Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 16/11/2010 11:0'(GMT+7)

Những đứa trẻ lớn lên dưới mái chùa.

Chăm sóc trẻ em ở chùa Bồ Đề

Chăm sóc trẻ em ở chùa Bồ Đề

Những trẻ em lớn lên dưới mái chùa ấy, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau: Có những trẻ ra đời ngoài ý muốn cuả người đã tạo ra chúng, có thể do cha mẹ chúng còn quá trẻ, chưa thể đủ kinh nghiệm và điều kiện nuôi con nên đã chọn giải pháp bỏ con mình trước cổng chùa hay một chỗ công cộng nào đấy, mong con mình có được chốn nương thân tốt. Lại có những em khi chào đời có đầy đủ cha mẹ ở bên, nhưng do hoàn cảnh xô đẩy, các em đã phải đi “bụi”, bất đắc dĩ trở thành trẻ lang thang cơ nhỡ, được nhà chùa đón nhận và cho đi học. Cá biệt có những em do sức khoẻ yếu, bố mẹ muốn cho “dễ nuôi” đã “bán khoán” cho đức phật, đến 12 tuổi thì làm lễ “chuộc” về. Có những em do gia đình đông con, quá khó khăn, bố mẹ đã nhờ cậy nhà chùa nuôi nấng giúp, hàng tháng có lên thăm nom và chu cấp thêm... Tóm lại mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều cùng sống dưới mái chùa, trong sự bao bọc dạy dỗ cuả những vị sư giàu thiện tâm.

Có muôn vàn khó khăn đến với các em cũng như những người đang nuôi dạy chúng. Điều kiện ăn uống ở nhà chùa là chay tịnh, các em chưa quen với chế độ ăn uống này, dinh dưỡng chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển cuả lứa tuổi. Các ni sư đều là người có thiện tâm, nhưng là người tu hành nên chưa hề nuôi con, vì thế kinh nghiệm nuôi trẻ chưa có. Có những trẻ sơ sinh mắc những bệnh thường gặp của lứa tuổi, những trạng thái sinh lý cuả cơ thể như vàng da sinh lý, mọc răng, lên sởi... thì các sư đều rất lúng túng và lo lắng khi chăm sóc các em, lại phải nhờ đến các bà mẹ trong dân truyền đạt lại kinh nghiệm .Việc học tập cuả các em cũng không được thuận lợi như trẻ khác. Các em đều được gửi đến một trường học nào đấy ở gần chừa để học văn hoá . Nhưng đấy là phần học chính khoá taị trường. Còn việc kèm cặp ở nhà buổi tối thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà sư thường là người học vấn tinh thông, nhưng đó là kiến thức về phật pháp, còn tâm sinh lý lứa tuổi cuả các em thì chưa biết nhiều, kiến thức văn hoá và phương pháp học cải cách lại mới nên sự dạy dỗ kèm cặp những cháu này phần lớn trông chờ cả vào các thầy cô giáo ở trường.

Mặt khác, vì ở chùa nhiều nên cách giao tiếp xưng hô cuả các em có phần lạ lẫm. Tôi đã từng được một số học trò mặc aó nâu “bạch thầy”. Tôi thì không sao nhưng các em học trò trong lớp cười ồ lên khiến “trò áo nâu” xấu hổ, hôm sau không đến lớp. Lại phải nhờ cô giáo chủ nhiệm đến chùa động viên em đi học tiếp tục. Các em giao lưu với bạn bè cùng trang lứa vẫn còn nhút nhát, thiếu tự tin. Mọi hoạt động xã hội bên ngoài chủ yếu chỉ là tham gia những hoạt động do nhà trường tổ chức. Do ít được giao lưu với bên ngoài nên dễ tin ngươì, rất dễ bị lừa. Tuy được chăm sóc về vật chất, có chỗ ăn ở tránh nắng tránh mưa, nhưng do một số lý do trên nên việc nuôi nấng dạy dỗ các em còn hạn chế. Các em rất cần có một gia đình với đầy đủ các thế hệ, có sự nuôi nấng dạy dỗ cuả bố mẹ và được giao lưu tham gia các hoạt động xã hội như một trẻ bình thường khác.

Có rất nhiều mái chuà đã cưu mang các đối tượng trẻ em như thế. Chỉ riêng ở xã Đức Thượng ( Huyện Hoài Đức - Hà Nội) có 7 ngôi chùa ở 7 thôn thì có đến 4 chùa nuôi trẻ em lang thang cơ nhỡ. Chùa Cựu Quán có đến 6 em sống cùng các sư tại chùa. Ngoài ra sư thầy Thích Diệu Bản còn nhận đỡ đầu một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bằng những suất học bổng hàng năm. Chùa Linh Tiên thôn Cao Xá cũng cưu mang 4 em đều đang ở tuổi cấp tiểu học. Chùa Diên Phúc thôn Thượng Thuỵ cũng cưu mang gần chục em đang tuổi đi học. Sư thầy Thích Đàm Linh ở chùa Mậu Hoà xã Minh Khai (Hoài Đức - Hà Nội) cũng cưu mang 3 em nhỏ đều đang tuổi cắp sách đến trường. Chùa Diệu Pháp ( Ấp Tân Cang - xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do sư cô Huệ Đức trụ trì đã cưu mang rất nhiều trẻ em nghèo suốt 27 năm qua... Và còn biết bao trẻ em lang thang cơ nhỡ được các sư thầy đón về chăm sóc, cho đi học bằng chúng bạn cùng trang lứa. Tất cả các em này đều được cắp sách đến trường học cùng các bạn. Cô giáo Phạm Thị Hà - hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thượng cho biết: nhiều năm nay, nhà trường đều tiếp nhận những trẻ em được các nhà chùa trong xã nuôi nấng đến học. Biết được khó khăn cuả các em và nhà chùa, trường đã miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho các em, và quan tâm đến các em hơn những em khác để bù đắp lại phần nào những thiệt thòi mất mát về tinh thần mà tuổi thơ các em sớm phải gánh chịu. Năm nay, trường Tiểu học Đức Thượng tiếp nhận 8 em ở tất cả các khối lớp. Có những em học rất thông minh, đạt học sinh giỏi như em Thanh ( chùa Linh Tiên), em Tiến (chùa Cựu Quán), em Đạt (chùa Diên Phúc)... Nhìn những học trò mặc quần áo nâu bên cạnh những em mặc đồng phục quần xanh áo trắng cuả trường, ta không khỏi chạnh buồn và thương cảm. Dù sao các em cũng còn may mắn hơn rất nhiều những bạn cùng tuổi đang phải bán báo, đánh giày, tự bươn chải vật lộn với cuộc sống để kiếm kế sinh nhai và lo lắng cho bản thân, tự đối phó với biết bao cạm bẫy đang rình rập. Và cũng thật đáng trách những bậc sinh thành ra các em đã không lo lắng cho các em được đến nơi đến chốn.

Những đứa trẻ lớn lên dưới mái chùa có biết bao khó khăn cần đến sự giúp đỡ chung tay của cộng đồng. Hy vọng sẽ có thêm chính sách cụ thể đối với những học sinh này, có một chế độ ưu tiên đặc biệt đối với các em khi thi vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và học nghề. Để những trẻ có hoàn cảnh kém may mắn này có được một cuộc sống tốt hơn, sớm hoà nhập với cộng đồng xã hội, rất cần sự chung tay góp sức cuả tất cả chúng ta.

(Nguyễn Thị Diệp - Trường THCS Cát Quế B - Hoài Đức - Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất