Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 30/4/2011 13:59'(GMT+7)

Niềm tin tất thắng “Bắc - Nam sum họp một nhà” đã thành sự thật!

Sinh thời, mỗi khi nhắc đến miền Nam ruột thịt, đến ước mơ "Bắc Nam sum họp một nhà", đồng bào miền Nam vẫn nhớ khôn nguôi lời nhắn nhủ của Bác Hồ ngày 26-9-1945 khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh, một lần nữa nổ súng đánh úp Nam Bộ: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... "Thà chết tự do còn hơn là sống nô lệ" và niềm tin tưởng vào một ngày mai thống nhất của Người: "Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về ta" (1). Thực dân Pháp đã cố tình gây chiến, nhưng với lời thề độc lập, cả dân tộc đã luôn phấn đấu để thực hiện chân lý: “Nam bộ là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam, "đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi"(2). Và điều này được ghi rõ trong Hiến pháp 1946 - đạo luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam DCCH (Điều 2, Chương I) là " Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia" (3).

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội do Người đứng đầu, nhân dân ta đã "kháng chiến kiến quốc" chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Tuy nhiên, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ mới giải phóng được hoàn toàn miền Bắc. Miền Nam Thành đồng Tổ quốc "đi trước về sau" còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Nam thân yêu đã luôn ở trong trái tim Bác Hồ và trong trái tim, khối óc của đồng bào miền Bắc. Vì miền Nam ruột thịt, vì ngày mai Bắc Nam sum họp một nhà, Bác Hồ đã nói, phải "củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam". Khôi phục, cải tạo, phát triển và xây dựng CNXH, để miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Và nói theo lời Người, thì mỗi chiến công của đồng bào miền Nam trong đó đều có sự chi viện về "tinh thần và lực lượng" của đồng bào miền Bắc và mỗi thành tích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào miền Bắc đều có phần đóng góp của đồng bào miền Nam.

Tình Bắc- Nam ruột thịt, như “cây với cội” luôn ở trong tâm trí của Bác Hồ và Người nói rằng: "Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam,... không một giờ một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ Diệm để cứu nước cứu nhà" (4). Đồng thời, trong mỗi bức thư, trong mỗi bài phát biểu, trong những lời nhắn nhủ khi năm mới, xuân về, bao giờ Người cũng đều dành phần chúc miền Bắc thi đua yêu nước, ra sức xây dựng CNXH, để ủng hộ miền Nam, làm cơ sở, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Niềm tin vào một ngày mai thống nhất của nhân dân hai miền Nam Bắc đã được Bác Hồ kính yêu bồi đắp bằng ý chí, bằng quyết tâm của cả dân tộc khi phát đi tại ngôi nhà Sàn - Phủ Chủ tịch Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước ngày 17-7-1966: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn"(5).

Mong ước được trực tiếp vào miền Nam, động viên đồng bào và chiễn sĩ miền Nam trước khi quân ta mở màn đợt 3 cuộc tấn công, năm 1968, dù sức khoẻ ngày một yếu, nhưng trong bức thư gửi cho đồng chí Lê Duẩn ngày 10-3-1968 trình bày nguyện vọng và cách đi vào miền Nam, Người viết rằng "đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em"... Tuy nhiên, vì điều kiện sức khoẻ của Người, vì cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn quyết liệt, nên Bộ Chính trị đã thuyết phục Người hoãn chuyến đi này.

Ngày 2-9-1969, Bác Hồ rời xa chúng ta về với cõi vĩnh hằng, mang theo về lòng đất Mẹ một khát vọng, một niềm tin tất thắng: "Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn". Người đi xa rồi, nhưng niềm tin của Người và chỉ thị: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi", cùng với lời tiên đoán "đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào" đã trở thành mệnh lệnh hành động cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Niềm tin của Bác Hồ và ước nguyện “Bắc - Nam sum họp một nhà” đã đưa từng đoàn quân "sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đã đưa tinh thần và lực lượng của miền Bắc XHCN, của hệ thống XHCN vào chi viện cho miền Nam qua con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển, và đã đưa cả nước vào trận cuối cùng với niềm tin tất thắng. Cuộc trường chinh kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến thắng Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng, và cuối cùng là chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30- 4- 1975, đã kết thúc hành trình 30 năm trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà, làm thoả lòng mong ước của Bác Hồ, thỏa nguyện khát khao của cả dân tộc Việt Nam yêu chuộng tự do, hòa bình và công lý.

36 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đất nước Việt Nam thống nhất liền một dải đang vươn lên, hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Một đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, "đàng hoàng hơn to đẹp hơn" như mong ước của Bác Hồ sau 25 năm thực hiện đường lối Đổi mới thành công, từng bước thoát khỏi tình trạng “kém phát triển” đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Và dù phía trước còn nhiều cam go, thử thách, song chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học và kinh nghiêm thực tế để tin tưởng chắc chắn rằng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua yêu nước và quyết tâm thực hiện, thì nhất định một Việt Nam XHCN "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ trở thành hiện thực sinh động như mong ước của Bác kính yêu./.

Ths. Tạ Quang Giảng
Đại học Nông nghiệp Hà Nội

_______________________________

Chú thích:

(1) - Thư Hồ Chí Minh gửi đồng bào... 4-12-1945

(2) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 4, trang 246

(3) - Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, trang 272

(4) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, trang 158-159

(5) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, trang 108

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất