“Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Mỗi khi xuân về, câu thơ ấy của Bác Hồ lại vang lên, thúc giục mỗi người tham gia trồng cây, vì mùa xuân của đất nước. Không chỉ quan tâm đến việc trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”.
Năm 1958, Bác có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy
giáo với sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm
thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta
phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Mỗi mùa
xuân tới, những lời căn dặn của Bác lại càng thấm thía hơn với mỗi chúng
ta.
Đất nước đang tăng tốc phát triển, với yêu cầu “phát triển nhanh và bền
vững”. Để đạt được yêu cầu đó thì vấn đề đang đặt ra cấp thiết là phải
phát huy được nguồn nhân lực của đất nước. Bởi mọi thứ tài nguyên đều
hữu hạn, nhưng tài nguyên sáng tạo của con người thì vô hạn. Khi đưa ra
lời khuyên để đất nước Việt Nam có thể phát triển bền vững, theo chiều
sâu, hầu hết các nhà lãnh đạo, các chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh yếu
tố con người và đề cao vai trò của giáo dục.
Nói đến vấn đề giáo dục, đào tạo con người cho đất nước có rất nhiều
khía cạnh cần bàn, nhưng có lẽ cần quan tâm đến mấy vấn đề là: Đạo
đức-nhân cách; yêu nước; biết làm việc; có khát vọng cống hiến; có khả
năng tư duy, nhận thức đúng.
Tại sao lại phải đặt vấn đề đạo đức lên trên hết? Bởi vì đây là cái gốc
căn bản để phân biệt con người tốt và con người xấu. Từ việc hình thành
đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân thì mới có cơ sở để hình thành đạo
đức của tập thể, của cộng đồng, của mỗi ngành nghề. Có ý kiến cho rằng,
trong thời gian qua, do kinh tế phát triển nhanh nên đạo đức xã hội có
dấu hiệu bị xuống cấp. Vấn đề này không thể kết luận vội vàng như vậy!
Bởi nếu thế, tại sao nước Nhật Bản rất phát triển nhưng công dân Nhật
Bản vẫn được thế giới nhìn nhận là những người tử tế? Tuy nhiên, khi
kinh tế phát triển nhanh thì quan hệ đồng tiền, vật chất sẽ chi phối
mạnh hơn. Chính vì thế, vấn đề giáo dục đạo đức càng cần phải được coi
trọng.
Yếu tố yêu nước cần phải được đề cao, vì trong một thế giới ngày càng
hội nhập, con người Việt Nam có thể sống và làm việc ở nhiều nơi trên
thế giới thì yếu tố gắn kết họ với nhau, gắn kết với Tổ quốc chính là
lòng yêu nước, yêu quê hương. Yếu tố biết làm việc rõ ràng là vô cùng
quan trọng. Đó là bởi vì trong những năm qua, có không ít cử nhân ra
trường nhưng không biết làm việc, trong khi những đòi hỏi về kiến thức
và kỹ năng công việc ngày càng cao hơn. Việc giáo dục nghề nghiệp, năng
lực chuyên môn cho con người Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn
của quốc tế và trong đó cần quan tâm đào tạo tinh hoa, như vậy mới có
được nhân lực chất lượng cao. Yếu tố có khát vọng cống hiến sẽ là yếu tố
nâng tầm mỗi con người, để dù họ làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, dù
là lao động chất xám hay lao động giản đơn thì cũng đều nỗ lực ở mức
cao nhất và có tinh thần nỗ lực vì cái chung. Có khả năng tư duy, nhận
thức đúng tưởng như là một yếu tố hơi rộng và trừu tượng nhưng thực ra
là cụ thể và rất quan trọng. Bởi mỗi người trong xã hội cần phải có khả
năng nhận thức đúng về bản thân mình, về vai trò, bổn phận của mình
trong gia đình, trong xã hội, biết yêu cái đáng yêu và biết ghét cái
đáng ghét, biết thế nào là đúng và thế nào là đủ. Có khả năng tư duy,
nhận thức đúng thì mới hành động đúng, mới có đóng góp tích cực.
Khi nhắc đến giáo dục, đào tạo, Bác Hồ đề cao yếu tố giáo dục công dân.
Có lẽ bởi vì, bất cứ ai trong xã hội, trước hết cũng là một công dân.
Khi chúng ta giáo dục, đào tạo ra các thế hệ công dân tốt thì chắc chắn
đất nước Việt Nam sẽ vững bền./.
Hồ Quang Phương (qdnd.vn)