Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 2/5/2009 16:6'(GMT+7)

Những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến lối sống, đạo đức của thanh, thiếu niên hiện nay

Hiện nay ngoài một bộ phận sống buông thả, sa đoạ thì đa số thanh niên hiện nay sống có lý tưởng, hoài bão. Trong ảnh, thanh niên nô nức tham gia phong trào thanh niên tình nguyện. Ảnh tư liệu

Hiện nay ngoài một bộ phận sống buông thả, sa đoạ thì đa số thanh niên hiện nay sống có lý tưởng, hoài bão. Trong ảnh, thanh niên nô nức tham gia phong trào thanh niên tình nguyện. Ảnh tư liệu

Với người Việt Nam, chí, nhân, trung, hiếu, nghĩa, tình… đã từng được xem là những chuẩn mực quan trọng của lối sống và đạo đức; được gìn giữ, kế thừa và phát huy qua bao thăng trầm của lịch sử. Những chuẩn mực này đã góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Lối sống, đạo đức bị chi phối và biến đổi bởi hoàn cảnh lịch sử và sự phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn lịch sử.

Hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, sự biến đổi của xã hội đã ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay. Việc nghiên cứu các vấn đề về lối sống, đạo đức để xây dựng được lối sống, đạo đức trong sáng, lành mạnh, đúng đắn, văn minh, động viên mọi người nhất là thanh, thiếu niên nỗ lực phát huy khả năng và trí tuệ của mình đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,văn minh” là rất cần thiết, có ý nghĩa.

1. Thế nào là lối sống, đạo đức?

Cho đến nay, lối sống được tiếp cận bằng khái niệm nhiều cách thức khác nhau và với các nội hàm và ngoại diên không tương đồng nhau. Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng chưa đồng nhất về định nghĩa Lối sống. Trong Tập bài giảng Văn hoá xã hội chủ nghĩa của Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì “Lối sống là một phạm trù xã hội học khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế-xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người trong sinh hoạt tinh thần và văn hoá”(1).

Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.06-13 nêu khái quát trong Báo cáo tổng kết chương trình KX-06 (1993-1995) như sau: “Lối sống, trong một chừng mực nhất định, là cách ứng xử của những người cụ thể trước những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của môi trường sống. Môi trường là cái khách quan quy định, là điều kiện khách quan trực tiếp tác động và ảnh hưởng đến lối sống của con người, của các nhóm xã hội và cộng đồng dân cư”(2).

Cho đến nay, chưa có cách định nghĩa chính thống về lối sống. Tuy nhiên, ở nước ta các cách tiếp cận triết học, xã hội học, văn hoá học, tâm lý học là các hướng tiếp cận chính trong nghiên cứu Lối sống.

Cũng như Lối sống, Đạo đức cũng có nhiều quan niệm khác nhau. C. Mác cho rằng đạo đức chính là lực lượng bản chất của con người trong sự phát triển của nó theo hướng ngày càng đạt tới giá trị đích thực của cái thiện. Ph.Ăngghen xác định ý thức đạo đức là sự phản ánh thực tiễn đạo đức của xã hội, là sản phẩm của tình hình kinh tế-xã hội. Nó phát triển trong sự độc lập giai cấp khi xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là “phải yêu kính nhân dân. Phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân… Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng… Phải ngay thẳng, thật thà, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(3).

Từ những lập luận trên, có thể hiểu đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ người – người(4)..

2. Những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay

Thanh, thiếu niên là lớp người trẻ, đầy nhiệt huyết, hăng hái, muốn được cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng dễ bị tác động do các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội (tinh thần, văn hoá, luật pháp, tín ngưỡng, tôn giáo…).

Một là, sự tác động hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp của kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Kinh tế thị trường đặt mọi đối tượng, mọi mối quan hệ trong xã hội dưới quan niệm hàng hoá hoặc tính chất hàng hoá, kể cả sức lao động, tình cảm của con người. Mối quan hệ đạo đức, lối sống cũng bị chi phối bởi quan niệm đó. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là con người chứ không phải là hàng hoá. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì các quan hệ thị trường cũng sẽ làm cho con người thay đổi đạo đức, lẽ sống cùng với sự cải thiện mức sống và môi trường sống. Sự phân hoá giàu nghèo sẽ dẫn đến sự phân hoá đạo đức, lối sống.

Hai là, sự tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá định hướng XHCN.

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xét về mặt vật chất thì công nghiệp, dịch vụ, đô thị và người làm công ăn lương sẽ chiếm địa vị áp đảo so với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; xét về mặt tinh thần – văn hoá, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO, quá trình đa dạng hoá, đa phương hoá liên kết và hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các giá trị nước ngoài tác động mạnh vào lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên Việt Nam. Về mặt sinh hoạt và tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, nhiều thanh thiếu niên sẽ hướng theo lối sống công nghiệp, lối sống cá nhân, và mối quan hệ sòng phẳng. Về mặt tâm lý, nhiều thanh thiếu niên sẽ thiên về lối sống bình đẳng, thiết thực, kể cả thực dụng và ngại sống chung tam – tứ đại đồng đường, hàm ơn, đẳng cấp. Tâm lý tự chủ để lập thân, lập nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập sẽ làm cho một bộ phận thanh, thiếu niên có lối sống tự do và tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, sự tác động của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Với Nhà nước pháp quyền, các quan hệ pháp lý sẽ đẩy quan hệ tình cảm xuống hàng thứ yếu. Cả trong gia đình, trẻ em cũng sẽ hiểu các quyền của mình và thể hiện lẽ sống và lối sống công dân. Cha mẹ và con cái đều bình đẳng trước pháp luật. Thanh, thiếu niên hướng vào các giá trị “lập thân, lập nghiệp” và không bị ràng buộc bởi gia đình.

Bốn là, sự tác động của đạo đức, nếp sống và giá trị truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng.

Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, anh dũng, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Con người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, có nếp sống cộng đồng, tình nghĩa.

Ý thức tự hào, tôn vinh quốc gia, dân tộc là cốt cách, truyền thống của con người Việt Nam. Lẽ sống “không có gì quý hơn độc lập tự do” là biểu hiện cao nhất của ý thức tự hào dân tộc Việt Nam. Truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng đã và đang tác động tích cực, mạnh mẽ đến lối sống, đạo đức của thanh, thiếu niên hiện nay.

Để thực hiện tốt công tác vận động thanh, thiếu niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có lối sống lành mạnh, văn minh, có đạo đức cách mạng trong sáng, cần chú trọng và thực hiện tốt những vấn đề sau :

Một là, đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng gắn liền với hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước; chú trọng và tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống dân tộc, lịch sử cách mạng của dân tộc, lối sống văn hoá phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện, văn hoá Việt Nam; xây dựng ý thức chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước cho thanh, thiếu niên nhằm hình thành và phát triển thế hệ thanh, thiếu niên có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, văn minh, có bản lĩnh, niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, có quyết tâm cao trong học tập, lao động.

Hai là, bằng những bài nói, bài viết, hình ảnh, những câu chuyện về cuộc sống, đạo đức, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng những gương người tốt, việc tốt ngoài xã hội để giáo dục, thuyết phục thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thương dân; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng, dân tộc, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi Đảng, nhân dân yêu cầu.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về xây dựng ý thức đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên; về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phòng chống các tệ nạn xã hội.

Bốn là, Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh, thiếu niên nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, phát triển toàn diện; tạo cơ hội cho các tài năng trẻ được cống hiến, phục vụ đất nước./.

TS. Hoàng Mạnh Đoàn, Học viện Xây dựng Đảng - Học viện CT – HCQG HCM
————————

(1). Học Viện CTQG Hồ Chí Minh : Văn hoá xã hội chủ nghĩa, Nxb CTQG, H, 1993, tr.217-218.

(2) Thanh Lê: Về lối sống…, Tạp chí Cộng sản, số 2, 1981, tr.45.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H,1996, t.10, tr.311.

(4)GS,TSKH. Huỳnh Khái Vinh ( chủ biên): Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb CTQG, H, 2001, tr.44.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất