Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng cách làm sáng tạo của Huyện ủy Tân Châu (Tây Ninh) về phân bổ đối tượng giảm nghèo cho các chi bộ, đảng bộ cơ sở "đỡ đầu" đã bước đầu phát huy hiệu quả; không những giúp người dân giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều, mà còn thể hiện hành động dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy. Qua đây, tính nhân văn của xã hội "vì dân" cũng được nhiều người nhìn nhận và đánh giá cao.
Một ngày như mọi ngày, vợ chồng anh Lê Hữu Phước (xã Tân Phú) lại xách liềm đi vào trang trại gần nhà để làm cỏ mướn, với tiền công 90 nghìn đồng/người/buổi. Ðôi vợ chồng trẻ cho biết "trước đây, cuộc sống rất bấp bênh, quanh năm làm thuê chỉ đủ tiền nuôi bốn miệng ăn". Thế nhưng, từ hơn một năm nay, tình hình đã đổi khác khi Chi bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Châu nhận "đỡ đầu" hộ nghèo này. Hôm nay, ngoài việc làm cỏ mướn, vợ chồng anh Phước còn gom mớ cỏ đã cắt được, mang về nhà cho bò ăn. "Con bò đầu tiên có được do Chi bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đứng ra bảo lãnh và một người hảo tâm đã cho tôi nuôi quay vòng. Sau khi bò sinh ra bê con lần thứ nhất, tôi mang bê trả cho người đã giúp đỡ gia đình tôi (để cho hộ nghèo khác nuôi tiếp). Hiện bò mẹ đã có bê con thứ hai và chúng là của gia đình tôi. Nếu bây giờ bán, tôi sẽ có hơn 50 triệu đồng, là tài sản mà nằm mơ cũng không dám nghĩ mình có. Vui nữa là chi bộ còn cho tôi vật dụng sinh hoạt, động viên, cử người hướng dẫn cách chăn nuôi, vận động cho con tôi đến trường học…", anh Phước vui mừng nói.
Tương tự như thế, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thị trấn Tân Châu) trước đây chỉ có hai bàn tay trắng, cả anh và chị làm phụ hồ để mưu sinh cho nên không có nổi một nơi lành lặn để tá túc. Ngay khi được Chi bộ Thư viện huyện nhận "đỡ đầu", gia đình chị Thảo đã được các đảng viên trong chi bộ góp vài chục mét tôn, vài thiên gạch, mấy xe cát đá và xi-măng. Không có tiền thuê nhân công, vợ chồng anh chị ngày đi làm, chiều về lại cùng nhau kỳ cạch trộn từng mẻ hồ, dựng từng viên gạch. Ngày qua ngày, họ cũng dựng lên được một căn nhà gạch, mái tôn, che mưa che nắng. Dù chưa đủ gạch men để lát nền nhưng hẳn anh chị đã mát lòng với sự giúp đỡ hiệu quả từ các đảng viên luôn nói đi đôi với làm. Phó Bí thư Chi bộ Trương Thị Mến cho biết: Ngày về nhà mới, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy mang tặng họ 20 con gà giò, một cặp heo để hộ nghèo này có thêm điều kiện vươn lên".
Theo báo cáo sơ bộ của Huyện ủy Tân Châu, các chi bộ, đảng bộ được phân công phụ trách hỗ trợ công tác giảm nghèo có hoạt động tích cực và hiệu quả. Tuy tiềm lực kinh tế không cao song gần một năm qua, 56 chi, đảng bộ đã hỗ trợ 14 con bò, tặng 37 phần quà nhu yếu phẩm, hỗ trợ dụng cụ học tập và học phí cho con em 15 hộ nghèo, đề xuất giới thiệu việc làm cho lao động của 15 hộ nghèo… là hành động rất thiết thực đối với người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và sẽ được duy trì lâu dài.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Bích Lệ (xã Tân Thanh) là hộ nghèo được Chi bộ Hội Chữ thập đỏ huyện "đỡ đầu". Xác định nghèo là do thiếu học, không có nghề cho nên ngay khi tiếp cận, các đảng viên của chi bộ đã vận động hỗ trợ gia đình chị gạo ăn hằng tháng. Từ đây, chị Lệ (làm thuê tỉa thưa rừng) có phần đỡ vất vả lo bữa cơm hằng ngày và các con chị đã được đi học. "Sau khi tạo điều kiện để các cháu được đến trường, đảng viên trong chi bộ còn xin một con bò để chị làm vật nuôi quay vòng. Chúng tôi lo những gì mà hộ nghèo thiếu thốn, dẫn đến họ luẩn quẩn mãi không thoát khỏi cái nghèo. Thiếu chữ thì cho đến lớp, thiếu nhà thì xin nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, thiếu ăn thì giúp cái ăn, rồi thất nghiệp thì tìm cho việc làm, ốm đau thì đưa đi khám bệnh miễn phí.., như vậy người dân mới thoát nghèo bền vững", Bí thư Chi bộ Trần Trí Lẻn chia sẻ.
Tại huyện Tân Châu, còn phải kể đến hoạt động hiệu quả của nhiều chi bộ khác như: Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giúp một hộ cận nghèo vay vốn để kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cuộc sống; Ðảng ủy Công ty CP Cao-su Tân Biên đề xuất tạo ba việc làm cho ba hộ nghèo; Chi bộ Văn phòng Huyện ủy hỗ trợ vật liệu xây dựng công trình vệ sinh cho một hộ nghèo; Chi bộ Bảo hiểm xã hội hỗ trợ hai hộ nghèo, mỗi hộ một phần quà trị giá 1,1 triệu đồng gồm tiền và tập vở, quần áo; Ðảng ủy Trung tâm Y tế hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hai hộ nghèo; Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng giúp đỡ hai hộ nghèo có việc làm (tỉa thưa rừng); Chi bộ Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng hỗ trợ tạo việc làm cho hai hộ nghèo (bảo vệ rừng)… Từ các việc làm thiết thực nêu trên, trong số 340 hộ nghèo được các chi, đảng bộ giúp đỡ, đã có 247 hộ vươn lên thoát hẳn nghèo hoặc thoát nghèo lên cận nghèo (đạt tỷ lệ 73%). Con số này đủ nói lên những nỗ lực của cấp ủy các cấp ở Tân Châu.
Đồng chí Nguyễn Ðình Xuân, Bí thư Huyện ủy Tân Châu nhấn mạnh: Mô hình chi bộ, đảng bộ cơ sở "đỡ đầu" hộ nghèo ở Tân Châu khởi phát từ giữa năm 2018. Tất cả 56 chi bộ, đảng bộ cơ sở được giao nhiệm vụ đều quan tâm khảo sát đời sống, nhu cầu và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo. Ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo Nhà nước quy định, tất cả các chi bộ, đảng bộ còn liên hệ Ðảng ủy các xã, thị trấn để phối hợp gặp gỡ, trao đổi với hộ nghèo, tìm hiểu nhu cầu và định hướng giúp đỡ. Tổng hợp ban đầu cho thấy, có 41 chi bộ, đảng bộ cơ sở giúp đỡ trực tiếp bằng hiện vật, nguồn lực cụ thể; còn lại 15 chi bộ đã quan tâm, động viên tinh thần, định hướng các hộ mạnh dạn đề xuất nhu cầu và phối hợp với Ðảng ủy các xã thực hiện chính sách giảm nghèo. Việc này không những giúp người dân giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, mà còn thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm của các cấp ủy địa phương, mà trên hết là xuất phát từ cái tâm vì dân.
Theo Nhân dân