Hình ảnh người mẹ luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của bao thế hệ nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ... Bằng ngôn ngữ riêng của từng loại hình nghệ thuật, hình ảnh người mẹ được khắc họa, ngợi ca dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong âm nhạc, hình ảnh người mẹ không chỉ được thể hiện qua giai điệu ngọt ngào, thiết tha, êm đềm, sâu lắng, trữ tình mà còn được khắc họa qua ca từ đã được các tác giả gọt giũa, chắt lọc.
Mẹ yêu con - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Ca khúc “Mẹ yêu con” được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác vào năm 1956 trong niềm hạnh phúc đón cô con gái nhỏ chào đời. Song giá trị của ca khúc không chỉ dừng lại ở đó. “Mẹ yêu con” là bài ca hoà quyện nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống của dân tộc vào đời sống nhân dân một cách tự nhiên và đồng điệu, một khúc ca đằm thắm, mạnh mẽ về người phụ nữ Việt Nam.
Ca khúc đem lại cho người nghe cảm giác bình yên và ngọt ngào ngay từ những nốt nhạc và ca từ đầu tiên, dường như yêu thương về tràn ngập… Ca khúc ấy man mác giai điệu hát ru của đồng bằng Bắc bộ, một âm hưởng mênh mang, bàng bạc, sâu lắng và nồng nàn những ca từ và giai điệu ngọt ngào, hoà quyện và tràn đầy tình yêu, từ những điều bình dị, gần gũi đến những điều lớn lao. Ai đó không quá khi ví von “Mẹ yêu con” như một khúc sử thi về tình mẫu tử hoà quyện trong niềm khát khao hòa bình và tình yêu đất nước.
Lòng mẹ - Nhạc sĩ Y Vân
Phần nhạc không cấu trúc cầu kỳ, phần lời bình dị nhưng rất giàu hình tượng, có thể nói, “Lòng mẹ” cũng là một trong những bài hát Việt Nam ca ngợi tình mẫu tử hay nhất. Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Lòng mẹ”, nhạc sĩ Y Vũ (em ruột Y Vân) kể: "Những năm cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi đại hồ cầm (đàn Contrabass) cho các nhà hàng ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi mẹ già và 2 em (1 gái, 1 trai) ăn học. Nhà chúng tôi ở cư xá Đô Thành, mỗi đêm khi anh đi chơi nhạc, mẹ tôi ở nhà bê thau quần áo của anh ra giặt ở máy nước công cộng. Có một đêm, bà giặt đến 2 giờ sáng thì... bị cảnh sát bắt vì tội... phá lệnh giới nghiêm! Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện, vừa khóc vừa viết một mạch: "...Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ... Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương...". Viết xong, anh hát cho mẹ nghe và bà đã khóc... (1959)".
Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con anh nương náu trong một túp lều ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.
Nhạc sĩ Y Vân mất ngày 28/11/1992. Đứng trước quan tài của ông, mẹ ông không khóc mà chỉ nói: "Người đời thường bảo: Con "đi" trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ không trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài “Lòng mẹ”...
Bông hồng cài áo - Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
Ca khúc “Bông hồng cài áo” ra đời từ ý tưởng những lời khuyên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường vang lên trong mỗi ngôi nhà, ngôi chùa khi tới mùa Vu lan. Ca khúc này của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã trở thành ca khúc quen thuộc trong nền âm nhạc Việt Nam.
Được biết, trong dịp về thăm Việt Nam đầu năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tặng tuỳ bút “Bông hồng cài áo” của mình cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Trong tuỳ bút của mình, ông tâm sự: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi đã viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho đời tôi rồi! Lớn lên đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ, bài nào cũng hay. Người viết dù không tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ trong ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ…”.
Phạm Thế Mỹ cũng là nhạc sĩ có nhiều ca khúc, trường ca về Phật giáo. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15/11/1930 tại An Nhơn, Bình Định, mất ngày 16/1/2009 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau một thời gian dài bị bệnh. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Bông hồng cài áo, Thuyền hoa, Đường về hai thôn, Tóc mây, Tàu về quê ngoại, Thương quá Việt Nam, Người về thành phố, Nắng lên xóm nghèo... Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là em ruột của nhà thơ Phạm Hổ.
Mừng tuổi mẹ - Nhạc sĩ Trần Long Ẩn
Có người nói rằng, nhạc sĩ Trần Long Ẩn có duyên nợ với những số phận, những hoàn cảnh đặc biệt và vì thế mà các ca khúc của ông vừa mang tính điển hình vừa nằm trong “vùng trời riêng” của người sáng tác. Không mấy ai trong đời không một lần nghe hoặc hát “Mừng tuổi mẹ”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn tâm sự: “Bài hát này chính là món quà tôi sáng tác để dành tặng mẹ tôi và cảm ơn trời phật, bà đã được nghe bài hát trước khi qua đời…”.
Có thể thấy, “Mừng tuổi mẹ” là cả một quá trình tích luỹ cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ về người mẹ thân yêu của tác giả. Đã có nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước viết về người mẹ thành công. Đó là một đề tài chứa đựng nguồn cảm xúc vô tận. Riêng đối với Trần Long Ẩn, tác giả chọn cách thể hiện khác về người mẹ, gần như là nghịch lý nhưng đó là một sự thật hiển nhiên, mọi người đều thấy rõ. Nhạc sĩ quan niệm, cứ mỗi lần Tết đến, mọi người Việt Nam đều mừng tuổi cha mẹ của mình. Nhưng anh không thể mừng tuổi mẹ được, vì cứ mỗi một năm, một mùa xuân sang rồi những năm tháng tiếp theo, sự chia xa giữa người mẹ với tác giả ngày một nhiều hơn. Vì thế, trước sự thật không theo ý muốn của con người như vậy, nhạc sĩ cũng phải dựa vào niềm tin như một huyền thoại: luôn luôn tin tưởng mẹ của mình còn trẻ trung như khi anh còn thơ bé: “Tôi vẫn phải tin, mẹ tôi còn trẻ…”.
Bài hát ra đời cách đây hàng chục năm, với giai điệu sâu lắng, với lời ca mộc mạc, chân chất như một người mẹ quê: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng…”, đã gieo vào lòng người nghe nỗi thương cảm, xúc động đến rơi nước mắt, nhưng đây là những giọt nước mắt thấm đậm tình mẫu tử chứ không bi luỵ… Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhận được nhiều thư của thính giả gửi về cảm ơn tác giả đã nhắc nhở họ có ý thức hơn về trách nhiệm với cha mẹ mình…
Có thể nói, “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chính là sự biểu hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nhớ về cội nguồn, nhớ về những đấng sinh thành. Bài hát không chỉ có ý nghĩa đối với những người đang sống mà cả đối với những người đã khuất. Hơn thế nữa, còn để mọi người hôm nay có dịp soi rọi mình sống có ý nghĩa, có tình với nhau, với cha mẹ, xứng đáng với truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mẹ yêu - Nhạc sĩ Phương Uyên
"Mẹ yêu" được Phương Uyên sáng tác năm 1998 lấy cảm xúc từ chính người mẹ của mình. Nói về bài hát này, Phương Uyên từng chia sẻ: “Cảm xúc sáng tác bài “Mẹ yêu” của Phương Uyên đã được ấp ủ, nung nấu từ những ngày đầu mới thành lập ban nhạc. Những kỷ niệm sâu sắc về người mẹ luôn luôn là nguồn động viên lớn lao cho những bước phát triển của ba chị em Phương Uyên, Cẩm Tú, Ngọc Diệp”.
Phương Uyên nhớ lại: “Khi sáng tác xong bài hát “Mẹ yêu”, tôi đã mời mẹ sang phòng khách để hát cho mẹ nghe. Nghe xong hai mẹ con ôm nhau khóc”. Kể chuyện về mẹ, đã có lần Cẩm Tú - cô em thứ hai của Phương Uyên tâm sự: “Mẹ em là người chịu nhiều vất vả, những ngày tháng cực khổ đó, bà làm công nhân xí nghiệp dệt, tiền lương chỉ đủ đóng học phí cho 3 chị em. Có lẽ chính nhờ sự nghèo khổ đó mà mấy chị em luôn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và quyết tâm học nhạc để tạo ra thu nhập bù đắp cho sự vất vả của mẹ”.
Ngay khi được phổ biến, bài hát “Mẹ yêu” của Phương Uyên gắn liền với tên tuổi của Tam ca Ba con mèo và trở thành bài hát ghi dấu ấn đặc biệt trong tình cảm khán giả yêu âm nhạc.
Hầu hết những sáng tác của Phương Uyên đều được dàn dựng với phong cách sôi động nhưng không kém trữ tình. Trong đó “Mẹ yêu” là một điển hình cho phong cách nghệ thuật pop của ban nhạc Ba con mèo.
Lời ru cho con - Nhạc sĩ Xuân Phương
Được biết đến từ bộ phim “Của để dành” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, bài hát “Lời ru cho con” đã được nhạc sĩ Xuân Phương nung nấu khá lâu và hoàn thành vào tháng 3/2001. Lúc đầu bài hát được đặt tên là “Lời ru tình mẹ”, sau được đạo diễn Đỗ Thanh Hải đổi lại.
Nhớ lại lúc viết bài hát này, nhạc sĩ Xuân Phương kể: “Nhận lời viết ca khúc cho phim “Của để dành”, mình đã nhận thấy đây là một đề tài hay nhưng khó, có nhiều nhạc sĩ đã khai thác đề tài người mẹ và đã có nhiều bài hát thật hay. Mình đã viết một bài nhưng không ưng về phần ca từ nên bỏ. Sau đó, mình đi tìm mua các tập thơ về đọc và tình cờ bắt gặp một tứ thơ rất hay của tác giả Kiều Anh. Và lập tức những giai điệu chính được hình thành”. Cho tới lúc hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Xuân Phương chưa một lần được gặp tác giả Kiều Anh của khổ thơ đó.
Giai điệu bài hát trong sáng, ca từ tinh tế đã nói lên được tiếng lòng của đứa con yêu mẹ. “Lời ru cho con” qua sự thể hiện có chiều sâu của ca sĩ Trần Thu Hà đã ngay lập tức lay động lòng người./.
(Thanh Hà/VOV)