Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/2/2012 20:39'(GMT+7)

Phân tầng Đại học, Cao đẳng sẽ khắc phục chuyện xin-cho

Trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp. (Ảnhminh hoạ).

Trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp. (Ảnhminh hoạ).

Tăng quy mô mở rộng các trường ĐH, CĐ cũng là để đảm bảo nhu cầu được hưởng sự giáo dục đa dạng của các tầng lớp người dân trong xã hội. Tuy nhiên, đa số các nhà quản lý, cán bộ giáo dục đều cho rằng, các trường thành lập phải đạt được mục tiêu do Bộ GD-ĐT đề ra, chứ không thể để tình trạng ồ ạt mở trường, rồi sau một vài năm lại phải đóng cửa vì không đảm bảo chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã

Khi số lượng các trường ĐH, CĐ tăng nhanh và nhiều thì cần có sự phân tầng. Nếu không thì các trường sẽ luôn đòi quyền tự chủ trong khi năng lực đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Trường nào cũng muốn mình được xếp hạng top đầu.

Liệu chúng ta có nên phân tầng ĐH, CĐ và nếu phân tầng thì phải làm như thế nào và từ đâu? Xung quanh vấn đề này, một số nhà quản lý, cán bộ giáo dục đã phát biểu ý kiến như sau.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Sẽ khắc phục tình trạng xin-cho quyền tự chủ

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã (Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Muốn hệ thống giáo dục ĐH, CĐ phát triển thì cần phải có sự phân tầng giữa các trường. Theo đó, những trường ĐH, CĐ tinh hoa và mũi nhọn nhận được sự đầu tư ưu tiên của Nhà nước. Những trường này được gọi là nhóm top đầu, sẽ có sự liên thông, liên kết trong giáo dục đào tạo.

Chúng ta không thể để trường ĐH mạnh liên thông đào tạo với trường trung bình hoặc kém vì như vậy sẽ làm chất lượng đào tạo ngày một yếu đi. Việc phân tầng các trường ĐH, CĐ cũng vì mục đích để các trường phấn đấu theo hướng nào (đẳng cấp quốc tế, phục vụ theo nhu cầu địa phương hay yêu cầu xã hội…).

Căn cứ để phân tầng ĐH, CĐ sẽ thông qua các đợt kiểm định, xếp hạng, phân loại của các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Giáo dục-Đào tạo và đánh giá của người học. Như vậy, nếu trường ĐH, CĐ nào bị tụt bậc xếp hạng thì sẽ phải thay đổi và phấn đấu để vươn lên đứng top cao hơn.

Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ 118 sinh viên/vạn dân. Con số này chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/3 của Hàn Quốc. Mỹ có 341 triệu dân thì có tới 4.000 trường ĐH, trong khi Việt Nam có trên 85 triệu dân thì chỉ có 450 trường ĐH, CĐ.

Phân tầng ĐH, CĐ cũng sẽ giảm được sức ép khi đến mùa tuyển sinh, nhiều trường vì không tuyển đủ chỉ tiêu nên luôn kiến nghị với Bộ GD-ĐT hạ điểm sàn và cũng hạn chế tình trạng có học sinh thi được 8-9 điểm cũng đỗ ĐH.

Sự phân tầng này cũng sẽ khuyến khích các trường phải cạnh tranh chất lượng với nhau, trường nào đạt tiêu chuẩn thì tồn tại, trường nào đào tạo kém, chất lượng không đảm bảo thì ắt sẽ có sự thải hồi.

Ngoài ra, phân tầng cũng sẽ khắc phục tình trạng xin-cho quyền tự chủ ở nhiều ĐH, CĐ không đảm bảo chất lượng.

GS.TS Vũ Minh Giang: Phải chấp nhận không có sự ngang bằng về chất lượng

Từ trước tới nay, nhiều người đánh giá, các trường ĐH, CĐ chỉ đạt chất lượng bình bình, chung chung như nhau. Vì vậy, có một thời gian, chúng ta đã đặt ra chỉ tiêu là đưa tất cả các trường ĐH, CĐ Việt Nam đạt đến một trình độ nào đó. Tiêu chuẩn đưa ra như vậy là phi thực tế, không đúng quy luật tự nhiên.

Việc phân tầng ĐH, CĐ cũng là cơ sở khách quan và chúng ta phải chấp nhận một thực tế là không thể trường ĐH nào cũng như nhau- GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

GS.TS Vũ Minh Giang

Chúng ta phải chấp nhận là một số trường ĐH trọng điểm được ưu tiên đầu tư, một số trường trở thành ĐH dành riêng cho nghiên cứu, trường ĐH cộng đồng nhằm phục vụ đào tạo nhu cầu ở địa phương. Ví dụ như, chúng ta phải chọn trường ĐH có đủ tiêu chuẩn để đào tạo trình độ tiến sĩ chứ không thể để những trường ở mức độ trung bình đào tạo.

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, khi tiến tới phân tầng các trường ĐH, CĐ thì Việt Nam phải xác định được chúng ta cần gì ở nền giáo dục đổi mới, hành trang để đổi mới giáo dục ĐH, CĐ đã có những gì…

Với những hành trang đã có thì chúng ta cần làm từ đâu và thực hiện như thế nào để phân tầng ĐH, CĐ.

GS.TS Lâm Quang Thiệp: Có thể phân 3 tầng ĐH, CĐ theo yêu cầu khác nhau

GS.TS Lâm Quang Thiệp (Nguyên là vụ trưởng Vụ ĐH - Bộ GD-ĐT) nêu ý kiến: Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục ĐH, CĐ được phân nhóm để quản lý dễ dàng và đưa ra chính sách đầu tư. Chúng ta có thể tham khảo mô hình phân tầng giáo dục như ở Mỹ, phân tầng theo 3 nhóm.

GS.TS Lâm Quang Thiệp

Theo đó, có khoảng 9-10 trường ĐH, CĐ cao nhất dành cho nghiên cứu khoa học, được đào tạo bậc tiến sĩ. Nhóm thứ 2, chuyên về đào tạo các ngành học, không được đào tạo tiến sĩ. Nhóm thứ 3 là các trường ĐH địa phương và cộng đồng.

Việt Nam nên tham khảo mô hình trên và có thể thí điểm đưa 16 trường ĐH trọng điểm vào tầng ĐH nghiên cứu. Nếu trong 5 năm hoạt động tốt, chúng ta có thể chọn trong số 16 trường này ra 1 vài trường phấn đấu đạt đẳng cấp quốc tế.

Tiêu chí để xếp những trường vào nhóm này là phải có số lượng sinh viên chính quy nhất định, không được lấy sinh viên hệ tại chức để đào tạo tiến sĩ.

Tầng thứ 2 là các trường ĐH chuyên về đào tạo nhưng không chuyên sâu về nghiên cứu. Tầng ĐH, CĐ thứ 3 là các trường gắn với nhu cầu đào tạo của địa phương.

GS.TS Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng, khi phân tầng trường ĐH, CĐ cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế sự chồng chéo./.

(Theo: Bích Lan/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất