Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 31/5/2016 10:50'(GMT+7)

Những địa chỉ giúp người nghiện “đoạn tuyệt” với thuốc lá

Ảnh minh họa. (Nguồn: thedesigninspiration.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: thedesigninspiration.com)

Thuốc lá là thủ phạm gây ra 25 loại bệnh tác động kinh khủng tới sức khỏe của con người. Hiện nay, rất nhiều người đang hút thuốc lá đang quyết tâm từ bỏ.

Sau một năm nỗ lực thành lập các trung tâm cai nghiện thuốc lá, có hàng nghìn cuộc gọi tới các số điện thoại tư vấn từ bỏ thuốc lá và đây đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người muốn “đoạn tuyệt” với thuốc lá.

10.000 cuộc gọi xin tư vấn cai thuốc lá

Đề cập đến công tác cai nghiện thuốc lá được triển khai trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay: Năm 2015, Quỹ đã thành lập Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai với đường dây tư vấn cai nghiện thuốc lá (1800-6606).

Qua một năm đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10.000 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện. Trên cả nước, công tác tư vấn cho người hút thuốc lá bỏ thuộc được triển khai đồng thời các bệnh viện như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu người đang hút thuốc lá và nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút, phân nửa chết trong tuổi trung niên hoặc mất đi khoảng 20 năm tuổi thọ.

Trước những nguy cơ và hiểm họa về sức khỏe như vậy, có không ít người đã từng rơi vào hoàn cảnh: Bỏ thuốc lá hay không bỏ? Có thể dùng ý chí của bản thân? Có nhiều người đàn ông tâm sự rằng họ phải dùng ý chí thép để cai thuốc lá​, bởi đây là cả quá trình rất khó khăn và gian nan.

Anh N. N. C. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh đã hút thuốc gần 20 năm và hay bị vợ con cằn nhằn về thói quen này. Anh C. tâm sự đã rất nhiều lần anh cố gắng bỏ nhưng vẫn chưa vượt qua được chính mình vì sự cám dỗ của khói thuốc lá từ những người hút xung quanh.

Cách đây hai năm, anh bị một trận ốm vì viêm họng nặng, bác sỹ khuyên anh C. nên từ bỏ thuốc lá. Qua trận ốm đó, anh C. quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Anh kể: “Nhiều khi cũng bị cơn thèm thuốc lá nó hành hạ nhiều, nhưng sau vài tháng là tôi bỏ được. Vợ con và bố mẹ đều mừng.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được như anh C.

Nhiều địa chỉ tư vấn bỏ thuốc lá

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong một năm hoạt động đầu tiên, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá của bệnh viện đã có 9.000 cuộc gọi đến, trong đó có gần 2.500 cuộc gọi/bệnh nhân được tư vấn qua điện thoại.


Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Vietnam+)

Một cơ sở khác là tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền đã được mở tại bệnh viện từ năm 2015. Tính từ cuối 2015 đến nay, có khoảng 200 cuộc gọi tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại được gọi đến bệnh viện. Đến nay, tại bệnh viện đã có 80 người được hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Khảo sát 300 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hút thuốc lá đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, 91% đối tượng có hút thuốc lá/thuốc lào và điều đặc biệt là có tới gần 82% đối tượng đã từng có ý định cai thuốc. 89% đối tượng muốn có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá và 64% đối tượng muốn nhận tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí qua điện thoại.

Về nhu cầu tiếp cận dịch vụ cai nghiện và tư vấn cai nghiện, có 57% số người được hỏi khẳng định họ sẵn sàng bỏ tiền để được tư vấn bỏ thuốc.

Với điều kiện hiện nay, với sự ra đời của các trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá sẽ giúp người hút thuốc lá có thêm động lực để từ bỏ.

Theo phó giáo sư Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, hơn 10 năm trước Bệnh viện đã phối hợp với các bác sỹ Hàn Quốc thực hiện nghiên cứu hỗ trợ người nghiện vượt qua hội chứng cai, bằng biện pháp nhĩ áp (dán cao thuốc vào huyệt trên loa tai). Bên cạnh đó, các bác sỹ của bệnh viện cũng áp dụng các bài thuốc bổ trợ nằm nâng sức khỏe, tăng sức đề kháng, bổ khí bổ huyết… cho người cai nghiện thuốc lá.

Kết quả của đề tài kéo dài 3 năm phối hợp với Hàn Quốc trên cho thấy, hiệu quả là khoảng 70-80% người cai nghiện thuốc lá không hút lại trong thời gian 3 tháng.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sắp tới có thể 63/63 bệnh viện tỉnh, thành phố sẽ triển khai tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thông qua các bác sỹ nòng cốt vừa được đào tạo từ Trung tâm tư vấn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Địa chỉ hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuốc lá

1. Bệnh viện Bạch Mai:

Tổng đài tư vấn và hỗ trợ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí: 1800 6606

Thời gian làm việc: Từ 8:00 đến 22:00 các ngày trong tuần (Cả thứ 7, Chủ nhật, trừ ngày nghỉ lễ)

2. Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Sô tổng đài tư vấn hỗ trợ trợ cai nghiện thuốc lá: 1800 1214; Có 05 máy điện thoại đặt tại 05 khoa/phòng (Khám bệnh, Hô hấp, Phòng Hành chính nhân sự…)

Đã có phòng khám tư vấn đặt tại khoa khám bệnh.

3. Bệnh viện Trung ương Huế

Có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại khoa khám bệnh

4. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Đã có phòng tư vấn đặt tại phòng khám ngoại trú và tổng đài tư vấn qua số điện thoại 04 3632 0630.

(Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất