(TG)-Những năm gần đây, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện Can Lộc – Hà Tĩnh đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.
Cụ thể hóa các nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra, cũng như thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện uỷ Can Lộc đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, công chức, viên chức, người lao động.
Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mở cá chiến dịch tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi tới các đối tượng với số lượng gần 12.000 tờ; tổ chức trên 20 hội nghị quán triệt tại huyện các chính sách về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế đến người lao động và cán bộ các thôn xóm, khối phố trong toàn huyện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Nhờ đó, từ năm 2012 đến cuối năm 2017, các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Tính đến ngày 31/12/2017, số lao động tăng mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 410 người, tăng 10% so với 2012; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 387 người, tăng 320% so với 2012; bảo hiểm y tế là 100.210 người, tăng 17% so với năm 2012.
Từ năm 2012, trên cơ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (Một cửa), ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại bộ phận “Một cửa” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành; các bộ phận nghiệp vụ đã được thực hiện phần mềm quản lý của ngành đảm bảo tính chính xác cao, xử lý nhanh, kịp thời hạn trả kết quả cho đối tượng, đơn vị theo luật định.
Từ năm 2013, đã thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua đại lý chi trả Bưu điện tận tay đối tượng đảm bảo thời gian quy định. Từ năm 2016, ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện giao dịch điện tử với đơn vị sử dụng lao động trong lĩnh vực thu và sổ bảo hiểm xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Bộ phận “Một cửa” thông qua hệ thống Bưu điện. So với năm 2012, đến cuối năm 2017 có 5.341 người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 794 người, 3.913 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 444 người và 21.573 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 10.210 người. Kết quả này góp phần đến cuối năm 2017, số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện là 106.843 thẻ/129.568 người dân, đạt tỷ lệ bao phủ 81,6%, trong đó số người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình là 34.943.
Có thể nhận thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không ngừng được nâng lên. Hình thức tuyên truyền phổ biến đã được lựa chọn phù hợp, đa dạng với từng nhóm đối tượng; chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện tuyến huyện và cơ sở, cũng như tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân có nhiều chuyển biến tốt.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện Can Lộc mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Việc phổ biến, quán triệt tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa sâu rộng. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn hạn chế; chưa quan tâm đúng mức, chưa thật sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện để đạt kết quả tốt.
Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan và một số địa phương còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dẫn tới tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong một số đối tượng chưa cao. Chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ tại một số cơ sở y tế chưa cao, chưa đáp ứng sự hài lòng của nhân dân cũng như các đối tượng bảo hiểm y tế khi thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh. Cơ sở vật chất, trang thiết có nhiều nơi chưa đảm bảo; đội ngũ y bác sĩ còn thiếu, đặc biệt là các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành. Việc huy động các nguồn lực nhằm thực hiện xã hội hóa các hoạt động y tế tại một số xã chưa được quan tâm thực hiện. Người lao động trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn hiện tượng trốn tránh…
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn huyện Can Lộc, bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.
Hai là, chú trọng việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng về nội dung nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó, tạo sự thay đổi nhận thức cho mỗi người dân về tự ý thức về bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.
Ba là, thường xuyên nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách phục vụ đối tượng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả cao nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bốn là, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các sai phạm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra những đơn vị sử dụng lao động có hành vi nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Sáu là, quản lý tốt các đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kiểm tra, giám sát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, chủ động trong việc triển khai thực hiện hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.
Hoàng Long