Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 9/1/2016 18:6'(GMT+7)

Cần coi trọng chất lượng và hiệu quả sáng tạo nghệ thuật

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội (Ảnh: TA)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội (Ảnh: TA)

Diễn ra trong hai ngày 8 – 9/1, Đại hội có sự tham sự của 475 đại biểu là các văn nghệ sĩ tiêu biểu, các cán bộ chủ chốt của 63 Hội VHNT tỉnh, thành phố và 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, đại diện cho hơn 40. 000 văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Mở đầu Đại hội, đồng chí Tô Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2010 – 2015 và phương hướng nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Báo cáo đã tổng kết 5 năm nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Liên hiệp với những bước chuyển mình của đất nước trong xu thế hội nhập và đời sống văn học nghệ thuật không ngừng đổi thay, hội nhập, phát triển theo hơi thở của cuộc sống. 5 năm qua, dòng chảy văn học nghệ thuật vẫn không ngừng cuộc chảy, bước vào mùa gặt mới với biết bao những đổi thay, sáng tạo không ngừng của anh em văn nghệ sỹ được khái quát trong 05 khuynh hướng chủ đạo như sau:

Một là, dòng chảy chủ đạo của văn học nghệ thuật vẫn là xoay quanh chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng đã được các văn nghệ sỹ thể hiện một cách mãnh liệt trong các tác phẩm nghệ thuật qua những phương thức thể hiện mới, nhận thức xã hội được nâng cao một cách rõ rệt. Các tác phẩm đều nêu bật được chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng, tinh thần tự tôn dân tộc được hun đúc từ hàng ngàn năm nay của cha ông. Các nghệ sỹ luôn bám sát hơi thở của cuộc sống đi tới những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên cương để phản ánh đời sống của đồng bào các dân tộc, chiến sỹ,  nhân dân, những nét đẹp văn hóa trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Khi tình hình biển Đông trở nên căng thẳng, sục sôi thì người nghệ sỹ cũng không thể ngồi yên mà sẵn sằng lao mình vào những điểm nóng, những vùng biên ải của Tổ quốc để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao nhằm cổ vũ tinh thần yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thôi thúc trước thời cuộc mới, vận hội mới đặt ra.

Hai là, xu hướng trở về với truyền thống văn hóa dân tộc với lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh đã được đông đảo anh chị em văn nghệ sỹ hưởng ứng, đầu tư tâm sức, sưu tầm nhiều tư liệu quý, tìm tòi những góc cạnh mới để thể hiện qua đó nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước đề cao lòng tự hào dân tộc, vun đắp cho cái gốc rễ cội nguồn, truyền dạy cho thế hệ con cháu mai sau, hội nhập cùng xu thế chung của nhân loại.

Ba là, vấn đề đạo đức xã hội, sự suy đồi biến chất của một bộ phận đảng viên, thế hệ trẻ đang là hồi chuông cảnh tỉnh để người nghệ sỹ đặt vấn đề đạo đức trở thành trung tâm, mảng đề tài bức xúc, cấp thiết cần được đặt ra hôm nay. Thông qua cuộc vận động sáng tác về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đây là cơ hội cho các anh em văn nghệ sỹ khai thác nhiều mảng đề tài lớn viết về Bác Hồ - vị cha già dân tộc. Người là một tấm gương sáng, soi đường cho những thế hệ hôm nay học tập và làm theo. Từ cuộc vận động này, nhiều tấm gương sáng, điển hình được phát hiện, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được quảng bá rộng rãi, lay động tới xã hội. Sau hai đợt tổng kết cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tín hiệu khởi sắc, chất lượng của các tác phẩm được nâng cao rõ rệt.

Bốn là, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đội ngũ văn nghệ sỹ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, làm tăng thêm hiệu quả của sự phản ánh và giá trị thẩm mỹ mới, đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú trong nhịp sống hiện đại.

Năm là, phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ, nguồn kế cận đầy triển vọng của văn học nghệ thuật nước nhà.

Phương hướng phát triển Văn học Nghệ thuật khóa IX nhiệm kỳ 2016- 2021 là: Phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp vững mạnh; tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước, gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận phê bình và quảng bá tác phẩm, giao lưu hội nhập văn hóa, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một trình độ mới, dân tộc, hiện đại với các giá trị yêu nước, dân tộc, dân chủ, khoa học, tiến bộ, nhân văn, đáp ứng quyền và nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao của công chúng nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Từ phương hướng trên, nhiệm vụ phát triển Văn học nghệ thuật trong nhiệm kỳ mới là: Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ Việt Nam một cách toàn diênh vả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống; phê phán, đẩy lùi mọi cái xấu, cái ác góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, hướng tới chân – thiện – mỹ, làm trong sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề đặt ra đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ hướng tới phương châm là: “Đổi mới phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hỗ trợ chiều sâu, đặc biệt coi trọng chất lượng và hiệu quả sáng tạo”.

Đại hội cũng đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá công tác của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương về việc thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa và 5 năm thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được Liên hiệp các Hội VHNT phát động đến nay đã thu được những kết quả đáng mừng.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đánh giá cao thành tựu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trên chặng đường hơn 70 năm qua, kể từ khi Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập (1943), Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời (1948), văn nghệ đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc, đặc biệt là những nỗ lực hoạt động có hiệu quả của đội ngũ văn nghệ sỹ đương đại cả nước trong tiến trình 30 năm đổi mới đất nước.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định định hướng lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay là bằng tác phẩm VHNT có giá trị về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, góp phần phát triển nền văn hóa khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; văn nghệ sỹ cần nỗ lực hoàn thành sứ mệnh cao cả là người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa; Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần vươn lên xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội – nghệ nghiệp được nhân dân và Đảng tin cậy.

Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra một số mặt còn hạn chế, yếu kém của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần khắc phục như: “Còn ít các tác phẩm có giá trị cao về cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh sinh động, sâu sắc hiện thực của đất nước trong các thời kỳ lịch sử trước đây, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay; nhìn chung công tác lý luận, phê bình VHNT còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng; quản lý lĩnh vực văn hóa, VHNT hiệu quả còn chưa cao; công tác quy hoạch, đào tạo, bỗi dưỡng, bố trí cán bộ ở các Hội VHNT chuyên ngành và Trung ương còn nhiều bất cập; một số văn nghệ sỹ chưa nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ít bám sâu, bám chắc vào thực tế đời sống xã hội nhất là các địa bàn, lĩnh vực mũi nhọn, vùng biên cương, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc, vùng khó khăn…”

Qua hai ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Đại hội đã tiến hành thảo luận dân chủ, quyết định về những nội dung chính sau: Thảo luận Báo cáo Tổng kết công tác của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Liên hiệp khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021), nhằm thực hiện mục tiêu “đáp ứng quyền và nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao của công chúng nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đại hội cũng đã thông qua Báo cáo kiểm điểm của Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ VIII (2010 – 2015); thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa IX; thông qua kết quả hiệp thương Danh sách Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (khóa IX) nhiệm kỳ 2016 – 2021 (gồm 76 văn nghệ sỹ); Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa IX (gồm 25 văn nghệ sỹ) do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch (6 vị), Ban Kiểm tra (gồm 7 vị).

 
Ban Chấp hành khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 ra mắt (Ảnh: TA)

Đại hội đã bầu ra được Ban chấp hành khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm 06 đồng chí gồm: 01 Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: nhà thơ Hữu Thỉnh; 05 Phó Chủ tịch gồm: nhà văn Tùng Điển, PGS – TS, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, họa sỹ Trần Khánh Chương, nhạc sỹ Nông Quốc Bình, nhà văn Đỗ Kim Cuông và bầu nhà nghiên cứu dân gian, TS Đoàn Thanh Nô làm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển nền VHNT Việt Nam theo xu thế hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất