Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 2/9/2012 21:35'(GMT+7)

Đưa tri thức về xã, phường

 Tâm huyết của người làm công tác xuất bản

Tâm sự với chúng tôi, ông Khuất Duy Kim Hải, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật chia sẻ: “Làm nghề này chỉ mong sách – đứa con tinh thần của mình đến được với người đọc. Làm thế nào để có thể biên tập, xuất bản được những cuốn sách thiết thực, phù hợp với đối tượng độc giả, nhất là bà con ở xã, phường, vùng sâu, vùng xa là điều luôn trăn trở”.

Với suy nghĩ ấy ông Hải lại càng đau đáu sau mỗi lần đi thực tế ở xã, phường, thị trấn, tiếp xúc người dân để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu đọc sách nhằm đưa ra những cuốn sách phục vụ đúng nhu cầu của bà con.

Cũng chính từ những tâm huyết này, ông Hải đã xây dựng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Ông đã trực tiếp tham gia lựa chọn đề tài, tên sách, lựa chọn cẩn thận từng bản thảo để chuyển đến tay bà con

Ông Hải cho biết, những cuốn sách trong Đề án này được biên soạn ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dể hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; ít tính lý luận, hàn lâm, tăng cường các ví dụ thực tiễn, cụ thể; tăng cường các đề tài sách công cụ, cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ, chú trọng hình thức sách hỏi - đáp.

Hơn 15.076 xã, phường, thị  trấn được trang bị sách

Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn (2009-2011), tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 15.076 xã, phường, thị trấn đã được trang bị 114 đầu sách.

Nhiều cuốn sách được trình bày dưới dạng hỏi – đáp dễ hiểu, dễ nhớ, tiện tra cứu,... đã được cơ sở đồng tình, đánh giá cao bộ sách này.

Ông Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định bày tỏ: Hiệu quả lớn nhất của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đó là tính thiết thực, trang bị kiến thức về những vấn đề mà cơ sở đang đòi hỏi. Đáng quý ở chỗ, nội dung mỗi cuốn sách không chỉ phục vụ trực tiếp cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Mà thông qua đó, góp phần nâng cao trình độ, hiệu quả công tác của cán bộ cơ sở, nâng cao dân trí và nhận thức của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Văn chia sẻ.

Đồng thời, nhiều vấn đề nêu trong sách được bà con nông dân quan tâm như: Bí quyết làm giàu từ chăn nuôi, Hướng dẫn nhà nông làm giàu, Những điều cần biết khi chung sống với điện, thuốc thường dùng... được bà con nông dân quan tâm tìm hiểu.

Tỉnh ủy Kon Tum đã khẳng định: “Việc trang bị sách cho xã phường thị trấn có tác dụng thiết thực đối với cán bộ, công chức cơ sở. Nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Bởi trên những địa bàn này, hệ thống thông tin liên lạc khó khăn, đài phát thanh – truyền hình không phục vụ được vùng lõm, khó đến được vùng sâu, vùng xa”.

Còn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên thì cho rằng: Thực tế cho thấy khi chưa có sách trang bị, nhiều việc cần giải quyết với dân ở cơ sở nhưng cán bộ lúng túng nên kéo dài, thậm chí còn giải quyết chưa đúng với chủ trương chính sách. Từ khi có sách trang bị đã giúp ích cho nhiều cán bộ trong giải quyết công việc một cách nhanh chóng hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn.

Anh Phạm Văn Mạnh - một người dân ở xã Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam chia sẻ việc trang bị sách cho cơ sở đã giúp bản thân anh cũng như bà con xã Thanh Sơn tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi, cách làm giàu mới,... Các kiến thức trong sách đã được anh áp dụng vào điều kiện cụ thể của gia đình mình để phát triển kinh tế và anh rất mong việc trang bị sách tới từng nhà văn hóa của từng thôn để người dân tiếp cận thuận tiện hơn. 

Rõ ràng là, việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng và trúng, có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp xã, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất