Thứ Bảy, 28/12/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 25/3/2009 14:56'(GMT+7)

Nới rộng biên độ tỷ giá: "Nhất cử nhiều tiện"

Liên tục từ năm 2002 đến nay, chính sách tỷ giá của Việt Nam đã liên tục được nới lỏng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá lên +/-5% giữa đồng USD/VND sẽ góp phần tăng cường khả năng điều chỉnh linh hoạt của nền kinh tế, bám sát và phản ánh một cách sát thực hơn diễn biến, yêu cầu của thị trường ngoại tệ; kịp thời có các hoạt động điều tiết khối lượng USD trong giao dịch ngoại tệ, đồng thời, tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh trong cả năm 2009.

Cùng với chủ trương phát hành 300 triệu USD trái phiếu, việc nới rộng biên độ tỷ giá sẽ có tác dụng giảm giá VND so với USD, qua đó giúp hạ giá thành hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang làm suy giảm sức mua của các thị trường này, việc tạo điều kiện hạ giá hàng xuất khẩu sẽ góp phần cải thiện tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, quyết định này của Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực tới hoạt động giao dịch ngoại hối dường như đang có xu hướng quá trầm lắng tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên sẽ không tạo quá nhiều biến động gây “sốc” trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt nhận định: Lý do để Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ tỷ giá là do cung cầu ngoại tệ tăng lên. Việc nâng biên độ tỷ giá và thỏa mãn yêu cầu về giá cho các doanh nghiệp một mặt sẽ hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, đồng thời góp phần kích thích hợp lý xuất khẩu.

Ngay sau khi quyết định có hiệu lực thi hành (ngày 24/3), toàn bộ mạng lưới ngân hàng thương mại trên cả nước đều ấn định mức tỷ giá giao dịch là 1USD đổi được 17.700 VND (Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ giá liên ngân hàng là 16.131VND/17829VND).  Tuy nhiên giao dịch rút USD của nhà đầu tư cũng như nhu cầu mua USD tại các ngân hàng thương mại không biến động.

Trên thị trường tự do, giá USD đã leo lên mức 18.000 đồng/USD. Khách hàng chen nhau mua, giao dịch như lên cơn sốt. Tuy nhiên nhiều cửa hàng đã từ chối giao dịch với lý do “hết USD”. Nhiều cửa hàng đang chuẩn bị thu gom tiền Việt để mua lại ngoại tệ vì tiên liệu khách hàng có thể kéo đến bán USD.

Tình hình cung cầu USD trên thị trường giao dịch từ đầu năm 2009 đến nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Do tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rất hạn chế hoạt động bán USD cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng thiếu USD và không đủ đáp ứng nhu cầu mua USD để thanh toán quốc tế hoặc trả nợ của các doanh nghiệp. Thay vì, các giải pháp mang tính cạnh tranh lành mạnh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, một số ngân hàng thương mại lại sử dụng các hình thức giao dịch thiếu tích cực như dùng ngoại tệ thứ ba hoặc mua bán ngoại tệ kỳ hạn để thu mua và bán USD cho các doanh nghiệp nhập khẩu vượt trần quy định.

Tình trạng nhỏ giọt đầu ra, cắt khúc hoặc giới hạn bán USD theo định mức tại các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra liên tục. Nhiều doanh nghiệp muốn mua USD với số lượng lớn phải đặt lệnh mua và xếp hàng trước nhiều ngày. Chưa kể, giá mua tại một số ngân hàng niêm yết một đằng, thanh toán một nẻo, thậm chí còn phải trả thêm nhiều khoản phụ phí giao dịch. Điều này gây nhiều ý kiến bất đồng từ phía các doanh nghiệp và có khả năng dẫn tới hiện tượng “bội tín” trong cam kết giữa các đơn vị kinh doanh với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp và ngân hàng.

Quyết định nới rộng biên độ tỷ giá giữa đồng USD/VND của Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức đã có những hiệu ứng tích cực, trước mắt, có thể cải thiện được tình hình tắc nghẽn giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng thương mại./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất