Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết 29) ghi rõ: “Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”. Triển khai chủ trương Nghị quyết 29, các trường dạy nghề đang tích cực đổi mới công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần thiết phải xác định rõ những yếu tố ảnh hưởng tới nó, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan:
Về khách quan:
Thứ nhất, về đội ngũ giảng viên dạy nghề (GVDN). Trong những năm qua, cùng với sự nghiệp phát triển dạy nghề, đội ngũ GVDN tăng nhanh về số lượng và chất lượng, từng bước được nâng lên về chuẩn trình độ, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm. Hơn nữa, GVDN luôn được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu ngày càng cao của các ngành nghề lao động trong nước và quốc tế.
Hiện nay, chính sách đối với GVDN từng bước được quan tâm, như được hưởng các chính sách chung đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, còn có một số chế độ, chính sách riêng đối với GVDN như: chế độ làm việc, chế độ sử dụng, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; chính sách về phụ cấp cho giảng viên khi dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và phụ cấp đặc thù của GVDN cho người tàn tật, khuyết tật. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ, nhất là tiền lương vẫn chưa thật sự hợp lý. GVDN chưa có ngạch lương riêng, mà vẫn hưởng theo ngạch lương của giảng viên trung học (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004). Giảng viên dạy trình độ cao đẳng nghề chưa được hưởng chế độ tiền lương như giảng viên của các trường cao đẳng khác.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người có trình độ, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất chuyển về làm GVDN. Ngược lại, nhiều GVDN có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra sản xuất tại các doanh nghiệp để có thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có những chính sách khuyến khích động viên đối với giảng viên tự phấn đấu nâng cao trình độ; chưa có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho GVDN được đi thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm.
Mặc dù số lượng GVDN những năm qua tăng đáng kể nhưng so với yêu cầu đổi mới và phát triển dạy nghề, số lượng GVDN vẫn còn thiếu trầm trọng. Cơ cấu ngành nghề đào tạo GVDN chưa hợp lý, một số nghề chưa có giảng viên được đào tạo cơ bản, kỹ năng nghề còn hạn chế, tỷ lệ giảng viên dạy tích hợp còn thấp so với yêu cầu của chương trình đào tạo. Trình độ ngoại ngữ, tin học của GVDN còn yếu, hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại. Khả năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy nghề của GVDN còn hạn chế.
Trong phát triển GVDN, chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức bởi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Tuy được tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ mới, mô hình dạy nghề hiện đại, mở rộng trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội tiếp cận, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển dạy nghề, song năng lực nói chung của GVDN nước ta chưa đáp ứng và thích ứng kịp thời các yêu cầu đặt ra. Xu hướng đa dạng hóa các loại hình và phương thức giáo dục - đào tạo, phát triển đào tạo từ xa, qua mạng cũng như sự thay đổi chức năng và mô hình của các cơ sở dạy nghề đều khó khăn đối với GVDN nước ta, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ và nghề nghiệp thế giới luôn biến đổi mau lẹ.
Thứ hai, cơ cấu ngành, nghề đào tạo vẫn chưa thật phù hợp với cơ cấu ngành, nghề của thị trường lao động; chưa bổ sung thường xuyên các nghề đào tạo mới theo yêu cầu của thị trường lao động; thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm và cho xuất khẩu lao động.
Thứ ba, chất lượng dạy nghề vẫn còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chất lượng chưa cao, chưa gắn chặt lý luận với thực tiễn, tính lôgic, tính khoa học chưa cao, thường không thỏa mãn nhu cầu của người học và nhu cầu của thị trường lao động; nội dung đào tạo ít phù hợp với sự thay đổi nhanh công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Thực tế các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề mới được nâng cấp trong những năm gần đây nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập, thực hành còn rất hạn chế, đội ngũ giảng viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Trình độ năng lực cũng chưa tương xứng với vị trí cũng tác động ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thứ tư, số lượng các cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động có tay ghề giỏi, thuần thục của bản thân doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các trường dạy nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo (cả về trách nhiệm và quyền lợi) nên trên thực tế các trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng "cung" của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo "cầu" của doanh nghiệp. Nhiều trường chỉ đào tạo những kiến thức mình có chứ chưa hướng tới kiến thức mà xã hội cần.
Thứ năm, người lao động qua đào tạo nghề, kỹ năng thực hành và khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Điều này có “lỗi” từ hệ thống giáo dục nước nhà, trong đó việc tổ chức giáo dục theo kiểu “ứng thí”, cùng với chưa chú trọng làm tốt công tác hướng nghiệp, làm cho công tác đào tạo nghề luôn bất cập: trường có nhiều nhưng không có nhiều người học; có trường nhưng thiếu các điều kiện giảng dạy và học tập, làm cho sản phẩm sau đào tạo không đáp ứng được yêu cầu cả về tay nghề, tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức và kỷ luật lao động của các cơ sở sản xuất, nhất là đối với các cơ sở sản xuất liên doanh với nước ngoài hoặc ở nước ngoài.
Về chủ quan
Một là, vấn đề bất cập nhất hiện nay là thu nhập của GVDN. Trong khi phải làm việc căng thẳng, vất vả (vừa là một giảng viên vừa là kỹ thuật viên) nhưng thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương lại rất thấp, không đảm bảo cho chính họ và gia đình một mức sống hợp lý, do vậy khó có thể đòi hỏi GVDN toàn tâm, toàn ý với nghề. Thực tế này là nguyên nhân dẫn đến khó giữ chân các GVDN có đủ năng lực ở lại công tác tại các cơ sở dạy nghề.
Đây cũng là nguyên nhân khó thu hút được người giỏi, người có tay nghề cao làm GVDN và thu hút sinh viên giỏi học các trường đào tạo GVDN để trở thành GVDN. Do vậy, trước tiên cần thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp, tạo cho họ mức sống ổn định và có thể vươn lên khá giả bằng khả năng lao động của họ mà xã hội đang rất cần.
Hai là, hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GVDN không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của một trường nghề. Tình trạng bất cập trong việc bồi dưỡng, phát triển năng lực hành nghề cho giáo sinh là do những hạn chế về thời lượng và chất lượng giảng dạy, đồng thời gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập. Bên cạnh đó, thực tế khả năng nghiên cứu khoa học của GVDN hiện nay chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở dạy nghề nói chung và khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của GVDN nói riêng còn rất hạn chế.
Ba là, vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo nguồn lực phát triển đội ngũ GVDN cho toàn hệ thống, huy động đóng góp của người học theo quy định của pháp luật, huy động các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ GVDN.
Những yếu tố nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động dạy nghề trong các trường nghề ở nước ta hiện nay. Trong đó, đội ngũ GVDN là yếu tố chủ đạo luôn luôn chịu sức ép giữa cung và cầu trong đào tạo. Nếu không được đầu tư phát triển GVDN một cách thích đáng sẽ khó có thể tạo được một môi trường đào tạo lành mạnh như Nghị quyết 29 đã đề ra. Vì thế, coi đầu tư phát triển GVDN là đầu tư "nguồn" quan trọng và có hiệu quả nhất để phát triển nguồn nhân lực nghề nghiệp hiện nay.
Trong quá trình triển khai chủ trương đào tạo nghề theo tinh thần Nghị quyết 29, phải chú trọng giải quyết một cách đồng bộ những yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động dạy nghề trong các trường nghề. Đặt việc đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và đãi ngộ GVDN là một trọng tâm trong khâu đột phá về chất lượng dạy nghề là yêu cầu thực tiễn hiện nay./.
Lê Văn Vượng
Học viện Quản lý Giáo dục