Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 11/1/2016 15:15'(GMT+7)

Những tác phẩm nổi bật của Điện ảnh Việt năm 2015

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim do Cục Điện ảnh hợp tác với Galaxy M&E, Phương Nam Phim, Saigon Concert, PS Việt Nam và Truyền hình K+ phối hợp sản xuất. Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã khai thác vào khía cạnh mà điện ảnh Việt đang rất thiếu trong nhiều năm gần đây, đó là thế giới tuổi thơ nên thơ, trong trẻo đến ngỡ ngàng, với câu chuyện cảm động về tình anh em và những cảm xúc đầu đời rất thật của cậu bé 15 tuổi ở một làng quê ven biển vào cuối những năm 80. Đúng như những gì được mong đợi, bộ phim đã lấp đầy cả cảm quan nghệ thuật lẫn trái tim của người xem, bằng những khuôn hình thuộc dạng đẹp nhất của phim Việt và chất tình cảm lắng đọng được thể hiện tinh tế gọn gàng.

Theo cinet.gov.vn

Với hai chủ đề chính là sự nghèo khó và tình yêu thương, bộ phim rất dễ đánh động lại những kỷ niệm xưa cũ, dễ lấy được sự thương cảm và đồng cảm với những nhân vật trong phim của khán giả.
Một câu chuyện giản dị, trong sáng được truyền tải bằng những thước phim đẹp say hồn, đậm chất điện ảnh. Từ những góc quay rộng với khung cảnh làng quê tươi tắn và rực rỡ, đến những góc quay hẹp nơi sân nhà, các căn phòng với sự sắc nét của hình ảnh. Tác giả đã khéo chắt lọc những chi tiết rất “sáng”, rất tinh tế, mang hơi thở cuộc sống, như cảnh cả gia đình ngồi co ro ăn cháo trắng với muối, hay cảnh cánh hoa bươm bướm vàng rơi khỏi tay cô bé trong rạp xiếc; khung cảnh lớp học với áo trắng quần xanh, khăn quàng đỏ… Lại thêm âm nhạc du dương, bay bổng của bài hát “Thằng cuội”, dàn diễn viên ngây thơ ngồ ngộ, ngay cả những diễn viên lớn cũng thấy tồi tội, chân thật đến nghẹn ngào.
Tất cả tạo cho người xem cảm giác sống động, chân thật về cuộc sống nông thôn giản dị thuần Việt, như thể người ta đang ngửi thấy mùi thơm của rơm rạ, nhìn thấy các mùng vải trắng, cầm được cái cà-men cũ kỹ đựng đồ ăn, đôi quang gánh nhẵn thín hay chiếc xe bò dầm mưa nắng…
Sự mới mẻ của nội dung phim và sự “can đảm” của những nhà đầu tư mà trong đó đứng đầu là Cục Điện ảnh đã nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn từ cộng đồng.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” còn đại thắng về mặt giải thưởng khi “ẵm” 4 giải: Giải Bông sen Vàng thể loại phim truyện điện ảnh, quay phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, phim được khán giả yêu thích.
Đập cánh giữa không trung
Dù tháng 1/2015 mới được công chiếu tại Việt Nam, nhưng trước đó, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã khiến làng điện ảnh Việt phải chú ý với giải thưởng quốc tế: Giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice...
“Đập cánh giữa không trung” là câu chuyện của Huyền và những người đàn ông xung quanh cô. Họ đến rồi đi, trở về rồi lại biến mất, để lại một cô gái tuổi đời còn chưa tới 20 phải đối mặt với sự bế tắc không lối thoát. Ở cái lứa tuổi vẫn còn vô tư, mải chơi; chuyện dính bầu với Huyền giống như mọi thứ xung quanh tối sầm lại, đôi mắt ngây thơ của cô không còn đủ tinh để nhìn rõ trong bóng tối. Huyền giống như một cánh chim đang mê mải đập cánh giữa không trung nhưng chẳng biết phải bay về hướng nào. Bão tố ập tới càng khiến cho chú chim ấy cảm thấy lạc lõng, cô đơn và tiếp tục đập cánh một cách tuyệt vọng cho tới khi toàn thân trở nên trĩu nặng.

Bộ phim với lối kể ngày này qua ngày khác giống như những trang nhật ký của Huyền, dần dần, người xem bị cuốn vào cái thế giới của những người trẻ hiện đại mà ở đó, ai cũng bị mất phương hướng và mang trong mình một gánh nặng nào đó. Với Huyền, là gánh nặng về tương lai, về tiền bạc. Ở Tùng là gánh nặng về trách nhiệm. Với Linh là gánh nặng giới tính và với Hoàng là một nỗi ám ảnh kỳ lạ. Cái thế giới trong “Đập cánh giữa không trung” được xây dựng đầy u ám, bi quan nhưng lại mang tông màu lãng mạn và đậm chất thơ.
Các chuyên gia nhận định: “Đập cánh giữa không trung” là đại diện nổi bật của điện ảnh Đông Nam Á đương đại, là một tác phẩm thể hiện quan điểm của nữ giới một cách thẳng thắn và không hề e ngại khi dấn sâu khám phá những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống.
“Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã pha trộn chất hiện thực với cảm giác của thế giới thần tiên để từ đó tạo nên một ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, nhiều ám ảnh và xuyên thấm một cách hiển nhiên” - đại diện ban giám khảo LHP Quốc tế Fribourg tại Thụy Sĩ từng nhận xét về bộ phim.
“Đập cánh giữa không trung” còn là một điển hình thành công của dòng phim độc lập tại Việt Nam. Khi làm dự án này, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và êkíp tự lực xin tài chính chủ yếu từ các liên hoan phim cũng như các quỹ hỗ trợ nghệ thuật trong và ngoài nước. Với thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và một tư duy điện ảnh cá tính, Hoàng Điệp đã tạo nên một “Đập cánh giữa không trung” chỉn chu mà chị hoàn toàn có thể tự hào.
Người trở về
“Người trở về” là tác phẩm của Điện ảnh Quân đội Nhân dân được nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Chuyện phim chuyển thể gần như giữ nguyên mọi chi tiết từ truyện gốc, mô tả bất hạnh mà những người phụ nữ Việt Nam miền Bắc sau chiến tranh 1975 phải chịu đựng. Trong chiến tranh, cô y tá chiến trường tên Mây dũng cảm lao ra giữa bom đạn để đi lấy thực phẩm và thuốc men cứu đồng đội. Hòa bình lập lại, người lính ấy trở về nhà để thấy bản thân đã bị gọi là liệt sĩ, còn người yêu cũ đã đi lấy vợ. Chịu đựng những vết thương cũ từ chiến trường, Mây sống lặng lẽ trong nỗi cô đơn trên chính bến đò quê hương. Mặc dù người yêu mới tìm đến, cô từ chối anh bởi biết cơ thể mình thương tật quá nhiều, khó mang lại hạnh phúc cho người đàn ông nào. Nỗi đau chiến tranh ngấm trong cả thể xác lẫn tinh thần của Mây chưa kịp nguôi ngoai, giờ phải gánh thêm nỗi đau của mối tình ngang trái. Bộ phim đã lấy của khán giả nhiều nước mắt.

“Người trở về” còn đưa người xem vào không gian chân thực của làng quê Bắc Bộ với những hình ảnh bến nước, con đò, bờ đê, đường làng, bờ dậu, sân phơi, giếng nước tạo nhịp điệu cuộc sống nông thôn.
Phim đã giành được giải xuất sắc nhất cho khâu kịch bản, bằng khen của ban giám khảo cho phim trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.
Quyên
Sau 5 năm kể từ khi bộ phim “Cánh đồng bất tận ra mắt”, Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình lại một lần nữa quay trở lại với điện ảnh bằng dự án phim “Quyên”, phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
“Quyên” kể về thân phận một người phụ nữ tên Quyên trong thời kỳ hỗn mang, loạn lạc ở Đông Âu, khi bức tường Berlin sụp đổ. Quyên là bức tranh tái hiện khốc liệt về cuộc đời, số phận người phụ nữ lưu lạc nơi đất khách quê người cùng những người đàn ông yêu cô theo những cách khác nhau trong những ngày mưu sinh khắc nghiệt xa xứ.

Đạo diễn Phan Quang Bình tâm sự: “Ban đầu, tôi rất phân vân và lo ngại về việc thực hiện bộ phim, nhất là có những cảnh quay phải thực hiện ở Đức. Nhưng càng đọc cuốn tiểu thuyết, càng được lắng nghe những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đồng thời nhớ lại những năm tháng từng phải sống ở nước ngoài, tôi càng tìm thấy sự đồng cảm và bị cuốn hút nhiều hơn với nội dung của Quyên”.
Khi được xem những phân cảnh trong bộ phim, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi tác phẩm được chuyển thể thành phim. Dàn diễn viên vào vai đã làm tôi khóc rất nhiều. Những nhân vật được vào vai gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm về những người dân Việt Nam sống ở Đức”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, nếu đạo diễn Phan Quang Bình thành công khi thực hiện một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể hay hơn một tác phẩm văn học, thì đó sẽ trở thành điểm sáng của nền điện ảnh Việt Nam.

Theo cinet.gov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất