Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 28/7/2014 8:30'(GMT+7)

Nhớ nhà lý luận sát thực tiễn và tư duy đổi mới

Đồng chí Đào Duy Tùng thăm tỉnh Yên Bái năm 1993. (Ảnh: Tư liệu Văn phòng Trung ương Đảng)

Đồng chí Đào Duy Tùng thăm tỉnh Yên Bái năm 1993. (Ảnh: Tư liệu Văn phòng Trung ương Đảng)


Thế hệ tôi từng biết và hoạt động trong lĩnh vực do đồng chí phụ trách nhưng không có đủ điều kiện để đánh giá toàn diện công lao của đồng chí. Chỉ xin kể lại một vài kỷ niệm (không theo thứ tự thời gian) về đồng chí, một đồng chí lãnh đạo cấp cao nhưng lại rất dễ gần gũi, có thể tâm sự.
Có lúc gia đình tôi ở 15 phố Hàn Thuyên, gần nhà ở của đồng chí ở số 10 ngõ Phan Chu Trinh, nhưng ở cạnh đấy lại là nhà chú vợ tôi cho nên tôi hay đến thăm và thấy hàng xóm nói rằng ông Tùng sống rất giản dị, có người nói ông ấy rất “lành”. Tuy từng công tác trong ngành tuyên huấn nhưng lĩnh vực hoạt động báo chí của tôi khác lĩnh vực lý luận của anh, rồi anh lại là cán bộ cấp cao cho nên tôi chưa một lần tới thăm anh tại nhà, vì với tôi, cấp trên cho gọi thì đến còn không tự động đến nhà đồng chí nào.
Sáng ra, anh hay ra đường đi bộ tập thể dục, cùng tuyến đường đi tập của tôi, gặp anh tôi đều chào hỏi nhưng tránh đi cùng vì không muốn tỏ ra quá thân mật với “cấp trên”, rồi lại phải hầu chuyện, mất tĩnh tâm luyện tập. Nhưng có hôm anh thấy tôi và rủ đi cùng, rồi nói: “Này, đi ra đường tập thể dục với anh em mà cũng nghe được khối chuyện, chứ ai vào phòng mình ở Nguyễn Cảnh Chân cho biết”. Tôi bắt đầu gần anh từ khi nghe lời tâm sự đó.
Một lần đi công tác ở Liên Xô, năm 1985, nghe tin anh ốm, đồn là bị bệnh trọng đang nằm chữa bệnh ở đây, mấy anh em chúng tôi nhờ cán bộ Sứ quán đưa đến bệnh viện - nơi anh chữa bệnh để thăm anh. Nhìn sắc mặt của anh không bình thường và ra dáng mệt mỏi nhưng lại thấy anh đang ngồi viết nên tôi hỏi: “Anh viết gì đấy, sao không nghỉ ngơi”. Anh ngừng tay nói: “Mình đang viết cuốn sách cuối cùng vì chẳng lẽ mấy chục năm làm công tác tư tưởng mà không để lại kinh nghiệm gì cho anh em!”. Nghe anh tâm sự lúc đó như lời trăng trối cho nên chúng tôi rất cảm động, nhưng rồi cuốn sách “Về công tác tư tưởng” vẫn không phải là “cuốn sách cuối cùng” và ơn trời anh khỏe lại và còn được bầu vào giữ trách nhiệm cao hơn, vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi về anh, một cán bộ tâm huyết với hoạt động công tác tư tưởng của Đảng.
Nhớ tới anh lại nhớ lúc Trung ương 6, khóa IV (1979) ban hành Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế cấp bách mà chúng tôi cho rằng có tinh thần thẳng thắn, nhìn rõ tình trạng trì trệ trong sản xuất và tâm lý người lao động không vui, đồng thời hé mở những tư duy đổi mới quan trọng mà tôi không muốn nhắc lại vì nhiều đồng chí đã biết.
Lúc đó anh là Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương đã chủ trì nhiều cuộc hội thảo ở hội trường báo chí quốc tế mà tôi được nhiều lần tham dự, luôn luôn nhắc tới chính sách kinh tế mới ở Liên Xô khi công nhận kinh tế nhiều thành phần và bãi bỏ trưng mua lương thực… mở ra hướng phát triển mới đang phù hợp với một số chính sách đề ra tại Hội nghị Trung ương 6, khóa IV của ta.
Ở các cuộc hội thảo đó, có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà báo tham dự và hăng hái phát biểu thảo luận, có ý kiến dè dặt, có ý kiến cực đoan nặng lời, phê phán, phủ nhận, có cả ý kiến động chạm xa xôi tới anh. Thấy anh chăm chú lắng nghe, nếu có nói lại thì cũng nhẹ nhàng vì thực ra nhiều vấn đề còn mới. Thế là lại thấy thêm khả năng lắng nghe của anh, một người lãnh đạo.
Rồi đến chuyện đổi mới trong nông nghiệp cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Mặc dù còn treo lơ lửng trên đầu “Lưỡi gươm Kim ngọc”, nhưng trước tình hình bức bách của xã hội, ở miền Bắc nông dân bỏ hoang hàng vạn hecta ruộng, đồng thời có những sáng kiến tháo gỡ. Lúc đó, nhiều nhà báo và các nhà lý luận đều hăng hái xông trận trong đó tôi có tham gia. Cũng khách quan mà nói thì trong số nhà báo hăng hái nhất lúc đó thì phải kể tới nhà báo Thái Duy (Báo Đại đoàn kết) và Hồng Giao (Tạp chí Cộng sản). Không thể phủ nhận tinh thần hăng hái và dũng cảm của các nhà báo lúc đó, nhưng cho dù hăng hái đến đâu thì cũng phải được sự gật đầu của Tổng Biên tập, người duyệt đề tài, duyệt bài và quyết định đăng. Phải thú thật là lúc đó chúng tôi rất ngại các nhà lý luận vì cho rằng họ hay “sách vở”, “cố chấp” và ít sát thực tiễn, cho nên là chỗ thân tình tôi hỏi Hồng Giao thì được biết là thủ trưởng Đào Duy Tùng lúc đó là Tổng Biên tập đã cùng cán bộ tòa báo đi khảo sát nhiều nơi và “bật đèn xanh” cho anh. Tôi thì đã rõ là có thủ trưởng Hoàng Tùng khuyến khích, còn Thái Duy thì đã có Tổng Biên tập Lê Điền “cùng hội cùng thuyền”.
Sau cuộc Hội thảo ở Côn Sơn của Báo Nhân dân thì có cuộc họp chung giữa Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và lãnh đạo thành phố Hải Phòng do các anh Hoàng Tùng (Tổng Biên tập Báo Nhân dân), Đào Duy Tùng (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) và Bùi Quang Tạo, Đoàn Duy Thành (Bí thư và Chủ tịch thành phố Hải Phòng) đồng chủ trì cùng khẳng định kinh nghiệm khoán sản phẩm của Hải Phòng. Thế là “ba bộ đồng tình” mở đường cho hoạt động sôi nổi tại Hội nghị nông nghiệp toàn quốc ở Hải Phòng, tạo thuận lợi cho việc ra đời Chỉ thị 100 của Ban Bí thư đầu năm 1981 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc đưa nông nghiệp ra khỏi tình trạng trì trệ, xác định bước đầu quyền tự chủ của các hộ nông dân.
Đến việc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI. Là nhà báo hay “tọc mạch” cho nên tôi cũng biết không ít chuyện phức tạp. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội gửi xuống các đảng bộ xin ý kiến thì có nhiều ý kiến không thuận, nhất là các đảng bộ miền Nam, cho nên phải bổ sung nhiều mà anh Hoàng Tùng nói rằng “phá sản, phải viết lại”. Có ba vấn đề lớn về kinh tế phải được thảo luận trên tinh thần đổi mới là vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư và kinh tế nhiều thành phần theo ý kiến, kiến nghị của nhiều đảng bộ địa phương và một số chuyên gia. Theo chỉ đạo của anh Trường Chinh, anh Đào Duy Tùng được Bộ Chính trị giao phụ trách chỉ đạo một nhóm các đồng chí biên tập. Tôi nhớ có các anh Hà Đăng, Trần Đức Nguyên, Phan Diễn… Chính kết luận về ba vấn đề đó khi được Bộ Chính trị thông qua là nội dung quan trọng của Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI của Đảng, mở đầu thời kỳ đổi mới do đồng chí Trường Chinh trình bày. Nghĩa là công trình đó có “bàn tay” của đồng chí Đào Duy Tùng như đồng chí cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có ý kiến trong một bài viết.
Tư duy của các nhà chính trị thường gắn liền với đường lối, của cơ chế thời kỳ đồng chí đó hoạt động. Nhưng xã hội luôn phát triển cùng với sự phát triển của tư duy, đặc biệt trong các bước ngoặt, cho nên có lúc thấy tư duy một số đồng chí chưa nhất quán, ngay cả những bậc đại nhân, đại trí thì cũng có lúc, có việc nhầm lẫn. Do đó, khi đánh giá nên có cách nhìn khách quan lịch sử và tổng thể. Với phương pháp luận đó, tôi luôn luôn nghĩ anh Đào Duy Tùng là nhà lý luận sát thực tiễn, biết lắng nghe và đổi mới.
Như trên tôi đã nói, đây là một vài kỷ niệm trực tiếp với anh Đào Duy Tùng. Vẫn biết những cảm nhận cá nhân cho dù trực tiếp cũng chưa phải là lịch sử chân thật, nhưng trong nhiều trường hợp có khả năng bổ sung cho việc đánh giá một con người, một giai đoạn cách mạng./.

Hữu Thọ
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất