Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 11/1/2010 21:9'(GMT+7)

WHO bác bỏ việc thổi phồng đại dịch H1N1

WHO tuyên bố từ trước đến nay họ luôn kiên định nhấn mạnh đại dịch cúm H1N1 là ở mức vừa phải. Việc tuyên bố tình trạng "đại dịch" là do được đưa ra trong một bối cảnh hoàn toàn không chắc chắn.

WHO tuyên bố từ trước đến nay họ luôn kiên định nhấn mạnh đại dịch cúm H1N1 là ở mức vừa phải. Việc tuyên bố tình trạng "đại dịch" là do được đưa ra trong một bối cảnh hoàn toàn không chắc chắn.

Tuyên bố chính thức của WHO được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban y tế Hội đồng châu Âu nhận định WHO bị thao túng bởi các công ty dược lớn để đưa ra khuyến cáo về một đại dịch giả, nhằm giúp các công ty này kiếm tiền - nhận định khiến Hội đồng châu Âu phải chọn ngày để thảo luận về vấn đề này.

"Chỉ trích là một phần trong chu trình bùng phát dịch. Chúng tôi lường trước được điều này. Sẽ rất tốt cho nền y tế công cộng nếu sự chỉ trích nêu bật được khuyết điểm cần chỉ ra. Mặt khác nó cũng có thể gây hại, nếu những khẳng định vô căn cứ ngấm ngầm huỷ hoại khuyến cáo có lợi cho sức khỏe cộng đồng", Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết.

Ông cũng khẳng định chức năng quan trọng của WHO là cung cấp tư vấn độc lập cho các quốc gia thành viên, ngăn ngừa ảnh hưởng trước bất kỳ mối lợi nào.

Trước cáo buộc WHO đã bị chi phối để tuyên bố một căn bệnh nhẹ là "đại dịch", phát ngôn viên của WHO cho biết tổ chức này đã "không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ dịch bùng phát".

Cụ thể, một đại dịch được công bố khi có các vụ bùng phát dịch ở cấp độ cộng đồng được xác nhận do một loại virus cúm mới gây ra, lây truyền từ người sang người, tại ít nhất là hai quốc gia trên hơn một vùng do WHO quản lý.

"Một số nhầm lẫn có thể xuất phát từ thực tế là đã có một tài liệu trên trang web của WHO trong một vài tháng có nói rằng một đại dịch có thể bao gồm 'số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong'. Thông tin này đã được gỡ bỏ sau khi chúng tôi lưu ý. Thông tin này không bao giờ là một phần trong định nghĩa chính thức về một đại dịch và chưa bao giờ là một phần trong các tài liệu gửi tới các quốc gia thành viên... Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự nhầm lẫn mà thông tin này gây ra", đại diện WHO lý giải.

"Trong giai đoạn đầu bệnh bùng phát, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO đã phải có những hành động và khuyến nghị", đại diện tổ chức này trả lời cho câu hỏi đại dịch có bị thổi phồng hay không.

Cũng theo ông Jean-Marc Olivé, từ trước tới nay, WHO luôn nhấn mạnh đại dịch cúm H1N1 là ở mức vừa phải, và rằng đại đa số bệnh nhân mắc ở thể nhẹ và có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần điều trị.

Về vấn đề WHO "bắt tay" với các chuyên gia của các công ty dược phẩm - là những nhà sản xuất thuốc, văcxin - tổ chức này cho biết họ cộng tác với nhiều chuyên gia để có những dữ liệu cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề y tế công cộng.

"WHO có những hệ thống sẵn có để bảo vệ chống lại các xung đột quyền lợi tiềm tàng giữa các chuyên gia trong các nhóm tư vấn của mình. Đồng thời yêu cầu tất cả các chuyên gia tư vấn cho tổ chức phải tuyên bố tất cả các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính".

Sau cùng, lý giải cho việc khuyến cáo tiêm chủng H1N1 trên diện rộng, WHO cho biết đó là bởi "chúng tôi cần những công cụ tốt nhất và các giải pháp tốt nhất để bảo vệ tính mạng con người - và những công cụ đó bao gồm các văcxin và thuốc kháng virus".

Châu Âu tìm cách tống khứ văcxin phòng cúm

Trong bối cảnh có những nghi ngờ về tính trung thực của các công ty dược phẩm, lẫn của tổ chức y tế lớn nhất thế giới, các quốc gia châu Âu đang cố gắng lèo lái để tránh bị "ngập lụt" trong các kho dự trữ văcxin H1N1.

Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ... đang nối đuôi nhau cắt giảm các kho dự trữ văcxin H1N1 thừa mứa, trước nhu cầu ngày càng thấp của dân chúng, theo trang swissinfo.ch

Đầu tuần trước, Pháp tuyên bố muốn hủy 50 triệu trong số 94 triệu liều văcxin mà họ đã đặt hàng, do cung nhiều hơn cầu.

Ban đầu, Pháp dự kiến dành 869 triệu euro cho 94 triệu liều văcxin, dự đoán rằng mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi. Nhưng đến nay, chỉ có 5 triệu người trong tổng số 65 triệu dân Pháp đã đi tiêm phòng, và các quan chức y tế châu Âu còn cho biết tiêm một mũi là đủ.

Động thái của Pháp được đưa ra sau các quyết định của Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan hồi tháng trước, nhằm cân nhắc lại nhu cầu về văcxin thực tế.

Thụy Sĩ, với 7,7 triệu dân, đặt hàng 13 triệu liều từ hai công ty GlaxoSmithKline và Novartis, với tổng chi phí 81 triệu đôla. Tháng 12 vừa qua, chính phủ nước này cho biết họ dự kiến sẽ tặng lại cho Tổ chức Y tế Thế giới hoặc bán lại cho các quốc gia khác phần dư 4,5 triệu liều do nhu cầu của dân chúng thấp.

Trong khi đó, Đức cũng đang cố gắng giải phóng các kho chứa và thương lượng lại các hợp đồng đã đặt mua trong giai đoạn đầu của dịch. Tuần qua, nước này đã bắt đầu thảo luận với công ty dược GlaxoSmithKline về việc cắt giảm 50% trong tổng số 50 triệu liều văc xin sẽ được cung cấp.

Trong khi đó, Hà Lan thông báo hồi cuối năm trước rằng họ sẽ bán 19 trong số 34 triệu liều đã mua về.

Tây Ban Nha cũng đang tìm cách để hoàn trả số văcxin không sử dụng. Nước này cho biết các hợp đồng với ba công ty dược phẩm lớn đã có điều khoản cho phép hoàn trả lại nếu họ chứng minh được là không cần thiết.

Anh cũng đang cân nhắc tới việc bán số văcxin dư thừa.

VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất