Một trong những nét nổi bật trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam kể từ khi đổi mới, mở cửa, chính là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực tế cho thấy, đây là khu vực kinh tế năng động nhất, đi tiên phong trong hoạt động xuất khẩu, có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động với mức thu nhập khá… Tuy vậy, từ thức tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (gọi tắt là FDI) thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế và các cựu chính khách cho rằng, đã đến lúc cần cương quyết nói không với nhiều dự án.
Trong 19,25 tỷ USD tổng kim ngạch ngoại thương quý I năm nay, phần đóng góp của các doanh nghiệp FDI là 55%. Cũng trong thời gian này, số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 2,37 tỷ USD, cho dù chỉ bằng 67% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây vẫn là một tín hiệu tốt lành. Những con số nêu trên cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò không thể thiếu được đối với nền kinh tế.
Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng bùng nổ rồi sau đó là xẹp lép các siêu dự án có vốn đăng ký từ vài tỷ USD, đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD, rải rác ở nhiều tỉnh thành. Sự xuất hiện, rồi rút lui hoặc bị buộc rút lui của các dự án này, ngoài nguyên nhân kinh tế thế giới khó khăn, có một lý do chủ yếu đó là tính cơ hội. Nhiều nhà đầu tư tranh thủ thời điểm này để xí phần khai thác tài nguyên thiên nhiên (như đất đai, rừng, khoáng sản) và nhân công giá rẻ của Việt Nam, cùng các ưu đãi đầu tư có khi vượt ra ngoài khuôn khổ chính sách chung ở một số địa phương. Không chỉ với những dự án mới đăng ký đã bị rút giấy phép, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều dự án đã triển khai nhưng không sử dụng hết quỹ đất được giao sau nhiều năm. Tình trạng đăng ký diện tích đất vượt quá nhu cầu, sau đó mua đi bán lại kiếm lời hoặc để hoang không phải là không có.
Một điều báo động khác là nhiều dự án FDI có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên vật liệu - năng lượng, gây ô nhiễm môi trường (đã bị cấm hoặc quá lạc hậu ở chính quốc) lại được đưa vào Việt Nam do những sơ hở về chính sách, pháp luật cũng như tâm lý hút FDI bằng mọi giá. Nhiều dự án đầu tư vào ngành thép, ngành sản xuất xi măng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm… thuộc vào nhóm này. Vụ công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai chỉ là một ví dụ cho thấy chúng ta có thể sẽ trả giá đắt hơn cả những khoán vốn đầu tư đã nhận được.
Một số nhà kinh tế còn chỉ ra hiện tượng đầu tư vào công nghiệp ô tô để thấy được tính trục lợi chính sách của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau gần 20 năm hưởng quá nhiều ưu đãi nhưng tỷ lệ nội địa hoá của ngành này chỉ đạt 7%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 30% vào năm 2006.
Một cuộc điều tra mơi đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại hơn 1.000 doanh nghiệp FDI cho thấy, hình ảnh tiêu biểu về một doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là một đơn vị tương đối nhỏ, hướng tới xuất khẩu là chủ yếu, có lợi nhuận khá thấp, chủ yếu làm gia công cho các quốc gia lớn hơn, tức là ở điểm thấp nhất trong dây chuyền giá trị sản phẩm. Điểm nổi bật đáng buồn nữa là các doanh nghiệp này nhìn chung ít có quan hệ thuê ngoài đối với các nhà sản xuất trong nước. Nói cách khác là khả năng dẫn dắt, tác động lan toả của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế là thấp, ít có khả năng dẫn đến hình thành chuỗi các doanh nghiệp phụ trợ.
Trong 5 năm qua, với khoảng 45 tỷ vốn FDI đầu tư vào nền kinh tế nhưng chỉ giúp ngành công nghiệp tăng thêm được 0,5% trong GDP, đây cũng là một kết quả không như mong đợi.
Có thể coi những hạn chế nêu trên là mặt tối của hoạt động thu hút FDI, đòi hỏi phải điều chỉnh cả ở phạm vi chiến lược đến các chính sách và công tác thực thi cụ thể. Đã đến lúc cần nói không với các dự án bộc lộ quá nhiều điểm tối như trên.
Chiến lược thu hút vốn đầu tư FDI phải gắn bó chặt chẽ với quá trình cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Nhà đầu tư nào, ngành nào đáp ứng được yêu cầu này sẽ được ưu tiên. Trái lại, những ngành nào, nhà đầu tư nào tiêu hao quá nhiều tài nguyên quốc gia, hiệu quả thấp, nguy cơ gây hại lớn với môi trường thì cần cương quyết từ chối cho dù lời hứa của họ có hấp dẫn đến đâu./.
(Phạm Kinh Bắc/VOV)