Thứ Năm, 19/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 30/6/2017 21:15'(GMT+7)

Những ‘cú hích’ đột phá cho du lịch đạt mục tiêu lớn

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh: VGP/Phương Liên

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh: VGP/Phương Liên

 Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn về những nỗ lực phát triển ngành du lịch, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành.

Nghị quyết số 08-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được coi là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành du lịch. Những điểm đột phá nhất của Nghị quyết 08 là gì, thưa ông? Nghị quyết này sẽ giúp giải quyết được những khó khăn và vấn đề còn tồn tại của ngành du lịch hay không?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Tổng cục Du lịch được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trong tình hình mới, theo chúng tôi, Nghị quyết 08-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã có nhiều nội dung đột phá.

Trong 5 quan điểm nêu tại Nghị quyết, có thể thấy có 3 quan điểm thể hiện sự đột phá trong tư duy chiến lược đối với sự phát triển du lịch của Việt Nam.

Một là, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Hai là, phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Ba là, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 08-NQ/TW đã chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém của du lịch Việt Nam. Về chủ quan, nhận thức về ngành du lịch của xã hội chưa đầy đủ, thiếu chính sách phù hợp để du lịch. Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, còn tư tưởng bao cấp. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng còn thiếu hiệu quả. Đầu tư cho du lịch còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức.

Lý do khách quan nằm ở bối cảnh cạnh tranh; tình hình chính trị, kinh tế thế giới bất ổn, khó lường: Khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Từ đó, nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đưa ra 8 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành du lịch. Đó là, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Trong đó cần nhấn mạnh, để du lịch có thể phát triển đạt được mục tiêu đề ra, cần thực hiện một cách đồng bộ cả 8 nhóm giải pháp. Không thể chỉ tập trung thực hiện một vài giải pháp đã nêu một cách riêng lẻ là có thể đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này xuất phát từ bản chất và đặc điểm của hoạt động du lịch.

Luật Du lịch vừa được Quốc hội thông qua đã có những tiến bộ gì so với Luật Du lịch 2005, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã có nhiều điểm mới và tiến bộ. Một trong những quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan như quy định về quản lý điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành… đều đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã quy định các chính sách phát triển du lịch cụ thể và có tính khả thi hơn so với Luật Du lịch 2005. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Đồng thời, Luật đã quy định một số chính sách đặc thù đối với các hoạt động du lịch theo mức độ được ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách hoặc được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ.

Sản phẩm du lịch là yếu tố cơ bản và quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch. Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã bổ sung quy định về quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch.

Đặc biệt, Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 có một điều quy định về du lịch cộng đồng, đây là một sản phẩm du lịch đặc thù, trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa du lịch của địa phương và tham gia, quản lý của cộng đồng dân cư.

Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 còn điều chỉnh điều kiện công nhận và thời điểm công nhận khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Dự kiến, sau khi Luật có hiệu lực thi hành, sẽ có nhiều khu du lịch, điểm du lịch được công nhận, góp phần quan trọng cho công tác quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch.

Xác định hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin văn hóa, lịch sử, kết nối các dịch vụ du lịch, chăm sóc khách du lịch góp phần nâng cao hình ảnh của quốc gia, địa phương, điểm đến, sự hài lòng của khách du lịch, Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện hành nghề và điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch đã được quy định chặt chẽ hơn. Ngoài việc có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên cũng có thể hành nghề hướng dẫn nếu có hợp đồng lao động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Việc hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch 2005 nhưng còn chung chung, chưa cụ thể về nguồn thu, thiếu tính khả thi, nên 10 năm qua không thể thành lập được Quỹ. Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã quy định cụ thể về địa vị pháp lý, mục đích, nguyên tắc hoạt động của Quỹ. Quỹ hỗ trợ phát triển được thành lập sẽ là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết khó khăn về nguồn lực tài chính hiện nay của ngành du lịch.

Ngành du lịch sẽ làm gì để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà Bộ Chính trị đã nêu, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Trước mắt, ngành du lịch đề xuất cần cải thiện mức độ ưu tiên về nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục nhập cảnh. Cụ thể là sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục tận dụng cơ hội của Năm APEC Việt Nam 2017 để tăng cường xúc tiến quảng bá tại chỗ và ở nước ngoài. Đề xuất triển khai ngay gói kinh phí khoảng 30 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến quảng bá sau khi Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được hình thành.

Đề xuất tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục nhập cảnh: Mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-Visa). Tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy; thời gian miễn thị thực trong 5 năm, thời gian lưu trú 30 ngày.

Tập trung quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm phục vụ cho khách du lịch, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18/CT-TTg, Chỉ thị 14/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa bằng cách tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu khách du lịch nội địa, nhất là vào các dịp cao điểm du lịch hè, nghỉ Quốc khánh 2/9 và các ngày nghỉ cuối tuần. Phát triển các sản phẩm mới ở cả các địa bàn trọng điểm kết hợp với khai thác các điểm đến mới gắn với du lịch biển và du lịch tự nhiên kết hợp văn hóa, lịch sử. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật và các lĩnh vực khác.

Về dài hạn, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án cụ thể nêu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Trong đó, ưu tiên cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững về môi trường, bảo đảm an ninh và an toàn, vệ sinh và phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ năng lực./.

Phương Liên - chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất