Hội Báo Luy-ma-ni-tê (Nhân Ðạo) lần thứ 77 của Ðảng Cộng sản (CS) Pháp năm nay là nơi hội tụ các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới hướng tới những mục tiêu cao cả: tình đoàn kết quốc tế, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
Những sứ giả của các nền văn hóa
Với hơn 650 nghìn người tham dự Hội Báo Nhân Ðạo của Ðảng CS Pháp năm nay và hơn 60 đoàn đại biểu quốc tế có mặt, hội báo đã trở thành nơi hội tụ các Ðảng Cộng sản, lực lượng cánh tả và phong trào công nhân quốc tế lớn nhất hằng năm. Nói như đánh giá của đồng chí Pa-trích Lơ Hi-a-rích, Tổng Biên tập Báo Nhân Ðạo tại lễ khai trương làng quốc tế sáng ngày 15-9: Dù được diễn đạt bằng nhiều ngôn ngữ, các đại biểu quốc tế và công chúng tham dự hội báo đều hướng tới những danh từ chung và những giá trị của sự công bằng, dân chủ, tình đoàn kết và hòa bình.
Mang đến thông điệp chung của tình hữu nghị, các gian trưng bày của các báo Ðảng Cộng sản, các đảng cánh tả tại hội báo đã tạo nên những nét độc đáo của từng nước. Nếu như gian trưng bày của Báo Gran-ma của Ðảng CS Cu-ba tạo ấn tượng mạnh với hình ảnh các bãi biển cát trắng tinh trong vùng Ca-ri-bê tràn ngập nắng vàng, rượu rum nồng nàn, thì hình ảnh của nhà lãnh đạo Hu-gô Cha-vết lại thu hút mối quan tâm khi khách đến thăm gian trưng bày của đất nước Vê-nê-xu-ê-la bên kia bờ Ðại Tây Dương xa xôi. Gian hàng của Báo Lơ Lien, cơ quan ngôn luận của Ðảng dân chủ và cộng sản chủ nghĩa An-giê-ri thu hút công chúng bằng khẩu hiệu ấn tượng chăng ngay phía trên lối vào: Chủ nghĩa xã hội là sự thay thế duy nhất cho chủ nghĩa tư bản đang trong cơn khủng hoảng.
Trong khung cảnh rộn ràng ngày hội của những người cộng sản, gian trưng bày Báo Nhân Dân tại Hội báo năm nay trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn bè Pháp và quốc tế. Ngay từ chiều 14-9, trước giờ khai trương gian trưng bày, đã có hàng trăm bạn bè quốc tế đến thăm. Với chủ đề "Hành trình đến hòa bình ở Việt Nam" hướng tới kỷ niệm 40 năm Lễ ký Hiệp định hòa bình Pa-ri, gian trưng bày Báo Nhân Dân giới thiệu những khoảnh khắc lịch sử trong suốt năm năm đàm phán. Hội nghị Pa-ri không chỉ là hội nghị đàm phán về hòa bình kéo dài nhất trong lịch sử thế kỷ 20 mà cũng còn là một trong những hội nghị về hòa bình dài nhất trong lịch sử nhân loại. Ðể có được kết quả đi đến lễ ký kết hiệp định ngày 27-1-1973 là cả quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, quyết tâm sắt đá và ý chí quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống bè lũ đế quốc đã trở thành biểu tượng của lương tâm và phẩm giá con người trong thế kỷ 20. Hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng, toàn thể các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đều ủng hộ Việt Nam và đòi đế quốc Mỹ và tay sai chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo gây ra trên dải đất hình chữ S.
Ðã thành truyền thống, Lễ khai trương gian trưng bày Báo Nhân Dân tại Hội Báo Nhân Ðạo luôn trở thành cuộc gặp được đông đảo bạn bè quốc tế mong đợi. Nhiều người ôn lại những tình cảm ân tình, quý mến của nhân dân Pháp, những người cộng sản Pháp và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam. Quan hệ truyền thống thắm thiết giữa Ðảng CS Pháp và Ðảng CS Việt Nam ngày càng được bồi đắp trong mỗi kỳ hội báo. Sự tham gia thường xuyên của Báo Nhân Dân tại các kỳ hội báo trở thành biểu trưng cho mối quan hệ gắn bó giữa hai tờ báo đảng. Ðúng như đánh giá của đồng chí Giắc Phát, Trưởng Ban Ðối ngoại Ðảng CS Pháp tại Lễ khai trương Gian trưng bày Báo Nhân Dân: Từ nhiều năm nay, những người làm Báo Nhân Ðạo và đại diện của Ðảng CS Pháp luôn mong chờ Lễ khai trương Báo Nhân Dân tại mỗi kỳ hội báo bởi lễ khai trương Báo Nhân Dân cũng là dịp khai mạc hội báo. Thông qua gian trưng bày Báo Nhân Dân, những người cộng sản Pháp và bạn bè quốc tế càng thêm tự hào trước sức mạnh, quyết tâm của cả một dân tộc anh dũng trong đấu tranh giành độc lập và đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày diễn ra hội báo, chúng tôi gặp lại nhiều gương mặt quen thuộc. Bà Hê-len Luých, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) là một trong những người gắn bó với gian trưng bày Báo Nhân Dân từ nhiều năm nay. Giai đoạn bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà Hê-len Luých là Chủ tịch Liên đoàn thanh niên cộng sản Pháp. Bà đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam. Những năm diễn ra Hội nghị hòa bình Pa-ri, bà cùng với chồng là thị trưởng thành phố Xoa-di lơ Roa có nhiều sáng kiến giúp đỡ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sự ủng hộ chí tình của những người cộng sản, quần chúng Pháp tiến bộ đóng góp vai trò vô cùng quan trọng vào thành công cuối cùng của hội nghị.
Ðất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, bà H.Luých lại cùng các thành viên của AAFV tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa và các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Sáng kiến tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế ở các thành phố trên toàn nước Pháp của AAFV là nguồn động viên quý báu giúp các nạn nhân tiếp tục giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của công lý. Bên cạnh đó, bà còn luôn quan tâm hỗ trợ các hoạt động của các phóng viên, báo chí Việt Nam trong quá trình tác nghiệp tại Pháp.
Sự tiếp nối thế hệ
Ấn tượng sâu đậm tại gian trưng bày Báo Nhân Dân là hình ảnh các nam, nữ thanh niên Việt Nam và Pháp cùng chung vui tổ chức hội báo. Họ là các thành viên của Hội Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp đến tham gia tổ chức hội báo cùng các lão thành của Hội người Việt Nam. Trong các gian trưng bày ở khu vực làng quốc tế, chỉ có gian trưng bày Việt Nam mới có nhiều thành viên trẻ như thế.
Chúng tôi gặp Pếch, phụ trách công tác xây dựng và tổ chức gian trưng bày Báo Nhân Dân. Dáng người chắc đậm, nụ cười cởi mở, anh để lại ấn tượng gần gũi cho những người tiếp xúc. Pếch luôn tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Pếch năm nay chưa đến 30 tuổi nhưng đã hơn 10 năm tham gia làm tại Hội Báo Nhân Ðạo. Ðể dựng được gian trưng bày trên diện tích gần 200 m2, Pếch và các tình nguyện viên trẻ tuổi đã đến trước từ hàng tuần lễ để dựng lều, trại và trông coi gian hàng. Pếch kể: Các bạn sinh viên người Pháp tham gia dựng gian hàng hầu hết là bạn bè của Việt Nam thông qua mỗi kỳ hội báo. Họ muốn được đóng góp một phần nhỏ sức lực và nhiệt huyết để giúp Việt Nam. Thông qua những sinh hoạt tập thể gắn bó như thế, mối liên hệ với quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng trở nên mật thiết. Thật xúc động trước tình cảm chân thành của những người bạn Pháp đối với đất nước Việt Nam.
Trong số các sinh viên tình nguyện làm tại gian trưng bày Việt Nam, chúng tôi gặp Nguyễn Công Hoàng, chàng trai quê Nam Ðịnh. Hoàng đang theo học thạc sĩ chuyên ngành báo chí - truyền thông của Trường đại học Pa-ri 10. Biết thông tin về Hội báo đăng trên trang mạng điện tử của Hội Sinh viên, Hoàng đăng ký tham gia. Ðược sống trong không khí sôi nổi của cộng đồng, Hoàng bày tỏ: Ðây là dịp tốt để chúng em làm quen với các bạn bè quốc tế và qua đó trau dồi ngôn ngữ, văn hóa. Sang năm, em cũng rất mong muốn được tham gia hội báo ngay từ buổi đầu để có dịp gặp gỡ nhiều bạn hơn.
Những chàng trai, cô gái dù sinh ra trên đất Pháp hoặc mới từ trong nước sang mà chúng tôi gặp tại gian trưng bày Hội Báo Nhân Ðạo đã để lại ấn tượng sâu sắc về một thế hệ mới năng động, trẻ trung và nhiệt huyết với quê hương. Chính họ sẽ là những người tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho Hội Báo Nhân Ðạo để mỗi kỳ hội báo luôn trở thành điểm hẹn đoàn kết và nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Huy Thắng - Khải Hoàn (Nhân Dân)