Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đa số người DTTS cư trú ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là những nơi núi cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược, xung yếu về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Dưới chế độ thực dân, phong kiến trước đây, hầu hết người DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa quanh năm suốt tháng chỉ biết quẩn quanh nơi rừng sâu núi thẳm, sống tự cấp tự túc, không được đến trường, đến lớp nên rơi vào cảnh mù chữ, ít có kiến thức, hiểu biết về mọi mặt của đời sống xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ là bước ngoặt vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam bước sang trang sử mới, mà cũng là thời điểm giúp đồng bào các DTTS từng bước được tiếp cận với ánh sáng tri thức văn hóa của dân tộc và nhân loại. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài dịp đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

“Ham muốn tột bậc” của Bác Hồ cũng là mục tiêu cao cả, khát vọng cháy bỏng của Đảng, Nhà nước Việt Nam hơn bảy thập niên qua, đó là làm cho mọi người dân, nhất là đồng bào DTTS “ai cũng được học hành”. Từ khi lập Đảng, lập quốc đến nay, trong các văn kiện đại hội của Đảng và các bản Hiến pháp, bao giờ Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đề cập đến việc tạo cơ hội bình đẳng, điều kiện thuận lợi cho nhân dân nói chung, các DTTS nói riêng được quyền tiếp cận, hưởng thụ môi trường, dịch vụ giáo dục cơ bản để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ, góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.