Cần giải pháp trưng bày hiện đại, thu hút và khơi gợi được nhiều cảm xúc cho khách tham quan. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia, người làm công tác bảo tàng tại buổi góp ý Đề cương chi tiết nội dung chỉnh lý, bổ sung nâng cấp Khu Trưng bày hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình trong khuôn viên Quê nội, thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư chủ trì vào chiều 3/4.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cho biết việc TPHCM tham gia góp ý, hỗ trợ chỉnh lý, nâng cấp Khu Trưng bày hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình trong khuôn viên Quê nội, thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là ý tưởng của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm và chúc Tết tại Nghệ An dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đây xem như là món quà của TPHCM - TP vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - dành tặng quê hương của Người nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), cũng như góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng phát triển và tình cảm gắn bó giữa TP mang tên Bác và quê Bác.
Nội dung chỉnh lý gồm 2 nhà trưng bày bổ sung tại Khu Di tích Kim Liên với hơn 200 hiện vật và hình ảnh được sắp xếp theo 2 chủ đề chính “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người”.
Góp ý cho nội dung chỉnh lý, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, cho rằng quê hương là nguồn mạch nuôi dưỡng và tác động đến cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ không nên bó hẹp trong giới hạn hành chính Nghệ An ngày nay mà nên ghi nhận vùng sông Lam - núi Hồng như một “tiểu khu vực lịch sử - văn hóa”, không gian văn hóa. Thực tế, Nam Đàn - Đức Thọ, hai bên bờ sông có lịch sử, văn hóa, phong tục… giống nhau. Thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung hay anh thanh niên Nguyễn Tất Thành thường theo cha - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - sang Đức Thọ trao đổi nhiều điều, qua đó đã “nghe” và “nghĩ” về nhiều vấn đề mà sau này mình theo đuổi.
Đồng ý kiến, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM TS Hoàng Anh Tuấn và Trưởng Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Th.S Nguyễn Võ Cường cho rằng cần làm rõ và nổi bật giá trị lịch sử - văn hóa của “xứ Nghệ” - vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ bao đời cùng truyền thống gia đình đã hun đúc, nuôi dưỡng nên nhân cách, tinh thần yêu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS.TS Trần Thị Mai (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng nên tạo sự khác biệt với các nội dung trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh hay các nơi khác qua việc nhấn mạnh nội dung quê hương với Bác Hồ và Bác Hồ với quê hương. Ngoài các hiện vật, có thể khai thác thêm những trang viết của Bác để thấy rõ hơn tình cảm của Người đối với quê nhà dù ở nơi xa. “Cũng cần hiện đại hóa cách trưng bày như các bảo tàng của thế giới khi tạo ra một không gian trưng bày mà du khách có thể hòa mình vào để cảm nhận, khơi gợi được cảm xúc, ấn tượng của mọi người về một con người đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Trần Thị Mai nêu ý kiến.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM TS Lưu Tuyết Trinh và Giám đốc Bảo tàng TPHCM TS Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho biết sẵn sàng hỗ trợ giải pháp trưng bày và đặc biệt là những hiện vật giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam, lưu lại nhiều dấu ấn tại Sài Gòn - TPHCM…
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cho biết sẽ nhanh chóng làm việc với phía Nghệ An để có thể tiến hành và hoàn thành các nội dung chỉnh lý trong tháng 9 nhằm tạo nhiều ấn tượng mới mẻ, sâu đậm cho rất nhiều du khách sẽ đến với quê Bác nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa 50 năm thực hiện Di chúc của Người.