp đất nước phục hưng.
Điểm đặc biệt cuối cùng chính là sự thắng cử của bà Park Geun Hye tại Hàn Quốc. Trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không hề nhỏ, đơn cử như sụt giảm tăng trưởng (nền kinh tế mới nổi bên sông Hàn bắt đầu “ngấm” tác động của suy thoái toàn cầu khi tốc độ tăng trưởng năm này khó vượt ngưỡng 2%) hay những vấn đề an ninh nóng bỏng như tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản xung quanh hòn đảo Dokdo/Takeshima hay vụ phóng tên lửa vừa qua của CHDCND Triều Tiên v.v. vậy mà cử tri Hàn Quốc đã lựa chọn một người phụ nữ. Cũng cần nhấn mạnh là tại Hàn Quốc, người phụ nữ thường bị những tập quán ngăn cản con đường chính trị rất mạnh. Chiến thắng này phải chăng sẽ mở đường cho một cuộc cải cách giới không chỉ dừng lại ở Hàn Quốc?
Năm 2012 cũng đang dần khép lại, kết quả bầu cử cũng đã rõ ràng và không thể đảo ngược. Tuy vẫn còn trăn trở với những câu hỏi như: Liệu những nhà lãnh đạo mới có làm thay đổi thế giới hay không và thay đổi theo chiều hướng nào? Nhưng qua phân tích ở trên, chúng ta có quyền kỳ vọng (tại sao lại không khi mỗi dịp năm mới tới) những sự thay đổi sẽ đi theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định. Va chạm, xung đột chắc sẽ khó bị triệt tiêu nhưng tần suất cũng như mức độ căng thẳng của chúng chắc sẽ thuyên giảm hơn.
TS. Đỗ Sơn Hải/ND