Thứ Năm, 19/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 28/6/2017 14:0'(GMT+7)

“Tài sản” quý nhất của gia đình

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đề cao giá trị đạo đức

Văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù, có chức năng kiểm soát, điều hành hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Theo TS. Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh con người. Chính vì thế, giữ gìn văn hóa gia đình cũng là góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ tiếp nối.


Trong gia đình, có ba mối quan hệ quan trọng cần được xây dựng, nuôi dưỡng và phát huy qua mọi thời đại. Đó là quan hệ ứng xử giữa vợ và chồng nên coi trọng sự chung thủy, tình nghĩa, sự hòa thuận, bình đẳng, quyền tự do, dân chủ của mỗi người… Quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái đề cập đến tinh thần thương yêu, sự hy sinh của cha mẹ cho con cái; sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Quan hệ ứng xử giữa con cháu với người cao tuổi là sự kính trọng, lễ phép, hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên… Ngoài các giá trị truyền thống, văn hóa ứng xử gia đình cần được bổ sung những giá trị thời đại như: Bình đẳng, tự do, dân chủ, nhân quyền, tiến bộ và hạnh phúc.

Đồng cảm và sẻ chia

Tuy nhiên, xã hội đã khác xưa, gia đình truyền thống giờ đã thay đổi để thích nghi với điều kiện xã hội hiện đại. Trong đó sự thay đổi lớn nhất chính là những giá trị văn hóa. TS. Hồ Bất Khuất, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, cho rằng, mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống ít dần đi, nhưng những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống vẫn được trân trọng và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối. Sự kính trên, nhường dưới, yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau, luôn được các thành viên trong gia đình gìn giữ. Phân tích vấn đề này, theo TS. Hồ Bất Khuất, thay đổi trước tiên ở văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. “Nếu như trước kia, bố mẹ luôn là người có tiếng nói rất quan trọng, thể hiện rất rõ quyền uy đối với con cái thì ngày nay, con cái đã được đối thoại, trao đổi với bố mẹ nhiều vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ không chỉ đơn thuần là những người bề trên dạy bảo con cái mà hơn thế, trong nhiều gia đình, cha mẹ còn là người bạn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái”.

Bên cạnh đó, giờ đây mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn luôn được coi là nhạy cảm, phức tạp trong gia đình truyền thống cũng đã thay đổi. Trong gia đình truyền thống, các bà mẹ chồng đều tỏ ra khắt khe với nàng dâu. Sự khắt khe này không xuất phát từ tình cảm mà xuất phát từ những quan niệm, nhận thức. Ngày nay, các nàng dâu được dễ chịu hơn vì quan niệm, nhận thức của cả xã hội đã thay đổi. Mối quan hệ này dần dần đã được cân bằng. Mẹ chồng nàng dâu tỏ ra hiểu nhau hơn, họ gần gũi và sẵn sàng sẻ chia với nhau hơn. Đây được nhận định là mấu chốt quyết định cho tính bền chặt hay lỏng lẻo của hạnh phúc mỗi gia đình. “Sự thay đổi nào cũng là quy luật. Nó thực sự có ý nghĩa khi đem đến một hơi thở mới, một luồng gió mới mang lại những giá trị văn hóa tích cực. Vấn đề đáng lưu tâm và cần được đề cao là sự đồng cảm, sẻ chia, niềm tin yêu và  hạnh phúc giữa các thành viên trong gia đình”, TS. Hồ Bất Khuất cho biết.

Gạn đục khơi trong

Sự thay đổi về giá trị văn hóa gia đình ngày nay có nhiều biểu hiện đáng mừng. Song bên cạnh đó, nhiều sự thay đổi đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt là những biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức. PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết, thời gian gần đây, những lùm xùm trong văn hóa ứng xử gia đình, những lệch chuẩn trong xã hội như hành xử thiếu đạo lý, thiếu chuẩn mực diễn ra khá nhiều. Có thể nói, câu chuyện các gia đình như một dòng chảy, những màu sắc, xung đột, va chạm theo xu hướng xấu đi của đời sống gia đình do nguyên nhân từ các hành vi liên quan đến tính vị kỷ, cách ứng xử thiếu văn hóa mà sâu xa là thói vô cảm trong đời sống. PGS. TS. Trịnh Hòa Bình khẳng định, làm thế nào để gạn đục khơi trong, hạn chế những hạt sạn nhức nhối, khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong gia đình không chỉ là nhiệm vụ của xã hội, mà nó còn là nhiệm vụ của mỗi con người, mỗi thành viên trong tổ ấm của mình.

Hạnh phúc là thứ tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Văn hóa gia đình xuất phát từ yêu thương, trân trọng nhau. Nếu hiểu, sẻ chia và tạo điều kiện cho nhau phát triển thì văn hóa gia đình mới có thể phát triển bền vững. Để giáo dục văn hóa gia đình tới từng thành viên, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa cộng đồng, theo bà Nguyễn Thị Thành, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục bằng hình thức tờ rơi, tổ chức nhiều chuyên đề về văn hóa gia đình, giáo dục cách sống, ứng xử của con người trong gia đình và xã hội. 


Hương Sen - Hồng Nhung (Báo ĐBND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất