"Nhà ở bản Huổi Ca đi từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, anh em cháu mới mang được rau, gạo đến trường" - Câu trả lời tiếng Việt còn ngọng nghịu của Giàng A Phông học sinh lớp hai Trường tiểu học Huổi Só, huyện Tủa Chùa (Ðiện Biện) khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Cùng với những nỗ lực đem cái chữ đến vùng khó khăn của mỗi thầy giáo, cô giáo thì những nỗ lực vượt khó đến trường của học sinh vùng cao đang góp phần quan trọng thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí tỉnh miền núi Ðiện Biên.
Cái rét mùa đông đến với Ðiện Biên, như có phần tê tái hơn khi đời sống kinh tế của người dân các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù vậy, con chữ ở đó vẫn nảy nở từng ngày. Vượt qua đoạn đường dốc núi gần 40 km từ trung tâm huyện Tủa Chùa đến với Trường tiểu học Huổi Só, một trong những trường vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của huyện, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là dãy nhà học sinh ở nội trú tranh tre, nứa lá vốn là "đặc trưng" của vùng cao đã được thay bằng dãy nhà xây kiên cố. Dù còn chật chội, giản đơn nhưng khu nhà ở kiên cố cũng là phần thưởng đáng quý góp phần giúp học sinh không phải ăn, ở trong những khu nhà tạm bợ nóng nực, oi bức khi mùa hè về, mưa dột, giá rét khi mùa đông tới. Thấy chúng tôi tìm hiểu về đời sống nội trú ở trường, dù rụt rè, nói tiếng phổ thông còn ngọng nghịu, nhưng Giàng A Phông vẫn vừa đun bếp vừa tâm sự: Nhà Phông ở bản Huổi Ca, cách trường hơn chục cây số. Năm nay mới học lớp hai nhưng Phông đã phải xa gia đình để bước vào cuộc sống "tự lập" được mấy năm rồi. Không chỉ tự lập, Phông còn phải chăm sóc, trông nom em trai là Giàng A Len đang học trường mầm non sát cạnh cũng ở nội trú tại trường. Cứ cuối tuần, hai anh em lại cuốc bộ nửa ngày về nhà mang gạo, rau lên trường. Cuộc sống có những ngày thiếu cả lương thực, thực phẩm. Thức ăn toàn rau các em tự kiếm dưới suối. Câu chuyện với chúng tôi như gần gũi hơn khi Giàng A Pa người dân tộc Mông cùng khu nội trú chia sẻ: Phần lớn học sinh của bản Huổi Ca đều ở nội trú từ khi còn học mầm non. Năm nay học lớp bốn cho nên Pa đã cùng các bạn đồng lứa sống "tự lập" được hơn năm năm. Quãng đường dài hơn chục cây số đường rừng giờ đã trở thành quen thuộc với phần lớn học sinh nơi đây cất bước tới trường. Nhiều khi đường xa, ngày mùa lại phải về giúp bố mẹ làm nương rẫy nhưng phần lớn các em đều không bỏ học.
Những năm vừa qua, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường của Ðiện Biên luôn đạt cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú (nội trú dân nuôi) ngày càng phát triển. Không chỉ ở Huổi Só, tại Trường THCS Xá Nhè, trò chuyện với chúng tôi, Hiệu trưởng Trương Văn Hùng cho biết: Trước đây học sinh ở nội trú thường phải kê bàn ghế, ngủ tại lớp học. Tuy nhiên, đến nay, cả trường đã có 20 phòng ở nội trú kiên cố cho học sinh trọ học. Dù đời sống của người dân còn khó khăn, sinh hoạt của học sinh thiếu thốn nhưng phòng ở kiên cố đã góp phần quan trọng duy trì sự chuyên cần học tập của học sinh khắp 13 thôn, bản trong xã. Giám đốc Sở GD và ÐT Ðiện Biên Lê Văn Quý chia sẻ: Trường phổ thông dân tộc bán trú là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Các trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi thật sự đã thu hút học sinh, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, nhất là tỷ lệ bỏ học, lưu ban giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh gái theo học tăng. Năm học 2004-2005, tỉnh Ðiện Biên có 72 trường phổ thông, với 11.363 học sinh nội trú dân nuôi thì năm học 2010-2011, ở 183 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có 20.456 học sinh nội trú dân nuôi, chiếm 18,7% tổng số học sinh phổ thông. Ðáng chú ý, xác định được vai trò quan trọng của hệ thống nhà ở nội trú dành cho học sinh, cho nên ngành GD và ÐT tỉnh cũng như chính quyền địa phương chú trọng kiên cố hóa phòng ở nội trú cho học sinh từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách, chương trình mục tiêu, xã hội hóa... Vì vậy, từ chỗ phòng ở của học sinh chủ yếu là tranh tre, nứa lá thì đến nay đã có 28% số phòng ở trên toàn tỉnh của học sinh được kiên cố. Trong đó có ba huyện bảo đảm phần lớn các trường có khu nhà ở nội trú cho học sinh được kiên cố là: Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ẳng... góp phần bảo đảm các điều kiện ăn ở tốt cho học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến lớp, đến trường của Ðiện Biên đạt cao. Ðến năm 2000, tỉnh Ðiện Biên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ năm 2000; năm 2008 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2010.
Sự phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú đã góp phần quan trọng thúc đẩy giáo dục vùng khó ở Ðiện Biên từng bước đi lên. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vùng núi, dân cư thưa thớt, cho nên số phòng nội trú kiên cố và bán kiên cố chưa đáp ứng được nhu cầu học sinh. Vì vậy, để mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ngày càng phát triển, ngành GD và ÐT Ðiện Biên tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, phòng nội trú cho các trường. Theo Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở GD và ÐT Ðiện Biên) Nguyễn Văn Ðoạt, ngành GD và ÐT tỉnh sẽ phối hợp cùng các huyện, thành phố xác định đúng tầm quan trọng của trường phổ thông dân tộc bán trú trong mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương, để từ đó không ngừng củng cố, duy trì và phát triển loại hình trường này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước cùng với việc huy động các nguồn lực từ các tổ chức xã hội nhằm cải thiện tình trạng khu nội trú, ổn định cuộc sống cho các em, tạo bàn đạp cho bước tiến mới của giáo dục vùng cao Ðiện Biên.
Theo Nhân dân