Cũng giống như trước thềm hai vụ thử hạt nhân vào tháng 10/2006 và tháng 5/2009,
tuyên bố sẽ tiến hành vụ thử lần thứ ba mà CHDCND Triều Tiên mới đưa ra được coi
như hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên
cũng như quan hệ giữa Bình Nhưỡng với “các quốc gia thù địch” đã căng lại càng
thêm căng.
Thế nhưng, tuyên bố đó sẽ chẳng còn là điều bất ngờ nếu nhìn lại chính sách mà các thế hệ lãnh đạo của Triều Tiên theo đuổi trong nhiều năm qua.
Triều Tiên tuyên bố có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba nhằm đáp trả việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào nước này do vụ phóng vệ tinh gây tranh cãi ngày 12-12-2012. Nhưng kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên không chỉ xuất phát từ một lý do đơn giản như thế!
Vụ thử hạt nhân thứ ba không những cho phép Bình Nhưỡng ngăn chặn sự tấn công từ Mỹ và đồng minh của họ, mà còn là cách để Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Châng Un, củng cố sức mạnh quốc gia. Đó cũng là phương thức hiệu quả để chứng minh rằng, bất chấp những lệnh trừng phạt hay sự cô lập từ một phần của thế giới bên ngoài, Triều Tiên vẫn không hề lưỡng lự trên con đường tìm kiếm một “lá chắn hạt nhân” đủ mạnh.
Phải chăng, một vụ thử hạt nhân tiếp theo sẽ giúp Bình Nhưỡng tiếp tục thu hút sự chú ý của quốc tế, làm tăng thêm trọng lượng tiếng nói của họ trong các cuộc thương lượng, đàm phán tương lai với Mỹ cũng như với các đồng minh của Oa-sinh-tơn? Thậm chí nếu cần, Bình Nhưỡng có thể đem chương trình hạt nhân ra để “ngã giá”?
Lâu nay, Triều Tiên vẫn luôn bảo vệ quyền phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học. Đó cũng là cơ sở để họ tỏ ý bất bình và cáo buộc Mỹ đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với Bình Nhưỡng và với các đồng minh của Mỹ. Có lý hay không khi Triều Tiên cho rằng Mỹ không hề lên tiếng về việc Nhật Bản phóng hai vệ tinh do thám ngày 27-1 cũng như vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên không gian của Hàn Quốc ngày 30-1 vừa qua, trong khi đó lại đưa “vụ phóng vệ tinh hòa bình” của Bình Nhưỡng ra HĐBA LHQ?! Tờ Lao động Triều Tiên của Triều Tiên còn cáo buộc rằng Mỹ luôn cố gắng gây sức ép với những quốc gia nào cản trở “tham vọng thống trị thế giới” của Oa-sinh-tơn và thực tế này đẩy Triều Tiên vào cảnh bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt bổ sung của HĐBA LHQ hay những cuộc tham vấn liên miên giữa Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản về việc áp đặt những biện pháp mạnh mẽ hơn, Triều Tiên vẫn thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục thử hạt nhân như đã định. Bình Nhưỡng cũng thường xuyên đưa ra những khẩu hiệu như thực hiện “bước chuyển mình vĩ đại” trong việc tăng cường tiềm lực quân sự quốc gia, khởi động "cuộc chiến tranh vĩ đại thống nhất tổ quốc" hay sẵn sàng “đáp trả mạnh mẽ” nếu bị o ép quá đáng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều lời lẽ “mang hình bóng chiến tranh” đó không chỉ cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “nóng” lên từng ngày, mà còn chứng tỏ Triều Tiên đã và vẫn đi theo chính sách lâu dài của mình, trong đó bao gồm cả những lời đe dọa ấn tượng.
Cuối tháng 1 vừa qua, trong một hội nghị an ninh tại Nhà Xanh với sự tham dự của các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, Cơ quan tình báo quốc gia, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak), đã ra lệnh cho quân đội nước này "sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ" nhằm đáp lại "sự leo thang căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên”. Xơ-un cũng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải hứng chịu "những hậu quả nghiêm trọng" nếu thực hiện kế hoạch thử hạt nhân. Những động thái đó liệu có khiến Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch đầy tham vọng của mình?
Câu trả lời có lẽ là KHÔNG. Bởi như đã nói ở trên, thử hạt nhân được coi là một phần trong chiến lược không đổi của Bình Nhưỡng. Thực tế quá khứ cũng chứng minh rằng, Triều Tiên thường “đã nói là làm”, ít nhất là đối với các vụ thử hạt nhân hay phóng vệ tinh. Họ cũng đã từng tuyên bố “hoàn toàn sẵn sàng đương đầu với biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự từ phía các thế lực thù địch".
Ngay cả khi phải đối mặt với sự phản đối, thậm chí là bị cắt viện trợ từ quốc gia đồng minh ngoại giao chủ chốt của mình, kế hoạch thử hạt nhân lần ba của Triều Tiên xem ra vẫn “chắc như đinh đóng cột”. Khả năng này càng hiện hữu khi mới đây, những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các hoạt động chuẩn bị đang được tiến hành gấp rút tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Thậm chí còn có thông tin cho rằng, đó sẽ là một vụ thử hạt nhân kép và sẽ diễn ra trong ít ngày tới.
Khi mà vụ thử hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên là điều khó tránh khỏi, những động thái nảy sinh trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới có thể sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Đó là các chế tài mà HĐBA LHQ sẽ áp đặt vào Triều Tiên và những chính sách đối với Bình Nhưỡng mà bà Pắc Cưn Hi (Park Geun-hye), Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc, sẽ thực thi.
Cho dù thế nào đi nữa thì đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ các vụ thử hạt nhân, các vụ phóng vệ tinh lúc này được xem là điều khó có thể thành hiện thực. Chẳng ai lại tự tước bỏ những nanh vuốt sắc nhọn khi trước mặt là kẻ thù đang rình rập đợi cơ hội hạ knock-out mình!./.
(Vũ Hùng/QĐND)