Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính
trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở
nhiều địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai, bà con nông dân được tổ chức chào cờ sáng
thứ hai đầu tuần.
Trong thời gian khoảng 20 phút, sau khi tiến hành nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, bà con được nghe cán bộ ấp phổ biến kế hoạch, công việc của xã, ấp; biểu dương các gia đình gương mẫu, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương, hăng say lao động, tích cực xây dựng tình làng nghĩa xóm; đồng thời, nhắc nhở những hộ thực hiện chưa nghiêm, chỉ rõ những thói hư, tật xấu trong thôn, ấp… Điều đáng nói là, việc biểu dương, nhắc nhở được tiến hành rất cụ thể, thiết thực, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mang lại hiệu ứng giáo dục tích cực trong cộng đồng.
Ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc là một trong những ấp điển hình về tổ chức cho nông dân chào cờ đầu tuần. Lễ chào cờ được tổ chức với nghi thức trang trọng, giàu ý nghĩa, phù hợp với tập quán văn hóa và công việc mùa vụ của nhà nông. Cán bộ ấp sâu sát, nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con, kịp thời biểu dương các cá nhân, gia đình, dòng họ có nhiều việc làm tốt, biểu hiện sinh động của việc học tập và làm theo lời Bác. Bà con trong ấp đi chào cờ với thái độ trân trọng và tự giác. Mặc dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng sau gần một năm duy trì đều đặn chế độ chào cờ đầu tuần, tinh thần tương thân tương ái, tình cảm láng giềng, mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân đã được cải thiện. Từ phong trào làm theo lời Bác được tuyên truyền, tuyên dương dưới cờ, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cá nhân, gia đình gương mẫu.
Nông dân chào cờ ở thôn, xóm, ấp... là một hình thức sinh hoạt văn hóa bổ ích, bổ sung cho bề dày phong tục, tập quán tốt đẹp ở làng quê, có tác dụng thiết thực giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sát với bà con nông dân.
Được biết, ở tỉnh Phú Yên và một số địa phương Nam Bộ cũng đã có hình thức nông dân chào cờ ở thôn, ấp. Để phát huy hiệu quả của nghi thức này, rất cần vai trò tham mưu, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, phải khơi dậy tính tự giác, tự nguyện của người dân và sự mẫn cán của đội ngũ cán bộ. Khi vận dụng để phổ biến, nhân rộng cách làm này, các địa phương cần tính đến đặc thù đời sống sinh hoạt của nhà nông ở từng vùng, nhất là khi mùa màng bận rộn và cần phải tạo ra sức sống của mô hình để tránh hình thức, gượng ép./.
Hoàng Thành (QĐND)