Ixraen đang theo dõi sát sao những rối loạn xảy ra tại biên giới giữa Gaza và Ai Cập, nước đang lo ngại những vụ trả đũa bằng các thủ đoạn khác nhau vào biên giới nước mình nếu Hamas muốn phá vỡ gọng kìm mà họ đang chịu đựng. Nhà nước Do Thái không trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột giữa hai đối tượng trên song rất có thể bị động trước nguy cơ phải hấng chịu hàng loạt pháo gióng lên hồi chuông báo tử cho một giai đoạn bình yên hơn một năm.
Việc Ixraen rút quân khỏi dải Gaza năm 2005 và lệnh phong toả biên giới với Nhà nước Do Thái đến nay vẫn còn hiệu lực đã dẫn đến có hàng trăm đường hầm được đào chủ yếu nhằm vận chuyển lương thực, tiền và nhiều vũ khí, theo các cơ quan tình báo Ixraen, giúp cho Hamas có được sức mạnh sánh ngang với sức mạnh của lực lượng Hezbollah năm 2006. Chiến dịch Plomb Durci diễn ra vào tháng 1/2009, hay cuộc chiến tại dải Gaza, đã phá huỷ hơn hai nghìn dặm đường hầm, trong đó một số đã được đào lại. Các đợt không kích định kỳ do không quân Ixraen thực hiện không thể ngăn cản hoạt động buôn lậu trong bối cảnh việc đào hầm đã trở thành một hoạt động lợi lãi cho rất nhiều người dân Gaza và một nguồn thu cho các lãnh đạo Hamas.
Bức tường rào bằng thép
Từ lâu Ai Cập đã lựa chọn hình thức bị động, nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động buôn lậu trên để không bị các nước Arập chỉ trích và đặc biệt không để gây ra cảm giác đồng loã với Ixraen. Tuy nhiên, Ai Cập đã quyết định hành động và chấm dứt nạn buôn lậu bằng cách xây dựng tại biên giới nước mình một bức tường thép, sâu 18 mét nhằm mục đích cắt đứt các đường hầm đang tồn tại. Những máy khoan lớn, được các xe bọc thép vũ trang bảo vệ, khoan sâu xuống đất chôn những cọc thép để khoá chặt biên giới lâu dài. Sự điều chỉnh chính sách này nhằm giải thích cho thiện chí khuyến khích các lãnh đạo Hamas chấp nhận cử chỉ đối thoại của nhóm Fatah để cùng nhau chống lại chiến lược chính trị của Ixraen.
Tuy nhiên, lý do của Tổng thống Moubarak là nhằm hai mục đích. Trong khi bóp nghẹt Gaza, trước tiên ông cố gắng hỗ trợ Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas trong công cuộc chinh phục quyền lực bằng cách buộc Hamas phải thương lượng với Chính quyền Palextin. Mục đích thứ hai của ông là nhằm giữ trật tự trong nước trước ảnh hưởng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo đang xâm nhập vào cửa ngõ nước ông nhằm gia tăng các phong trào bảo thủ đang phát triển nhanh tại Ai Cập làm chao đảo chế độ của ông.
Hơn nữa, chính quyền Ai Cập cũng lo ngại một thế hệ những thủ lĩnh mới nổi lên, đã quyết định đổi mới hình thức thuyết giáo truyền thống bằng cách đưa vào những lời dạy hiện đại. Ai Cập, cái nôi lịch sử của đạo Hồi, không còn là đạo Hồi xuất thân từ chủ nghĩa dân tộc Arập những năm 1970, mà hiện là các tổ chức được xác định rõ ràng hoạt động ăn xổi ở thì như các tổ chức: Anh em Hồi giáo, Jihad hay Djamaa islamiya. Các nhà lãnh đạo Ai Cập lo ngại sự xích lại gần nhau giữa tổ chức Anh em Hồi giáo với nhóm Hamas.
Những đường biên giới hy sinh
Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit đã đứng trên một đường hầm và biện minh cho việc đóng cửa khẩu trên: “biên giới Ai Cập sẽ phải hy sinh và không một người Ai Cập nào cho phép người khác vi phạm bằng mọi cách”. Để bảo đảm khỏi bị công luận Arập chỉ trích, Tổng thống Ai Cập đã yêu cầu và nhận được sự đồng ý từ Đại học al Azhar của phái Sunni về việc đồng ý với quyết định đóng cửa biên giới. Giáo chủ Mohammed Tantaoui, Hiệu trưởng Đại học al Azhar đã xác nhận: “Ai Cập có quyền hợp pháp xây dựng một bức tường để ngăn chặn những điều có hại từ những đường hầm ngầm ở Rafah. Những ai chống lại việc xây dựng bức tường trên là vi phạm luật Hồi giáo”.
Nhóm Hamas khó có thể khoanh tay ngồi nhìn những nguồn thu nhập chính của mình bị mất. Theo thị trưởng Rafah Issa Nashar, hàng trăm đường hầm mang lại cho họ khoảng 2.500 USD mỗi ngày và có khoảng 15.000 người vận chuyển số lượng hàng hoá trị giá một triệu USD. Phản ứng trước việc Ai Cập xây dựng bức tường trên, Bộ Nội vụ Gaza đe doạ: “Mọi người muốn sống và có đồ ăn. Họ có thể làm bất kỳ điều gì. Nhưng tôi hy vọng sẽ không đến mức như vậy”.
Hamas đã cố gắng huy động công luận Arập và Hồi giáo bằng cách kích động các cuộc biểu tình trước đại sứ quán Ai Cập tại các nước anh em. Những người biểu tình có lời lẽ lăng nhục và giương cao chân dung Tổng thống Moubarak đội ông sao của thánh David.
Chiến dịch Plomb durci
Những sự kiện diễn ra hiện nay rất giống với những điều dự báo trước chiến dịch “plomb durci” tháng 1/2009. Việc bắn đạn pháo sẽ dẫn đến những hành động trả đũa và số lượng người chết do không quân Ixraen gây ra đã lên tới khoảng chục người trong một tuần. Việc Hamas nối lại các hành động thù nghịch dường như để thoả mãn ba mục tiêu.
Không thể buộc tội trực tiếp nước láng giềng Arập đang xây dựng bức tường để cô lập mình, những du kích Hamas cố gắng gây rối loạn trong khu vực để kích động người Ai Cập xem xét lại lập trường cố chấp của mình, vừa được thể hiện qua việc cấm các đoàn xe chở đồ viện trợ nhân đạo qua biên giới với Gaza.
Mục đích thứ hai gắn liền với các cuộc thương lượng để giải thoát cho binh sỹ Guilad Shalit, đang bế tắc. Thủ tướng Benjamin Netanyahou đã xác nhận ông sẽ không thay đổi lập trường. Ông không phải là người ủng hộ việc chấp nhận một điều ràng buộc mâu thuẫn với học thuyết không bao giờ thương lượng với những kẻ khủng bố của mình. Hôm 10/1, ông đã nói rõ rằng Ixraen sẽ không chấp thuận trả tự do cho “những biểu tượng của chủ nghĩa khủng bố” và xác nhận việc ngừng xây dựng các khu định cư sẽ không kéo dài quá 6 tháng đã dự kiến. Khaled Meshal, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas đã tuyên bố rằng tổ chức của ông sẽ đưa ra câu trả lời cuối cùng trong một vài ngày tới đối với đề nghị trao đổi tù binh của Ixraen. Trong khi thức tỉnh ở biên giới phía Nam, Hamas muốn nhắc lại kỷ niệm đẹp với các nhà đàm phán để họ hiểu rằng sẽ không bao giờ có bình yên nếu các điều kiện đặt ra không được tôn trọng đầy đủ. Tình hình bị phong toả và chúng ta có nguy cơ phải hấng chịu một loạt những quả pháo trả đũa sẽ có thể đẩy Nhà nước Do Thái phát động một cuộc can thiệp lớn chống Gaza để chấm dứt những quả đạn pháo của Hamas. Một hoàn cảnh tương tự đã trôi qua trong tháng 12/2009.
Trả đũa
Trong cuộc tấn công trả đũa diễn ra tối hôm chủ nhật (10/1) tại trung tâm dải Gaza, ba thành viên nhóm Djihad Hồi giáo đã bị giết. Một số chuyên gia Ixraen đưa ra giả thiết là tình hình tại biên giới với Ixraen nóng lên không phải do Thủ tướng Ismael Haniyé mà là do sáng kiến của nhóm Djihad Hồi giáo, giới lãnh đạo nhóm này đánh giá sai giai đoạn đình chiến bởi nghĩ rằng phía Ixraen đã cho quân đội phục viên. Điều này giải thích nạn nhân đều thuộc tổ chức trên.
Cuối cùng, việc Ixraen lắp đặt thành công hệ thống chống đạn pháo Kipat Barzel, được đưa vào tác chiến từ mùa hè này đẩy nhóm Hamas bị lộ diện trước hệ thống phòng thủ và hành động của nhóm du kích Hamas có nguy cơ bị vô hiệu hoá. Ngay lập tức nhóm Hamas đã phản ứng với việc lần đầu tiên giới thiệu những tên lửa mới được nhập qua các đường hầm “sẽ là một điều ngạc nhiên đối với Ixraen”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin quân sự Ixraen, không có điều gì mới mẻ từ tuyên bố trên, được đưa ra trong bối cảnh một chính sách đầu độc.
Tổng thống Mahmoud Abbas và những người Ai Cập không đồng tình với việc tiếp diễn những hành động thù nghịch gây thiệt hại cho mình và có nguy cơ làm hại dân thường Palextin. Ixraen đang tỏ ra lo ngại trước cuộc xung đột giữa Gaza và Ai Cập.
Thái Hà Theo báo SLATE.fr (Bài dịch)