(TG) - Thực tâm mà nói, con người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng mà giữ được cách ứng xử nhã nhặn, mềm mỏng, uyển chuyển trong các mối quan hệ nội bộ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu ai đó mà nhã nhặn đến mức nhu nhược, mềm mỏng đến mức yếu đuối, uyển chuyển đến mức nhún nhường, lùi bước, thì đấy lại là một tính cách “ba phải” rất tầm thường, nếu không muốn nói là xu thời, cơ hội.
Hai ông bạn già hưu trí ngồi hàn huyên với nhau về thời cuộc, nhân tình thế thái. Cuộc trò chuyện của họ bỗng trở nên sôi nổi khi ông giáo già hỏi:
- Trong số các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, ông quan tâm đến biểu hiện suy thoái nào nhất?
- Đáng quan ngại nhất, theo tôi, đó là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”!
- Vì sao ông lại quan ngại nhất về biểu hiện này?
- Thì như ông biết đấy, trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị, người tốt, người xấu đều dễ nhận diện cả. Nhưng những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là hạng người ẩn chứa khá nhiều điều khó lường cả về nhận thức, tư tưởng, thái độ và hành vi. Nói là “khó lường” vì nhận thức của họ tuy không nông cạn, nhưng dễ lắt léo; tư tưởng tuy không hẳn lệch lạc, nhưng hay bấp bênh; thái độ chưa đến mức lạnh lùng, vô cảm, song lại nửa vời, “lá mặt lá trái”; hành vi chưa đến mức tồi tệ nhưng cũng thiếu sự đứng đắn, chuẩn mực cần thiết của một nhân cách chân chính.
- Từng là cán bộ lãnh đạo, ông có thể phác họa đôi nét về đặc điểm chung của hạng người này không?
- Những người này thường được gọi với những cái tên như “người trung gian”, “người ba phải”. Họ có đặc điểm chung là ngại va chạm, né đấu tranh, mũ ni che tai, “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, lúc nào cũng thực hiện triệt để phương châm “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào che chiều ấy” để hành xử với mọi người. Cách sống này mới thoạt nhìn bề ngoài thì tỏ vẻ thân thiện vì không làm mất lòng ai, nhưng thực tế đã gây ra không ít hệ lụy cho tổ chức, cơ quan, đơn vị. Do luôn đứng ở tâm thế “giữa dòng nước”, “ngã ba đường” nên họ thường không có một thái độ nhất quán trong đối nhân xử thế, mà thực chất cách quan niệm và hành xử của họ là làm lu mờ ranh giới, thậm chí có lúc đánh đồng giữa phải - trái, đúng - sai, thật - giả, hay - dở... Nguy hại của những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” còn biểu hiện ở chỗ, vì thiếu nhất quán trong suy nghĩ và việc làm, tư tưởng và hành động, thái độ và hành vi, mà họ có thể thay đổi lập trường bất cứ lúc nào, miễn là sự thay đổi đó mang lại lợi ích cho bản thân họ. Mặt khác, do không bao giờ dám bày tỏ chính kiến rõ ràng của mình nên những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” đã vô hình trung cổ vũ, tiếp tay cho lối sống xu thời, cơ hội, sẵn sàng làm “tấm bình phong” che đỡ những kẻ tài hèn đức mọn; đồng thời không tạo chỗ dựa, động lực, niềm tin phấn đấu vươn lên cho những nhân tố tích cực, những con người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Vậy, theo ông, làm sao để có thể ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế những thái độ, hành vi “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay?
- Tôi cho rằng, còn tồn tại những biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là hầu hết xuất phát từ việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị duy trì chế độ tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, thực chất. Do đó, để khắc phục tình trạng này thì đương nhiên phải “xốc” lại tinh thần tự phê bình và phê bình với quan điểm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cho dù sự thật ấy có phần đau đớn và ít nhiều làm tổn thương đến lòng tự trọng của người vi phạm, nhưng đó là cách làm hiệu quả nhất để ngăn ngừa sai phạm, góp phần giúp đỡ người vi phạm khuyết điểm có cơ hội tiếp tục phấn đấu tiến bộ. Nhưng để chế độ tự phê bình và phê bình được thực hiện hiệu quả, thực chất, thì tinh thần công minh, thái độ dũng cảm, bản lĩnh mạnh mẽ và ý thức nhân văn của bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị giữ vai trò quyết định. Công minh để nhận định, phân minh rõ phải -trái, đúng - sai; dũng cảm để sẵn sàng nhận diện và tự giác loại bỏ “gót chân a-sin” trong chính con người mình; mạnh mẽ để không lùi bước, nhân nhượng trước những sai trái của chính mình và đồng đội, cấp dưới; và nhân văn để không rơi vào tình trạng tả khuynh thái quá, vì tự phê bình, phê bình liên quan đến con người, dù thẳng thắn, nghiêm túc đến mấy nhưng phải trên tinh thần “thương yêu đồng chí lẫn nhau” như Bác Hồ đã dạy.
Nghe ông bạn nói vậy, ông giáo già nói như giãi bày, tâm sự: Thực tâm mà nói, con người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng mà giữ được cái đạo ứng xử nhã nhặn, mềm mỏng, uyển chuyển trong các mối quan hệ nội bộ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu ai đó mà nhã nhặn đến mức nhu nhược, mềm mỏng đến mức yếu đuối, uyển chuyển đến mức nhún nhường, lùi bước, thì đấy lại là một tính cách “ba phải” rất tầm thường, nếu không muốn nói là xu thời, cơ hội. Muốn bớt đi những hạng người này, thì vấn đề căn cơ nhất là các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải quan chăm lo xây dựng bầu không khí thật sự nhân văn, dân chủ, lành mạnh, làm cho cái tốt, cái hay, cái đẹp có điều kiện nảy nở, phát huy và người tốt, người tài, người tích cực có chỗ dựa vững vàng để yên tâm làm việc, cống hiến và trưởng thành. Khi có môi trường phấn đấu lành mạnh gắn với kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ nghiêm minh sẽ làm cho cái dở, cái sai, cái xấu không có cơ hội tồn tại, “lộng hành” và những người có thái độ “ba phải”, tư tưởng “nước đôi”, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” cũng phải dần “co cụm lại” trước sức mạnh chân chính của tập thể, cơ quan, đơn vị./.
Thiện Văn