Thứ Hai, 25/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 10/4/2010 9:54'(GMT+7)

Những con tàu đi về phía vầng dương

Đảo Đá Lớn tại quần đảo Trường Sa.

Đảo Đá Lớn tại quần đảo Trường Sa.

Chiếc tàu HQ 960 hú ba hồi còi dài rồi từ từ rời cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), xuôi sông Sài Gòn hướng ra phía biển Đông. Đất liền cứ lùi xa, thấp dần, rồi lặn hẳn dưới mép nước phía Tây. Tàu nhẹ êm lướt nước, không hề đung đưa rung lắc. Thượng uý Nguyễn Văn Phiếm - Chính trị viên tàu HQ 960 hướng mặt ra phía biển nói với tôi: “Thông thường, khoảng tháng ba, tháng tư là thời kỳ đi biển thuận lợi nhất trong năm, thế nhưng không có nghĩa là cả chuyến không gặp sóng to. Những năm trước, chỉ qua mũi Ô Cấp (Vũng Tàu) vài hải lý là có người đã nôn thốc nôn tháo. Nhưng rất may những chuyến ra Trường Sa đợt này trời biển thật lặng yên, hy vọng sẽ không có ai bị say sóng”.

Vui chuyện, Chính trị viên Phiếm kể với tôi: Lực lượng tàu HQ 960 được thành lập ngày 15-12-1992, với chức năng là cứu hộ, cứu nạn trên biển, thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của trên. Từ đó đến nay, tàu đã hoàn thành 46 chuyến công tác, làm nhiệm vụ trực chốt giữ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam, cứu kéo trên biển, chuyên chở các phái đoàn công tác trên biển, trong đó có tới 26 chuyến chở các phải đoàn đi thăm, kiểm tra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và DK1. Tàu đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 11 năm liền tiếp được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Thành tích ấy của tàu có một phần không nhỏ là thực hiện nhiệm vụ ra Trường Sa.

Mặc dù đã mường tượng nơi cuối đường chân trời kia là Trường Sa, mảnh đất tiền tiêu lặng thầm và gian khó, nhưng tôi vẫn không thể ngờ biển trời của ta lại mênh mông đến thế. Ở nơi biển cả mênh mông, tôi thầm khâm phục và cũng rất đỗi tự hào trước ý chí, công tích từng ghi trong chính sử, rằng nhiều thế kỷ trước cha ông đã hiên ngang vượt sóng gió bằng những chiếc thuyền gỗ mỏng manh để khẳng định, bảo vệ chủ quyền và đem hơi thở, bản sắc người Việt lưu tồn chốn đảo xa…

Trong chuyến ra Trường Sa lần này, tôi cũng hiểu hơn công việc “bếp núc” của thuỷ thủ đoàn. Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Sâm và Trung uý quân nhân chuyên nghiệp Trần Thanh Hà, làm việc ở bộ phận máy và điện (còn gọi là ngành 5) dẫn tôi xuống hầm máy của tàu HQ 960. Trước mắt tôi là những thiết bị, đường ống, động cơ, nút điều khiển… rất hiện đại, tiếng máy chạy ầm ầm, hơi nóng phả vào mặt. Chiếc nhiệt kế trong buồng động cơ chỉ vào con số 43 độ C. Các anh bảo rằng vào những ngày trời nắng nóng, có khi nhiệt độ lên tới 48-49 độ C. Lực lượng đảm nhiệm công việc dưới hầm phải ngồi cách ly ở trung tâm điều khiển, có thể quan sát toàn bộ khoang máy qua vách ngăn bằng kính. Cứ khoảng 15 phút các thợ máy lại phải vào khoang máy kiểm tra các thông số kỹ thuật. Trung uý Hà giải thích: Đặc điểm làm việc dưới khoang máy là rất nóng, tiếng ồn to, khống khí ngột ngạt. Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh nào thì bọn em cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Chia tay các thuỷ thủ dưới hầm máy, tôi lọ mọ lên buồng lái. Ở đây tôi gặp Trung uý Phạm Văn Phương, Phó thuyền trưởng tàu HQ 960. Phương còn trẻ, gương mặt điển trai, rắn rỏi, năm nay mới hơn 30 tuổi nhưng đã từng tham gia chỉ huy trên 3 loại tàu: Tàu chiến, tàu vận tải và tàu cứu hộ, cứu nạn. Anh bảo, có những chuyến vận tải chở vật tư, nhu yếu phẩm ra Trường Sa, gặp thời tiết không thuận lợi, mất tới hơn 45 ngày mới thực hiện xong việc bốc dỡ hàng hoá từ tàu vào đảo. Nhờ rèn luyện và có sức khoẻ nên dù phải thực hiện các chuyến công tác dài ngày, điều kiện thời tiết lại khắc nghiệt, nhưng chưa bao giờ Phương bị say sóng hay “hắt hơi sổ mũi”. Chuyến đi dài nhất của Phương là cùng tàu HQ 960 đi trực chốt ở khu vực DK1, bảo vệ thềm lục địa phía Nam dài tới 75 ngày...

Cũng ngay tại buồng lái, tôi may mắn gặp Thượng tá Trần Văn Núi, Phó đoàn trưởng Đoàn M25. Vốn là thuyền trưởng, hàng chục năm lênh đênh trên biển nên cũng không ít lần vị chỉ huy này từng “nếm đòn sóng gió” khi ra công tác Trường Sa.

Anh kể:

- Tôi có 4 lần phải đối mặt với bão biển, trong đó đáng nhớ nhất là vào năm 1996, khi đưa tàu ra đảo Núi Le, thuộc quần đảo Trường Sa, gặp bão có sức gió mạnh tới cấp 8, cấp 9. Do sóng lớn quá, không thể buông neo được, chúng tôi phải cho tàu chạy vòng quanh đảo. Vật lộn, vòng tránh, lựa chiều, đè sóng, sau nhiều tiếng đồng hồ chống chọi, cuối cùng chúng tôi đã vượt qua”.

Như để tôi hiểu hơn một phần quá khứ vẻ vang của những con tàu thuộc Đoàn M25, Thượng tá Trần Văn Núi cho biết: Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với việc Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, Đoàn 759 (hay còn gọi là “Đoàn tàu không số - tiền thân của Đoàn M25 ngày nay - P.V) được thành lập để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong những năm tháng gian nan đó, những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với từng thủ đoạn của địch, sáng tạo ra nhiều phương án hoạt động độc đáo, táo bạo, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất mũi Cà Mau, thậm chí ngay sát cửa ngõ Sài Gòn, vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục nghìn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, góp phần chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam chiến đấu. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 4-1975, lực lượng của Đoàn đã tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Đoàn đã vinh dự hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân.

Đã 35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phòng, những chuyến tàu của lực lượng Hải quân Việt Nam, trong đó có Đoàn M25 nói chung và tàu HQ 960 nói riêng, vẫn vượt sóng gió đến với Trường Sa. Tôi hiểu rằng, đời sống của quân và dân Trường Sa ngày càng cải thiện, nâng cao; kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi trên đảo từng bước được đầu tư xây dựng; cán bộ, nhân dân trong đất liền ngày càng có dịp giao lưu, thăm hỏi, động viên quân dân huyện đảo nhiều hơn… chính là nhờ có những con tàu luôn hướng về Trường Sa - phía vầng dương trong mỗi sớm bình minh.

Lê Thiết Hùng (Ghi nhanh của phóng viên Báo QĐND từ đảo Đá Lớn-Trường Sa)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất