Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 22/4/2011 10:33'(GMT+7)

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin

Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Hàng năm, vào những ngày này, nhân dân tiến bộ, các lượng lực yêu chuộng hoà bình trên khắp thế giới kỷ niệm Ngày sinh V.I.Lênin trong niềm tự hào. Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng và sự nghiệp của Người, cũng như vai trò, ý nghĩa của những tư tưởng đó đối với phong trào cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, sự kiên định của Đảng và nhân dân ta đi theo con đường Lênin, đặc biệt là đối với công cuộc đổi mới ở nước ta. Đồng thời, đây là dịp chúng ta nâng cao nhận thức về di sản tư tưởng Lênin nói riêng và chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo khí thế phấn khởi thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Di sản to lớn về thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Di sản đó là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng.

Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác và xây dựng CNXH hiện thực, sáng lập nhà nước Xô Viết - nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và xây dựng CNXH hiện thực. Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết và hệ thống XHCN thế giới được hình thành, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Lênin đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác. Vừa đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng, trào lưu lý luận sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, Lênin vừa bổ sung, phát triển nhiều luận điểm cụ thể của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Lênin đã làm rõ tính tất yếu của con đường đi lên CNXH của các dân tộc, rằng sớm hay muộn các dân tộc sẽ đi lên CNXH bằng cách riêng của mình. Đồng thời, chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng XHCN trong thời đại mới. Đó là kim chỉ nam cho các dân tộc trong quá trình lựa chọn con đường phát triển của mình.

Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và xây dựng một chính Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động để lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân đã làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, thực hiện thắng lợi 2 cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất Tổ quốc, đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Đảng ta cũng kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh chống mọi thủ đoạn xuyên tạc, đổi trắng thay đen của các thế lực thù địch tư tưởng; chống mọi biểu hiện xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng ta cũng đã có những bổ sung, phát triển lý luận trên một loạt vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng của mình, những người cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định những vấn đề cơ bản nhất trong học thuyết Lenin là không thể bác bỏ và vẫn còn nguyên giá trị khoa học và cách mạng trong thời đại ngày nay.

Đặc biệt, Chính sách kinh tế mới - NEP do Lênin đề xướng là một thành tựu lớn về lý luận  gắn liền với thực tiễn đã thể hiện những quan điểm mới và khoa học của Lênin về CNXH và xây dựng CNXH. Những luận chứng về về cải cách kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng thể chế dân chủ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Chính sách kinh tế mới... đã chứng tỏ Lenin luôn gắn lý luận với thực tiễn; không giáo điều; luôn luôn lấy thực tiễn để tổng kết, nâng tầm lý luận.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh nước ta.

Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Từ Đại hội V, VI đến Đại hội XI, Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin trong Chính sách kinh tế mới, đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tạo ra các đòn bẩy kinh tế thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Cho đến nay, các chủ trương, đường lối lớn có ý nghĩa chiến lược của Đảng đã được thực hiện đạt kết quả tốt.

Một ví dụ điển hình là việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong suốt thời kỳ quá độ và thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu của văn minh nhân loại, góp phần làm giàu cho xã hội và  nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là sự lựa chọn tự giác con đường và mô hình phát triển trên cơ sở quán triệt lý luận Mác-Lênin, nắm bắt đúng quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, kinh tế nước ta đang gặp khó khăn tạm thời do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện cho bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt, trung tâm của những giải pháp điều hành nền kinh tế như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,  thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước ta luôn gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, như thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo,… Những nhóm giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng.

Thế giới ngày nay đã có nhiều biến đổi so với giai đoạn mà Lênin sống, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Lenin vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập và noi theo. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927): “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin''. Mặc dù các thế lực thù địch ra sức dùng các thủ đoạn như diễn biến hòa bình, hòng phá hoại các thành quả cách mạng, nhưng cũng không thể làm thay đổi xu thế tất yếu của xã hội loài người là nhất định đi lên CNXH, chủ nghĩa cộng sản.

Nhằm thiết thực kỷ niệm ngày sinh Lênin trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, có bước phát triển lớn về tư duy lý luận với việc thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020..., mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, góp phần đưa đất nước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(Theo: Văn Hiến/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất